Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2023 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố đã cho thấy, sức khỏe các doanh nghiệp ngành dược được gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế suy giảm năm nay.

Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2023

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Vietnam Report

Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2023

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Vietnam Report

Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2023

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Vietnam Report

Sức đề kháng của ngành dược trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm

Nhìn lại chặng đường từ đầu năm đến nay, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, sức cầu thấp trên diện rộng đã khiến đà tăng trưởng của ngành dược giảm tốc trong quý III và chứng kiến lợi nhuận phân hóa giữa các doanh nghiệp. So với kết quả khảo sát của Vietnam Report cách đây một năm, tỷ lệ số doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng về doanh thu có sự sụt giảm, trong khi ở chiều ngược lại, 26,3% số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu kém hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, xét chung 10 tháng đầu năm 2023, gam màu tích cực vẫn đóng vai trò chủ đạo trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, với đa số doanh nghiệp dược ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng về doanh thu (73,7% số doanh nghiệp) và về lợi nhuận (78,9% số doanh nghiệp). Nhìn chung, với vị thế là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ những “rung lắc” của thị trường và sự suy giảm của kinh tế, trong bối cảnh ảm đạm của đa số lĩnh vực từ đầu năm đến nay, ngành dược dù không hoàn toàn “miễn dịch” song vẫn là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh.

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm giai đoạn 2022-2023

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Vietnam Report

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 10 tháng đầu năm 2023, tình hình chung của kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC – thuốc có kê đơn) chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt. Trong đó, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kênh này đến từ việc các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện đã được nới lỏng và thông thoáng hơn. Điển hình là Luật khám, chữa bệnh số 15/2023/QH15 tạo điều kiện cho các bệnh viện công tự chủ về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất nhằm phù hợp với nhu cầu khám bệnh, khắc phục tình trạng ùn tắc tại bệnh viện, bệnh nhân phải chờ đợi do cơ sở y tế thiếu máy móc, thiết bị. Nhờ vậy, lưu lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh tại bệnh viện gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản lượng thuốc trên kênh ETC. Bên cạnh đó, việc gia hạn số đăng ký thuốc (Nghị quyết số 80/2023/QH15) có hiệu lực từ tháng 1/2023, Thông tư số 06/2023/TTBYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thuốc có hiệu lực kể từ ngày 27/04 hay Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 ban hành vào tháng 3 của Chính phủ đã giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt cho bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, đặc biệt là việc tổ chức mua sắm đấu thầu và gia hạn giấy lưu hành thuốc, giúp hoạt động đấu thầu thuốc ETC sôi động hơn trong những tháng cuối quý II, lượng hàng cung cấp có dấu hiệu cải thiện và tương đối đầy đủ tại các bệnh viện, thuốc ngoại được nhập về nhiều hơn so với trước đây.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh ở mảng OTC (thuốc không kê đơn) có dấu hiệu đi ngang, thậm chí suy giảm nhẹ và đang trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn” – theo nhận định của phần lớn chuyên gia ngành dược chia sẻ với Vietnam Report. Trước tiên, sức mua qua kênh OTC bị ảnh hưởng phần nào bởi sức cầu yếu đi khi thu nhập người tiêu dùng giảm. Theo đó, đã duy trì tăng trưởng trong quý I, có xu hướng giảm từ quý II và đà tăng nửa cuối năm cũng gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài, lợi dụng sự rối ren của thị trường trong giai đoạn nhu cầu sử dụng, tích trữ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm về đường hô hấp tăng đột biến, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã bùng nổ, trong khi việc kiểm soát chất lượng còn nhiều khó khăn, có những sản phẩm hàng giả, hàng nhái xuất hiện, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường dược.

Điểm lại những khó khăn từ đầu năm đến nay, top 5 khó khăn lớn nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp dược bao gồm: (1) Kinh tế tăng trưởng chậm; (2) Cầu tiêu dùng yếu; (3) Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; (4) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; và (5) Sức ép từ tỷ giá gia tăng. Trong năm 2023, biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào hay rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cầu gia tăng không còn là các vấn đề nóng nhất như năm trước và nhường chỗ cho câu chuyện tăng trưởng chậm của nền kinh tế, song vẫn nằm trong top 5 thách thức được nêu tên. Trên thực tế, thị trường dược Việt Nam còn thiếu tính ổn định, do nguyên liệu sản xuất phụ thuộc tới 90% vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như: biến động tỷ giá, giá nhập khẩu hay những cú sốc về nguồn hàng. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Các công ty dược trong nước hiện nay chủ yếu tập trung sản xuất các loại thuốc generic có giá trị thấp, giá rẻ, khả năng cạnh tranh kém, dẫn đến tình trạng vừa phải cạnh tranh với các loại thuốc generic nhập khẩu, vừa cạnh tranh nội bộ ngành. Do đó, tồn tại tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường.

Triển vọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo

Theo dự báo của Tổ chức IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report, trong những tháng còn lại năm 2023, ngành dược vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là kênh OTC sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Mặc dù đưa ra lưu ý cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới, song nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng của cả bản thân doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế vào năm 2024. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý IV năm sau.

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Vietnam Report

Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” – một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng để kỳ vọng được chỉ ra, bao gồm:

Thứ nhất, quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện: Một trong những nền móng cho tiềm năng phát triển của thị trường dược Việt Nam đến từ quy mô dân số lớn – trên 100 triệu dân và đang trong quá trình già hóa nhanh, nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn và chi tiêu cho dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh. Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Mặt khác, dù mức tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước, song mức thu nhập của người dân đang có những cải thiện và nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, nhất là kể từ sau đại dịch Covid-19. Đây là những yếu tố góp phần khiến mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành dược.

Thứ hai, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết: là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới, khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn chẳng hạn như EU-GMP. Doanh nghiệp dược có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định như hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)…, để có thể tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường quốc tế. Đồng thời, các FTA thường đi kèm với việc khuyến khích chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia. Điều này có thể giúp ngành dược Việt Nam có cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.

Thứ ba, các chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành: trong những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để “chạy đua” thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp dược. Điển hình là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành dược cũng như các doanh nghiệp trong ngành, với những mục tiêu cụ thể để góp phần tăng tính tự chủ, từng bước làm chủ công nghệ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Bên cạnh đó, một động lực quan trọng tiên quyết đến triển vọng của ngành dược trong những năm tới đến từ sự linh hoạt, chủ động nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nhanh nhạy nắm bắt các xu thế mới của doanh nghiệp trong ngành. Việc không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, ứng dụng ngày càng nhiều dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, vận hành sản xuất, tiếp thị, cũng như các động thái triển khai liên kết với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành này.

Đánh giá uy tín truyền thông của doanh nghiệp dược

Kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Dược bao gồm: Hình ảnh/PR/Scandals (19,7%); Cổ phiếu (12,2%); Tài chính/Kết quả kinh doanh (11,9%); Sản phẩm (11,0%); và Trách nhiệm xã hội (7,6%).

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược từ tháng 10/2019-9/2023 Vietnam Report

Đây cũng là những nhóm chủ đề xuyên suốt trong 4 năm qua được nói đến nhiều nhất. Tổng hợp kết quả phân tích từ năm 2020 cho thấy, nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều hơn, trong khi đó nhóm chủ đề Trách nhiệm xã hội tuy có sự cải thiện nhẹ trong năm 2023 song tần suất xuất hiện vẫn ở mức khiêm tốn. Đáng chú ý, tỷ lệ tin tích cực tại cả hai nhóm chủ đề đều có chiều hướng đi xuống, trong đó nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals với tỷ lệ tin tiêu cực có xu hướng tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây, cụ thể tăng từ 2,5% trong năm 2021 lên 18,7% trong năm 2022 và 21,6% trong năm 2023.

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược từ tháng 10/2019-9/2023 Vietnam Report

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi tỷ lệ chênh lệch giữa thông tin tích cực và tiêu cực so vơi tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10% và ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Theo kết quả thống kê 4 năm trở lại đây, chất lượng thông tin tuy đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đó, nhưng lại sụt giảm khá mạnh so với cách đây một năm, hiện duy trì ở mức xấp xỉ năm 2021. Cụ thể năm 2022, chỉ có 43,5% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%, giảm 14,1%, và cũng chỉ có 47,8% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 10%, giảm 15,8%.

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược từ tháng 10/2019-9/2023 Vietnam Report

Nghiên cứu truyền thông của Vietnam Report chỉ ra rằng, các doanh nghiệp trong ngành còn tỏ ra khá bị động trong việc kiểm soát thông tin khi phần lớn thông tin về hoạt động của doanh nghiệp vẫn do báo chí tự khai thác.

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp ngành dược 2023
Nguồn: Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược giai đoạn 10/2020-9/2023, Vietnam Report

Đặc thù ngành dược là tâm lý người dùng cuối cùng (người bệnh) dễ bị ảnh hưởng và dễ bị định hướng bởi tin giả trên mạng xã hội. Vì vậy việc lắng nghe, theo dõi người dùng, kịp thời truyền tải nội dung qua các kênh truyền thông chính thống, đáng tin cậy, giúp người dùng hiểu đúng về sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng lòng tin với khách hàng, đồng thời có thể nhanh chóng nắm bắt và kịp thời xử lý nếu có tin tiêu cực/rủi ro khủng hoảng truyền thông xảy ra với thương hiệu.

Top 10 Công ty Dược uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2023./.