Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm nay (ngày 13/11), Quốc hội khóa XV bế mạc Kỳ họp thứ 2 sau 16 ngày làm việc kết hợp giữa họp trực tuyến, họp tập trung, theo Văn phòng Quốc hội. Tham dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội khóa XV…

Bước tiến quan trọng trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới

Các đại biểu tham dự phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Ảnh: QH

Theo Chủ tịch Quốc hội, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức Kỳ họp theo hình thức trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được Quốc hội đồng tình và đạt kết quả tốt như: chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử…

“Đối với đợt họp trực tiếp, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBTVQH đã đồng ý với đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị ĐBQH và góp phần vào thành công chung của Kỳ họp. Đây cũng là vấn đề chưa từng có tiền lệ (họp tập trung nhưng vẫn có 1 Đoàn họp trực tuyến), minh chứng cho sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội…”, ông Vương Đình Huệ cho biết.

Cũng theo Người đứng đầu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 2 này, đã có 2.927 lượt ĐBQH phát biểu tại 8 phiên thảo luận ở tổ và 498 lượt ĐBQH thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường. Có thể nói, thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Bước tiến quan trọng trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Ảnh: QH

Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng, chống dịch Covid-19, tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã thống nhất rất cao thông qua các Nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025…

Về công tác lập pháp, ông Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 2 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn…

Về công tác phòng chống dịch, theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại…

Liên quan đến phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội, trong điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế được ban hành và thực hiện kịp thời, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sức cầu nền kinh tế còn yếu; thu – chi ngân sách vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là ngân sách trung ương; phân bổ, giải ngân đầu tư công vẫn là điểm yếu chưa được tháo gỡ triệt để; công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn không đạt mục tiêu đề ra; hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đang chậm lại, thị trường vốn trung và dài hạn còn rất hạn chế…

“Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế và TP Hải Phòng, nhằm cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị, để Chính phủ có những chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết./.