Việt Nam ban hành các chuẩn mực kế toán công đầu tiên

Bước tiến Việt Nam xây dựng khuôn khổ báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada, Bộ chuẩn mực gồm 21 chuẩn mực sẽ được ban hành từ nay đến năm 2024

Các Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam (VPSAS) đợt đầu tiên nhằm tuân thủ đầy đủ theo các Chuẩn mực Kế toán công Quốc tế vừa được Bộ Tài chính công bố. Bộ chuẩn mực gồm 21 chuẩn mực sẽ được ban hành từ nay đến năm 2024.

Hoạt động này có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada, đánh dấu mốc quan trọng trên chặng đường Việt Nam xây dựng khuôn khổ báo cáo tài chính tốt theo thông lệ quốc tế, song song với việc xây dựng báo cáo tài chính hợp nhất toàn chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, việc công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam được đặt ra như là tất yếu khách quan xuất phát từ nhu cầu quản lý thống nhất về tài chính Nhà nước, yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam và việc kiểm tra giám sát hoạt động kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước. “Đây chính là xu hướng, là việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, tạo ra khuôn mẫu, mực thước quan trọng cho lĩnh vực kế toán Nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia ở cả tầm vĩ mô và vi mô”.

Việc ban hành và áp dụng các chuẩn mực VPSAS ở Việt Nam là cơ sở tin cậy để đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính công, tăng hiệu quả quá trình đưa ra quyết định và nâng cao trách nhiệm giải trình. Hoạt động này cũng hỗ trợ Việt Nam cải thiện việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao hơn nhờ có kỷ luật tài chính tốt hơn qua đó giúp giảm chi phí đi vay.

Bước tiến Việt Nam xây dựng khuôn khổ báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế
Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án, WB tại Việt Nam cho rằng, sự tin tưởng của công chúng đối với công tác quản lý tài chính công sẽ được nâng cao

“Đây là nỗ lực chung của các bên và chúng tôi đánh giá rất cao sự tin tưởng và mối quan hệ bền chặt mà chúng ta đã xây dựng với các đối tác để đạt được kết quả này”, bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Với bước tiến lớn trong việc cải thiện công tác lập báo cáo tài chính khu vực công, uy tín của chính phủ cùng với niềm tin và sự tin tưởng của công chúng đối với công tác quản lý tài chính công sẽ được nâng cao rõ rệt”.

Quá trình xây dựng các chuẩn mực VPSAS đợt đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Tư vấn và Phân tích Quản lý Tài chính Công do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada đồng tài trợ và ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu tổng thể của chương trình là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách trong lĩnh vực quản lý tài chính công ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Chương trình này sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng và ban hành các chuẩn mực VPSAS các đợt tiếp theo và giám sát quá trình triển khai cũng như áp dụng các chuẩn mực kế toán đã ban hành.

“Việc áp dụng các Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam là mốc quan trọng trong các nỗ lực của Chương trình Quản lý Tài chính công hướng tới cải thiện hiệu quả chi tiêu công và tăng cường quản lý nguồn lực công để hướng tới phát triển bao trùm và bền vững”. Ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác Quốc tế của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết.

Hơn 40 quốc gia đã áp dụng các Chuẩn mực Kế toán Công Quốc tế IPSAS và nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, và Singapore đã ban hành các chuẩn mực kế toán công tuân theo IPSAS.

Khu vực tư cần chuẩn bị áp dụng IFRS

Về khối khu vực kinh tế tư nhân, cách đây gần 20 năm, Việt Nam đã xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực doanh nghiệp. Năm 2020, lộ trình triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại các doanh nghiệp đã chính thức được Bộ Tài chính ban hành.

Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam nằm trong “Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam”, công bố tại Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020. Lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021; Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025; Giai đoạn bắt buộc áp dụng: từ sau năm 2025.

Theo quy định, doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng IFRS phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của IASB tại cùng một thời điểm. Khi Hội đồng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASB) có sự sửa đổi, bổ sung các IFRS thì Việt Nam sẽ áp dụng chậm nhất sau 3 năm kể từ thời điểm các sửa đổi, bổ sung IFRS có hiệu lực. Doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng IFRS lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng không phải lập báo cáo tài chính theo VAS, chỉ phải lập duy nhất một bộ báo cáo tài chính theo IFRS để công bố theo pháp luật Việt Nam.

Theo lộ trình, trước ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính sẽ ban hành mới hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng phù hợp với IFRS, yêu cầu quản lý, điều hành của Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp. Sau đó, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát lại VAS, cập nhật những thay đổi của IFRS để đảm bảo VAS phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ quốc tế./.