Bức tranh ngân sách cần minh bạch hơn

“Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 60 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%…”, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tại toạ đàm “Dự toán NSNN năm 2022 – Khả năng đáp ứng mục tiêu về an sinh xã hội”, do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) với sự chủ trì của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) vừa phối hợp tổ chức.

Cần giải thích khi thay đổi chỉ tiêu dự toán ngân sách nhà nước
Theo chuyên gia, rất cần có phân tích kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch. Ảnh: CDI

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, nhìn chung dự thảo NSNN 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực để đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách cần được cụ thể hóa hơn, minh bạch hơn trong việc nêu bật nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành ra sao, nhằm hướng tới những đối tượng khó khăn nhất…

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính nhìn nhận, dự thảo NSNN 2022 không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên. Cần có sự nhất quán trong các chỉ tiêu dự toán NSNN qua các năm, nếu có thay đổi cần phải được giải thích đầy đủ. Rất cần có phân tích, đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch…

Ngân sách cần tăng hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Nhiều ý kiến cho rằng, NSNN cần được tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho người dân chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp.

Để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp chương trình Quản trị tốt, Oxfam tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội (có thể từ 6-10% GDP) và tăng chi từ NSNN cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người lao động tự do có đầy đủ các quyền lợi tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc.

“Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Còn mức hỗ trợ cho lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu theo quy định của nhà nước. Quy định một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, trong khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy, chưa dự báo hết tình hình tác động của dịch Covid-19 đến đời sống người dân, người lao động. Do đó, cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, tiếp cận theo cách phổ cập tới các nhóm như: hộ có trẻ em, hộ có người già, người khuyết tật. Mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt mức sống tối thiểu và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng. Chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng quỹ dự phòng…”, Ths. Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất.

Ông Nguyễn Quang Thương, quyền Giám đốc điều hành CDI, nhìn nhận, mức hỗ trợ cao nhất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 116/NQ-CP, ngày 24/09/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, chưa kể hỗ trợ chỉ là 1 lần, trong khi mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát kéo dài ít nhất 2 tháng.

“Chính phủ có thể tăng mức hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, qua đó kích cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu NSNN năm 2022…”, ông Thương đề xuất./.