Cần tăng nguồn lực “tiếp sức” cho người lao động

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất cần gia tăng các nguồn lực để hỗ trợ người lao động, qua đó đóng góp vào tăng trưởng…, theo Văn phòng Quốc hội.

“Cùng với đẩy nhanh tiêm vaccine Covid -19 cho người dân, để duy trì nguồn cung lực lượng lao động an toàn, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế…”, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề xuất.

Cần thêm cơ chế phát triển tài sản quý giá nhất của quốc gia
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề xuất cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: QH

Bà Tâm còn đề nghị công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa hoạt động trở lại bình thường. Cũng cần đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động… Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Do đó, đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Nhìn nhận nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), cho rằng một hệ thống chính sách pháp luật phù hợp để bảo vệ người lao động và phát triển nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động nước ta. Đề nghị cấp có thẩm quyền khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới…

Giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, tuy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm nhưng 3 gói chính sách đã cho thấy một số kết quả. Theo đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP đã có trên 14 triệu đối tượng được thụ hưởng. Còn gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, qua 4 tháng triển khai đã hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng. Gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đã rà soát, hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động…

Tập trung “hồi sinh” thị trường lao động

Nhìn nhận thị trường lao động bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, nhiều ĐBQH đề xuất cần triển khai nhiều giải pháp để dần “hồi sinh” thị trường này.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Theo ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19 trong quý III/2021 tăng thêm 15,4 triệu người. Cũng trong III vừa qua, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất kể từ quý 1/2020 đến nay.

“Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, cần đánh giá thực trạng nguyên nhân và có chính sách để tận dụng lực lượng lao động, huy động lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực này trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19. Cần nghiên cứu chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động, trong đó phải quan tâm tới các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung đông người lao động, kết hợp với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ để họ an tâm quay trở lại làm việc…”, bà Mai đề xuất.

Cần thêm cơ chế phát triển tài sản quý giá nhất của quốc gia
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự báo đến hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi thị trường lao động như bình thường có thể đáp ứng được. Ảnh: QH

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tuy đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng sau hơn một tháng thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, tình hình lao động đang có tiến triển khả quan. Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kiểm tra thực tế, hiện nay phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất từ 50% – 80%; số lao động phục hồi từ 70% – 75%, cá biệt có địa phương tới 90%. So với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng, thì chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, do chúng ta đã chủ động những giải pháp nhất định…

Theo ông Dung, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trương báo cáo Chính phủ và xây dựng chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động đi đôi với an sinh xã hội gồm hai giai đoạn: giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá. Trong đó, các cơ chế, chính sách tập trung vào: hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi, khôi phục, duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao…/.