Từ khóa: thị trường các-bon, chính sách tài chính cho thị trường các-bon, kinh nghiệm của EU

Summary

The carbon market is a new field, with differences in mechanisms and policies between countries that have fully operationalized the market and those that are just starting to pilot. Vietnam is in the process of preparing to pilot this market, so it is necessary to study international experience to obtain appropriate lessons. The article focuses on analyzing experiences in financial policies for carbon markets of the UK and the European Union (EU), thereby proposing some lessons for Vietnam.

Keywords: carbon market, financial policy for carbon market, EU experience

GIỚI THIỆU

Mặc dù Việt Nam đã ban hành khung pháp lý và chính sách để thiết lập thị trường các-bon và đang hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng để thí điểm thị trường các-bon tuân thủ quy định Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) quốc gia từ năm 2025 và triển khai chính thức thị trường các-bon tuân thủ quy định ETS quốc gia từ năm 2028, thì thị trường các-bon vẫn là một lĩnh vực mới. Điều này đòi hỏi cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các nước đã triển khai thị trường các-bon từ rất sớm và có nhiều kinh nghiệm về thiết kế và triển khai chính sách tài chính, đặc biệt là mô hình hoạt động thị trường các-bon đầy đủ. Những kinh nghiệm này sẽ giúp xác định hướng xây dựng thị trường các-bon và chính sách tài chính cho thị trường các-bon của Việt Nam trong tương lai.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO THỊ TRƯỜNG CÁC-BON

Một số khái niệm

Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định hàng hóa trên thị trường các-bon bao gồm: hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.

Như vậy, có thể hiểu thị trường các-bon là nơi người mua và người bán tương tác để trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.

Theo Ngân hàng Thế giới (2021), chính sách tài chính cho thị trường các-bon nhằm giải quyết những thất bại của thị trường và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường các-bon. Tài chính công có thể được sử dụng để cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người tham gia thị trường các-bon, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện hoạt động của thị trường các-bon. Hiệp hội Thương mại Phát thải Quốc tế (IETA) cho rằng, chính sách tài chính cho thị trường các-bon là “các chính sách và chương trình của chính phủ cho phép và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào thị trường các-bon, bao gồm cả việc cung cấp quỹ công để hỗ trợ các dự án các-bon thấp và tạo điều kiện phát triển thị trường các-bon”.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng khái niệm chính sách tài chính cho thị trường các-bon tại Việt Nam là tổng thể các giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính có hiệu quả nhằm thiết lập, ổn định và phát triển thị trường các-bon.

Vai trò của chính sách tài chính đối với thị trường các-bon

Theo Phạm Phan Dũng (2022), cơ chế, chính sách tài chính cho thị trường các-bon có vai trò cụ thể như sau:

– Đảm bảo thị trường các-bon phát triển và vận hành trong khuôn khổ hoạt động của nền kinh tế và đạt được các mục tiêu phát triển thị trường theo đúng lộ trình đặt ra.

– Góp phần tăng cường tiềm lực tài chính của quốc gia bao gồm tiềm lực của ngân sách nhà nước và tài chính của doanh nghiệp.

– Thu hút nguồn lực tài chính từ các đối tượng liên quan đến thị trường để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo nhu cầu vốn, nguồn lực trong quá trình vận hành và phát triển thị trường.

KINH NGHIỆM VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO THỊ TRƯỜNG CÁC-BON CỦA ANH VÀ EU

Chính sách giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon

Chính sách giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon của Anh và EU đã được quy định một cách rõ ràng và chi tiết. Thị trường các-bon của EU bao gồm: thị trường đấu giá, thị trường giao ngay và thị trường phái sinh. Phần lớn giao dịch các-bon ở EU là dạng phái sinh và các công cụ phái sinh này được quy định bởi các quy tắc thị trường tài chính của EU [10].

Thị trường giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU-ETS) là thị trường giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc đầu tiên trên thế giới và để đảm bảo tính nhất quán và liên tục của hệ thống mua bán khí thải của EU-ETS, Chỉ thị về các công cụ tài chính II (MiFID II) bắt đầu áp dụng cho tất cả các phân khúc của thị trường các-bon. Qua đó, người tham gia có thể giao dịch trong một thị trường minh bạch và được bảo vệ [2].

Theo MiFID II, giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon được điều chỉnh bởi các quy tắc của thị trường tài chính, bao gồm: MiFIR, MAR, CSMAD và AMLD. Tuy nhiên, một số quy định thị trường tài chính không áp dụng cho giao dịch các-bon, như: Bản cáo bạch, Công ty minh bạch, UCITS và Tài sản thế chấp tài chính.

Các chủ thể mua, bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon phải tuân thủ các quy định cấm giao dịch nội gián và thao túng thị trường, cũng như các nghĩa vụ liên quan đến tiết lộ thông tin nội bộ và lưu giữ danh sách nội gián. MiFID II cũng quy định về thanh tra, kiểm tra, và các biện pháp can thiệp nhanh chóng và hiệu lực để đảm bảo trật tự của thị trường và ngăn chặn rủi ro lạm dụng thị trường.

Các nhà giao dịch chuyên nghiệp và sàn giao dịch các-bon phải tuân thủ các yêu cầu về tổ chức và hoạt động của MiFID II. Các chủ thể cũng có thể tận dụng công cụ và sản phẩm đòn bẩy từ ngân hàng thương mại để nâng cao hiệu suất đầu tư hoặc đầu cơ. Hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon cũng có thể được gửi vào ngân hàng và sử dụng trong các giai đoạn tiếp theo [4].

Tóm lại, quy định và chính sách về giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon của Anh và EU nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn và hiệu quả của thị trường. Đồng thời, các công cụ và sản phẩm đòn bẩy từ ngân hàng cũng được cung cấp để hỗ trợ nhà đầu tư và đầu cơ trong giao dịch các-bon.

Chính sách thuế, phí, lệ phí

Anh và EU đều có chính sách thuế, phí, lệ phí đối với hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon. Mặc dù có sự khác nhau giữa Anh và EU, cũng như giữa các quốc gia trong EU, nhưng giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ trên thị trường các-bon đều chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp [7].

Về chính sách thuế giá trị gia tăng, hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon được phân loại là hoạt động kinh doanh, thương mại, hoạt động tư vấn, môi giới, và thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của EU và Anh. Thị trường các-bon châu Âu là liên thông và người tham gia có thể lựa chọn bất kỳ sàn giao dịch các-bon nào trong châu Âu để thực hiện giao dịch. Để ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, EU đã bổ sung quy định về khấu trừ tại nguồn từ năm 2010.

Các hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon được coi là tài sản vô hình và áp dụng các quy định về thuế đối với tài sản vô hình trong luật thuế giá trị gia tăng của Anh và EU [5,8]. Ngoài ra, một số quốc gia thành viên của EU đã ban hành quy định về thuế giá trị gia tăng thu ngược (Reverse Charge Mechanism) cho phép miễn trừ thuế giá trị gia tăng trong nước đối với giao dịch các-bon, đảm bảo người bán không phải trả thuế giá trị gia tăng [18]. Trong khi đó, việc bán tín chỉ các-bon tự nguyện trên thị trường tự nguyện (như tín chỉ các-bon VER) nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật thế giá trị gia tăng của Anh [19].

Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ việc mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí liên quan đến giao dịch các-bon được coi là chi phí hợp lý và được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khoản tiền phạt phát sinh do vi phạm quy tắc giao dịch không được coi là chi phí hợp lý và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bảng 1: Chính sách thuế đối với giao dịch tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải trên thị trường các-bon tại EU và Anh

TT

Chính sách

EU

UK

1

Chi phí hợp lý hợp lệ trong giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon được khấu trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Được khấu trừ

Được khấu trừ

2

Giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon ETS thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Thu thuế giá trị gia tăng

Thu thuế giá trị gia tăng

3

Hạn ngạch phát thải được cấp miễn phí thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Không thu thuế giá trị gia tăng

Không thu thuế giá trị gia tăng

4

Giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon ngoài phạm vi thị trường các-bon ETS thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Không thu thuế giá trị gia tăng

Không thu thuế giá trị gia tăng

Nguồn: [12,13,14]

Đối với phí, lệ phí, EU có quy định về phí giao dịch các-bon trên sàn giao dịch các-bon, trong đó quy định cấu trúc, mức phí và điều kiện liên quan được áp dụng bởi bất kỳ sàn giao dịch các-bon nào trong EU. Mức phí này thay đổi tùy thuộc vào thị trường sơ cấp, thị trường giao ngay, thị trường phái sinh và có sự khác nhau giữa các quốc gia thành viên (Bảng 2).

Bảng 2: Phí giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ cácbon (theo 1.000 đơn vị) tại EU

Loại thị trường

Phí giao dịch

Thị trường sơ cấp

Phí giao dịch 1000 hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trên thị trường sơ cấp là 3,9 Euro (€3,90 mỗi ktCO2), riêng tại Đức là 2,5 Euro (€2,50 mỗi ktCO2), và phí giao dịch này chỉ thu đối với người mua.

Thị trường thứ cấp giao ngay

Phí giao dịch 1000 hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trên thị trường thứ cấp giao ngay là 3,5 Euro (€3,50 mỗi ktCO2), và phí giao dịch này được thu đối với cả người mua và người bán.

Thị trường thứ cấp tương lai

Phí giao dịch Hợp đồng tương lai về quyền phát thải 1 tấn CO2 theo hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon theo mức 1000 đơn vị hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trên thị trường thứ cấp tương lai là 2,5 Euro (€2,50 mỗi ktCO2), và phí giao dịch này được thu đối với cả người mua và người bán.

Thị trường thứ cấp tương lai hợp đồng quyền chọn

Phí giao dịch Hợp đồng tương lai về quyền chọn quyền phát thải 1 tấn CO2 theo hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon theo mức 1000 đơn vị hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trên thị trường thứ cấp tương lai quyền chọn là 2,5 Euro (€2,50 mỗi ktCO2), và phí giao dịch này được thu đối với cả người mua và người bán.

Nguồn: [11]

Bên cạnh phí giao dịch, các nước EU và Anh cũng ban hành nhiều loại phí khác với nguyên tắc bù đắp một phần các chi phí thực tế trong việc cấp và xác minh hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon; quản lý và giám sát sàn giao dịch các-bon; mở và duy trì tài khoản giao dịch tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải [3].

Chính sách sử dụng số tiền thu được từ thị trường các-bon

Chính sách sử dụng số tiền thu được từ thị trường các-bon đa dạng và linh hoạt trong từng nước tại Liên minh châu Âu. EU là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thiết lập quy định về việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá hạn ngạch phát thải cho các mục đích khí hậu và môi trường [1].

Theo quy định tại Chỉ thị số 2003/87/EC, ít nhất 50% số tiền thu được từ việc bán đấu giá hạn ngạch phát thải và thuế, phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon được sử dụng cho các lĩnh vực như giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, tránh phá rừng và tái trồng rừng ở các nước đang phát triển, bảo tồn rừng, thu giữ và lưu trữ các-bon, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và phương tiện phát thải thấp, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch và hiệu quả năng lượng, cải thiện hiệu quả năng lượng, trang trải chi phí vận hành hệ thống mua bán khí thải (EU-ETS), hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khí hậu tại các nước thứ ba, và thúc đẩy hình thành kỹ năng và phân bổ lại lao động. Nếu không quy định cụ thể, các khoản chi không quy định sẽ được đưa vào ngân sách quốc gia và phân phối lại. Còn, Báo cáo của Liên minh châu Âu quy định, khoảng 82% doanh thu từ đấu giá hạn ngạch phát thải, thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon được sử dụng trong ngành môi trường và năng lượng. Các khoản chi tiêu cụ thể có thể khác nhau giữa các nước (Bảng 3, Bảng 1).

Bảng 4: Tổng và cơ cấu khoản chi từ nguồn đấu giá hạn ngạch phát thải, số tiền thu được từ thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trong nước giai đoạn 2013-2015 của EU

Mục đích sử dụng

Tổng chi (1.000 EUR)

Tỷ lệ (%)

Năng lượng tái tạo

2.893.861

40,6

Hiệu quả năng lượng

1.947.727

27,4

Giao thông bền vững

774.420

10,9

Nghiên cứu và phát triển: thích ứng và giảm phát thải

348.808

4,9

Giảm phát thải khí nhà kính khác

185.281

2,6

Nghiên cứu và phát triển: công nghệ sạch và hiệu quả năng lượng

146.570

2,1

Lưu trữ và thu giữ các-bon

132.325

1,9

Thích ứng khí hậu

94.256

1,3

Kế hoạch công nghệ năng lượng chiến lược (SET) và các nền tảng công nghệ (ETPs)

88.825

1,2

Lâm nghiệp

73.944

1,0

Phí quản trị (bao gồm cả quản trị hệ thống ETS)

66.029

0,9

Nghiên cứu và phát triển khác

64.255

0,9

Mục đích trong nước khác

305.156

4,3

Tổng

7.121.457

100

Nguồn: [6]

Chính sách xử phạt

Các chính sách xử phạt của Liên minh châu Âu với mức tối đa 100 EUR/tấn CO2 phát thải thực vượt quá mức hạn ngạch phát thải được cấp theo từng giai đoạn. Các thực thể bị quản lý phải trả tiền phạt phát thải vượt quá 100 EUR (118,27 USD) cho mỗi tấn CO2 thải ra, mà không có hạn ngạch phát thải nào được nộp đối ứng. Tên của các doanh nghiệp không tuân thủ cũng được công khai. Các quốc gia thành viên của EU có thể thi hành các hình phạt khác nhau đối với các hình thức không tuân thủ khác [9].

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Thông qua việc phân tích chính sách tài chính cho thị trường các-bon của Anh và EU, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, như sau:

Một là, các chính sách thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động giao dịch các-bon cần được quy định rõ ràng. Quy định về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo tính công bằng và đáng tin cậy trong việc thu thuế từ giao dịch các-bon. Các phí giao dịch và các khoản phí khác cần được thiết lập để bù đắp các chi phí cấp và xác minh hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon và quản lý sàn giao dịch.

Hai là, cần có chính sách linh hoạt và đa dạng về việc sử dụng số tiền thu được từ thị trường các-bon. Việc sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào các lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn rừng, thu giữ và lưu trữ các-bon, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và phát thải thấp, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch và hiệu quả năng lượng, và thúc đẩy hình thành kỹ năng và phân bổ lại lao động có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Ba là, chính sách xử phạt nghiêm ngặt với các mức phạt cao cho các thực thể không tuân thủ quy định góp phần trong việc đảm bảo tính tuân thủ và trật tự của thị trường. Các hình phạt này có thể bao gồm tiền phạt và công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm./.

ThS. Đào Trần Khánh, Đỗ Thanh Lâm

Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 25, tháng 9 năm 2023)


Tài liệu tham khảo

1. Anja Esch (2013), Using EU ETS auctioning revenues for climate action.

2. Bo Chen and Rui Wu (2022), Legal and Policy Pathways of Các-bon Finance: Comparative Analysis of the Các-bon Market in the EU and China, European Business Organization Law Review, 24, 41–68.

3. EU (2013), Application of the EU Emissions Trading Directive, retrieved from https://www.eea.europa.eu/publications/application-of-the-eu-emissions.

4. European Commission (2015), EU ETS Handbook.

5. European Commission (2016), Question concerning the application of EU VAT provisions.

6. European Commission (2017), Analysis of the use of Auction Revenues by the Member States.

7. European Commission (2018), Legal nature of EU ETS allowances.

8. European Commission (2019), Legal nature of EU ETS allowances.

9. European Commission (2022), Monitoring, reporting and verification of EU ETS emissions, retrieved from https://climate.ec.europa.eu/eu-action/eu-emissions-trading-system-eu-ets/monitoring-reporting-and-verification-eu-ets-emissions_en.

10. European Securities and Markets Authority (2022), Final Report: Emission allowances and associated derivatives, retrieved from https://www.esma.europa.eu/sites/default/files/library/esma70-445-38_final_report_on_emission_allowances_and_associated_derivatives.pdf

11. European Union (2019), Legal nature of EU ETS allowances.

12. ICAP (2022a), Korea Emissions Trading Scheme.

13. ICAP (2022b), South Korea approves initial wave of near-term ETS reforms, retrieved from https://icapcác-bonaction.com/en/news/south-korea-approves-initial-wave-near-term-ets-reforms.

14. ICAP (2022c), China National ETS.

15. IETA (2021), Public Finance for carbon Markets, retrieved from https://www.ieta.org/public-finance-for-cac-bon-markets.

16. Phạm Phan Dũng (2022), Báo cáo Nghiên cứu định hướng, xác định cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon Việt Nam.

17. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.

18. Reuters Staff (2018), EU energy industry calls for VAT exemption on trading to be extended, retrieved from https://www.reuters.com/article/eu-cac-bon-fraud-idUSL8N1VQ23R.

19. Taxadvisermagazine (2022), The UK tax rules governing the trading of emissions allowances, retrieved from https://www.taxadvisermagazine.com/article/uk-tax-rules-governing-trading-emissions-allowances.

20. World Bank (2021), Carbon Markets, retrieved from https://www.worldbank.org/en/topic/climatechange/brief/các-bon-markets.