Đây là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022.

Chính thức khai mạc chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023
Lễ khai mạc chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023)

Phát biểu tại Lễ khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2022 vừa qua, nền kinh tế – xã hội phải đối mặt với những biến động nhanh, khó lường, lạm phát đã tăng lên mức cao do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới, tạo thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã có sự phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.

Năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02%, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và đạt kết quả rất tích cực (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo). Kim ngạch xuất, nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, đạt 730,28 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, giúp Việt Nam đạt xuất siêu 20,19 tỷ USD. Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để đạt được những thành tích nổi bật này, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Nhằm thúc đẩy hơn nữa và phát huy các thế mạnh, tiềm năng của hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa đã được Bộ Công Thương hết sức chú trọng, tăng cường tổ chức trong các năm trở lại đây.

Chính thức khai mạc chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Chuỗi sự kiện

Chia sẻ về sự kiện Chuỗi kết nối năm nay, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Diễn đàn xuất khẩu, cùng các Diễn đàn, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Viet Nam International Sourcing Expo là Chuỗi sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh, đồng chủ trì nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị – kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Trong bối cảnh này, sự kiện năm nay ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới với như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ điển); LuLu (UAE)…cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chuỗi sự kiện không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng, mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp.

“Ban tổ chức hy vọng nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các Diễn đàn, hội thảo… để Viet Nam International Sourcing 2023 trở thành điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tiếp tục mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng

Với vai trò là cơ quan phối hợp và “chủ nhà” cùng Bộ Công Thương chủ trì tổ chức sự kiện năm nay, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2023, Thành phố đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Chính thức khai mạc chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ khai mạc Chuỗi sự kiện

Theo thông tin từ lãnh đạo UBND Thành phố, trong 8 tháng đầu năm 2023, tình kinh tế – xã hội Thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,8% so với cùng kỳ; đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố lại sụt giảm so với cùng kỳ, 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 63,75 tỷ USD, giảm 16,8%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 27,54 tỷ USD, tương ứng giảm 15,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 36,21 tỷ USD, tương ứng giảm 17,3% so với cùng kỳ.

“TP. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, để góp phần phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững, Thành phố cần phải tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và có tính cạnh tranh, đồng thời cũng cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Nhận thấy Chương trình Diễn đàn xuất khẩu được tổ chức định kỳ hàng năm của TP. Hồ Chí Minh và Chương trình Viet Nam International Sourcing 2023 của Bộ Công Thương có cùng chung mục đích. Việc kết hợp 2 chương trình sẽ tạo ra hiệu quả kép và tối ưu hoá hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì thế, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Bộ Công Thương đồng tổ chức Chương trình Diễn đàn xuất khẩu 2023 với Chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế” nằm trong khuôn khổ Chương trình Viet Nam International Sourcing 2023.

“Chúng tôi mong rằng, sự kiện kết nối sẽ tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đón nhận và nhận được nhiều đánh giá tích cực như một kênh thông tin quan trọng hỗ trợ định hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp. Bởi đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế, từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với các đối tác trong và ngoài nước, quảng bá các sản phẩm Việt Nam có chất lượng và thương hiệu uy tín, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023”, ông Hoan nhấn mạnh.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại của Thành phố trong những năm tiếp theo, cùng với việc đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào các kênh phân phối và chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế, lãnh đạo Thành phố khẳng định tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm.

“UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ sẽ giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố nghiên cứu, chủ động phối hợp với các cục, vụ – Bộ Công Thương và các đơn vị xúc tiến, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu thiết thực, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, ông Hoan khẳng định.

Doanh nghiệp hào hứng chia sẻ kết nối và đón bắt các cơ hội

Là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn tham gia sự kiện năm nay, Tập đoàn Aeon khẳng định đánh giá cao sự kiện Chuỗi kết nối cũng như các hoạt động Diễn đàn trao đổi thảo luận và kết nối trong sự kiện, qua đó góp phần tăng cường xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang các nước và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ tại Lễ khai mạc sự kiện, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho rằng, thương mại quốc tế được cấu thành dựa trên 3 nhân tố quan trọng là thị trường thế giới, tình hình thị trường của nơi xuất khẩu và nguồn nguyên liệu của nơi nhập khẩu.

Chính thức khai mạc chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023
Các doanh nghiệp trao đổi kết nối giao thương tại Triển lãm trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện

“Nói về tình hình thế giới, những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đã phải hứng chịu những “đòn tấn công” khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Tiếp theo đó, những quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam phải đối mặt với lạm phát toàn cầu, cũng như tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ các nước xung quanh. Thêm vào đó là sự thay đổi của thời đại, khi mà thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon. Bản thân tôi sống hơn 60 năm cuộc đời, cũng là lần đầu tiên thấy được sự thay đổi lớn như thế này của môi trường xung quanh”, ông Yuichiro Shiotani nhận định.

Tuy nhiên, theo đại diện Aeon, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới tương đối ảm đảm, nhưng chính trong bối cảnh như thế này, sẽ có những cơ hội mới để các doanh nghiệp và đối tác cùng có cơ hội để trải nghiệm những điều mà từ trước đến nay chưa từng có. Đại diện AEON gửi tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam tại sự kiện, đó là: “Nếu chúng ta chỉ làm những việc giống như trước, thì nhất định sẽ không thể theo kịp xu thế của thế giới. Chỉ cần có thể thích ứng được với thời đại thì các doanh nghiệp sẽ có được những cơ hội rất lớn”, ông Yuichiro Shiotani khẳng định.

Là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với hơn 18.000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đại diện Tập đoàn cho biết tại Việt Nam, Aeon không ngừng nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, nâng cao giá trị tồn tại đối với khách hàng. “Năm 2023 là năm đặc biệt, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, Tập đoàn Aeon chúng tôi đã, đang và sẽ có nhiều kế hoạch hoạt động đối với sản phẩm của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng rằng, những sản phẩm Việt Nam do các quý công ty sản xuất sẽ đến được tay các khách hàng của Aeon trên khắp các nước và trở thành sản phẩm không thể thiếu đối với khách hàng”, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam bày tỏ.

Nhấn mạnh thông điệp kinh doanh và phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Lộc Trời, một trong những tập đoàn kinh doanh sản phẩm lúa gạo lớn nhất Việt Nam hiện nay khẳng định, đây là sự thay đổi mang tính chiến lược mà Lộc Trời đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực hiện thực hóa. “Trước hết, phát triển bền vững nằm trong GENE của chúng tôi từ khi được thành lập từ 30 năm trước, chúng tôi đưa thông điệp này vào tầm nhìn, sứ mệnh của mình và triển khai nó thông qua tất cả các hoạt động trong 30 năm qua và không ngừng thực hiện trong hiện tại và tương lai. Khi nhìn nhận tính khẩn cấp của việc “phát triển bền vững”, các nhà khoa học tại Viện Nông nghiệp Lộc Trời đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo và toàn tập đoàn triển khai chiến lược này trong các hoạt động hàng ngày của Công ty.

Với chiến lược đồng bộ từ thay đổi thói quen sản xuất lúa trên đồng rộng bằng cách áp dụng SRP – các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, Lộc Trời tập trung đào tạo nông dân thực hành các tiêu chí SRP với tiền thưởng để xây dựng thói quen, đa dạng hóa luân canh nuôi trồng giữa tôm và lúa, kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch, từ đó tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân, giảm chi phí và thất thoát lãng phí sau thu hoạch, đẩy mạnh sản xuất thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh quản lý và kiếm soát thông qua việc số hóa tất cả các hoạt động trong Lộc Trời để giảm sử dụng giấy và tăng hiệu quả trong kết nối từ xa.

“Với khả năng truy xuất nguồn gốc tất cả các hoạt động và sản phẩm của chúng tôi, tích hợp tất cả vào siêu ứng dụng để quản lý nông nghiệp tại vùng đất trồng lúa lớn nhất thế giới: 2 triệu ha trong khi vẫn duy trì sứ mệnh bảo vệ môi trường và hỗ trợ người nông dân của chúng tôi về cuộc sống lành mạnh. Hiện tại Lộc Trời có thể chứng minh cho tất cả các bên liên quan trong kinh doanh lúa gạo rằng, trồng trọt và chế biến gạo có thể là một trong những ngành kinh doanh có lợi nhuận và bền vững nhất trên thế giới”, đại diện Tập đoàn sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam tự tin khẳng định trước các tập đoàn thu mua, bán lẻ lớn nhất thế giới tham gia sự kiện./.