Tóm tắt

BC-TT trong suốt thời kỳ phát triển đã nỗ lực, tích cực, chủ động thông tin những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; phản ánh chân thực và sinh động thực tiễn đời sống xã hội; quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước; góp phần nâng cao dân trí và thực hiện tốt chức năng định hướng văn hóa, tư tưởng cho người đọc. Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí truyền thông phải chủ động chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Bài viết khái quát xu thế tất yếu và lợi ích đem lại từ chuyển đổi số trong BC-TT, cũng như thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện thuận lợi công cuộc chuyển đổi số trong BC-TT ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: chuyển đổi số, báo chí – truyền thông, truyền thông đa phương tiện

Summary

During its development, the press and media has made many efforts in actively and proactively providing information on the major and important issues of the country; truthfully and vividly reflected the reality of social life; widely promoted the image of the country, which contributed to raising people’s intellectuals and well performed its function of orienting the readers’ culture and ideas. In the context of the current Industrial Revolution 4.0, the press and media must actively perform the digital transformation – an inevitable trend. The article summarizes the inevitable trends and the benefits of digital transformation in press and media, analysing the current situation, thereby proposing some solutions to facilitate the implementation of digital transformation in press and media in our country today.

Keywords: digital transformation, press and media, multimedia communication

GIỚI THIỆU

Trong công cuộc chuyển đổi số, BC-TT đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, BC-TT cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số. BC-TT hiện nay đang có nhiều thuận lợi, nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít thách thức trong công cuộc chuyển đổi số. Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số BC-TT là hết sức cần thiết.

XU THẾ TẤT YẾU VÀ LỢI ÍCH ĐEM LẠI TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG BC-TT

Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, BC-TT có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Không đứng ngoài cuộc, BC-TT thực hiện chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển. Hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan BC-TT. Đây chính là hoạt động ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thông trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ BC-TT.

Chuyển đổi trong lĩnh vực BC-TT cho phép tự động hóa quy trình tác nghiệp làm giảm các chi phí hoạt động, nâng cao hiệu suất kinh doanh. Bên cạnh đó là, giảm chi phí rút ngắn, đẩy nhanh các công đoạn, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu của thị trường và sự quan tâm của công chúng. Nhờ chuyển đổi số, báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông: Một số đề xuất trong thời gian tới
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi. Chẳng hạn ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm báo chí mới, như: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, Mega Story, infographic, Timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ… Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành. Đơn vị BC-TT hoạt động trên nền tảng số sẽ mở ra sự linh hoạt và kịp thời giải quyết nhiệm vụ trong những điều kiện môi trường kinh doanh biến động, khắc phục khoảng cách địa lý, bảo đảm hoàn thành tốt chiến lược kinh doanh. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, BC-TT đã phát huy được vai trò của mình và minh chứng những ưu thế của hoạt động kinh doanh trên môi trường số.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC BC-TT

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT

Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có những chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho chuyển đổi số của báo chí. Điển hình như: Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra trong các nhiệm vụ trọng tâm “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng (nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí) giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Gần đây nhất, ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Mục tiêu cụ thể: đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). Mục tiêu cụ thể: đến năm 2030 có 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Kết quả đạt được

Theo thống kê của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. So với năm 2021 số lượng cơ quan báo chí tăng từ 816 lên 869 cơ quan, các cơ quan phát thanh truyền hình có số lượng không đổi (Nguyễn Thu Trang, 2022). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang, tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí.

Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại, như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay VietnamPlus, VnExpress, Zing… Điển hình như: ngày 24/5/2022, Đài Truyền hình Việt Nam đã chính thức ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney. Hệ sinh thái này gồm 7 chương trình (Tài chính kinh doanh, tạp chí kinh tế cuối tuần, Dòng chảy tài chính, Khớp lệnh, Bí mật Đồng tiền, Tự do tài chính, Landshow); được thực hiện trực tuyến trên 6 nền tảng (1 báo điện tử, 4 trang Fanpage và 1 kênh Youtube) và một trang thông tin điện tử. Hệ sinh thái lấy hệ thống Bản tin Tài chính kinh doanh trên sóng là trung tâm cốt lõi. Bên cạnh hệ thống tin bài trên báo điện tử VTV News, hệ sinh thái VTVMoney hướng mục tiêu đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số, nhắm tiếp cận với số lượng khán giả, độc giả, các nhà đầu tư ở khắp mọi nơi, mọi lúc ,trên nhiều thiết bị khác nhau. Hệ sinh thái nội dung của VTVMoney hướng đến yếu tố uy tín, chuyên sâu và kịp thời.

Hay như Báo Nhân dân, trong vài năm gần đây, Báo Nhân dân đã bắt nhịp rất nhanh để có sự thay đổi. Cụ thể, Báo đã chuyển sang quan niệm “digital first” – nghĩa là ưu tiên các nội dung lên nền tảng digital trước, thậm chí “social first” – theo đó, nhiều nội dung chưa thành tin đã được đẩy lên hệ thống mạng xã hội để tiếp cận với độc giả. Đặc biệt, Báo Nhân dân đã xuất hiện trên TikTok – một nền tảng dành cho thế hệ Z (13-18 tuổi). Thực tế khi xuất hiện trên TikTok, những vấn đề chính trị xã hội tưởng chừng rất chính thống, rất khô khan, lại được người xem rất quan tâm.

Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi, như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang…

Một số khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:

Thứ nhất, khó khăn trước hết là nhận thức về vai trò, sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số hiện là xu thế mang tính tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuy nhiên không phải tất cả những người có trách nhiệm trong đơn vị BC-TT hiểu thấu đáo được vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan BC-TT của Việt Nam còn chậm; đa số các cơ quan bao chí, truyền thông mới bắt đầu ở giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp…

Thứ hai, khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư của không ít các cơ quan BC-TT đang là một trong những thách thức quan trọng với quá trình chuyển đổi số. Cùng với quá trình chuyển sang thực hiện cơ chế thị trường trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, BC-TT cũng đã có bước chuyển, tuy nhiên còn chậm, số các cơ quan báo chí tự chủ không nhiều. Những khó khăn trong nguồn thu ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, các giải pháp kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số. Trong khi đó, năng lực công nghệ của nền kinh tế nói chung, của các đơn vị BC-TT nói riêng vẫn chưa cao, nhiều đơn vị báo chí, truyền thông chưa làm chủ được những công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số.

Thứ ba, hạn chế về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT. Để chuyển đổi số thành công, không chỉ cần đội ngũ phóng viên, biên tập viên có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, mà còn cần hiểu biết về công nghệ mới. Tuy nhiên, nhìn chung, đây còn là điểm yếu trong khâu đào tạo sinh viên thuộc hệ thống các trường BC-TT của Việt Nam, cũng như trong chính nguồn nhân lực của các cơ quan BC-TT. Thực tế, chưa nhiều đội ngũ phóng viên, biên tập viên có khả năng biến dữ liệu khô khan thành các sản phẩm đồ họa động, đồ họa tương tác, megastory hấp dẫn bạn đọc trên nền tảng đa phương tiện.

Thứ tư, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương thành những quy định cụ thể trong các hoạt động chuyển đổi số diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn, chưa có đổi mới về cơ chế tài chính, khởi nghiệp công nghệ; thiếu quy định về các vấn đề tài sản, đầu tư… Trong chuyển đổi số, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, tuy nhiên việc dữ liệu có được coi là bí mật kinh doanh hay không và cần có cơ chế bảo hộ như thế nào vẫn chưa được quy định rõ; vấn đề bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số cụ thể ra sao, bảo vệ dữ liệu và khai thác dữ liệu người dùng thế nào… cần phải được thể chế hóa. Để có thể thúc đẩy nền báo chí dựa trên công nghệ số, rất cần có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng và tạo ra cơ chế để các cơ quan BC-TT kết nối, khai thác nguồn dữ liệu và làm giàu thêm nguồn dữ liệu số. Thực tế hiện nay vẫn còn có sự tách biệt nguồn dữ liệu giữa các lĩnh vực, các bộ ngành trong nền kinh tế.

Thứ năm, một khó khăn của các cơ quan BC-TT trong công cuộc chuyển đổi số phải kể đến đó là sự cạnh tranh rất khốc liệt của các loại hình truyền thông mới, trong đó có mạng xã hội. Cạnh tranh ở đây là không chỉ trong việc đưa tin, còn liên quan đến doanh thu quảng cáo và kinh tế báo chí. Nguyên nhân là mạng xã hội hiện nay đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của một bộ phận không nhỏ những độc giả của báo chí cũng như hiệu quả trong chiến lược quảng cáo của các doanh nghiệp, dẫn đến doanh thu quảng cáo của đại bộ phận các cơ quan báo chí Việt Nam bị giảm đi.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số BC-TT nhanh chóng và hiệu quả, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm rõ nội dung, vai trò và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực BC-TT nói riêng để tạo quyết tâm, động thuận. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số, mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.

Hai là, chuyển đổi số cần là một chiến lược, thể hiện tầm nhìn xuyên suốt của cơ quan BC-TT và được hiểu thống nhất từ cấp lãnh đạo đến cấp thực thi. Bởi lẽ, chuyển đổi số cần một tầm nhìn, kế hoạch dài hạn trong xây dựng hạ tầng thông tin, bồi dưỡng con người, ứng dụng công nghệ.

Ba là, cần tập trung vào sản xuất nội dung tốt. Ví dụ các video ca nhạc hoặc các clip trên TikTok thật sự hấp dẫn dù chỉ được sản xuất bằng điện thoại. Hơn nữa, việc thu thập dữ liệu độc giả ngày càng quan trọng bởi thời đại ngày nay, nếu không tìm đúng độc giả thì nội dung có hấp dẫn đến đâu cũng không lan tỏa được. Nếu với báo chí truyền thống, bạn muốn đọc tin, bạn cần đi tìm mua báo, tức là người đi tìm tin. Còn với báo chí trên mạng xã hội, máy tính đã thu thập thói quen của bạn và đề xuất những tin tức hoặc nội dung phù hợp với nhu cầu, tức là tin đi tìm người.

Bốn là, chuyển đổi số chính là quá trình ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức, mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Công nghệ chính là yếu tố trung tâm trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra sự thay đổi trong cách thức vận hành theo hướng tiết kiệm nguồn lực nhưng gia tăng hiệu quả. Tuy nhiên, công nghệ luôn thay đổi và việc ứng dụng công nghệ luôn đòi hỏi sự chấp nhận của người sử dụng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, không dựa trên nền tảng năng lực, mức độ chấp nhận công nghệ có thể tạo ra những tác động ngoài mong muốn.

Năm là, hợp tác, liên kết giữa các chủ thể trên thị trường BC-TT trong thực hiện chuyển đổi số. Cần có sự gắn kết giữa các cơ quan BC-TT với các công ty công nghệ cũng như sự hỗ trợ của cơ quan chuyên ngành. Việc liên kết, hợp tác mở ra cơ hội phát triển cho mỗi chủ thể và chính quá trình này làm giàu thêm hệ thống dữ liệu. Cùng với việc đầu tư tạo lập cơ sở hạ tầng mở gắn với việc làm giàu thêm dữ liệu số là hai động lực chính của quá trình chuyển đổi số BC-TT./.

Sáu là, các cơ quan BC-TT cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn./.

PGS, TS. Trần Thế Phiệt – Trường Đại học Trưng Vương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) (2022), Tài liệu Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế”, tổ chức ngày 3/11/2022 tại Hà Nội.

3. Nguyễn Thu Trang (2022), Phát huy vai trò của cơ quan quản lý báo chí trong chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, báo chí tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL, truy cập từ https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138441#:~:text.

4. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

6. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

7. Thủy Diệu (2022), Báo chí truyền thông trong dòng chảy chuyển đổi số, truy cập từ https://vneconomy.vn/bao-chi-truyen-thong-trong-dong-chay-chuyen-doi-so.html.