Tạo không gian mới cho phát triển

Theo Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (Hưng Yên), cần nhìn nhận cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là quá trình thường xuyên, liên tục phục vụ cho mục tiêu phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, một mô hình tăng trưởng năng động, bền vững cần một quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới, tạo lập vững chắc các nền tảng về thể chế, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường…

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất
Theo Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận, một cơ cấu kinh tế hợp lý cần một quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới… Ảnh: Quốc hội

“Một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới, đó là lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá…”, Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề xuất.

Liên quan đến liên kết vùng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho rằng, liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế so sánh của mỗi địa phương, nhằm tạo ra tính cạnh tranh cao hơn về kinh tế trong vùng. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận, dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả. Đề nghị trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, qua đó mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tránh đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực của trung ương.

“Đề nghị ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho liên kết vùng, liên kết ngành, đồng thời cần làm rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng; Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế để thực hiện liên kết vùng một cách hiệu quả…”, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất.

Tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất hiện nay để hướng tới phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và bất định, đặc biệt kể từ khi chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đặt ra rất nhiều vấn đề cấp bách phải làm ngay. Tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được và phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện với một tư duy, tầm nhìn mới vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, không đi theo từng phân khúc, chia cắt mới có thể mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế…

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là một vấn đề lớn, quan trọng của đất nước mà chúng ta đã thực hiện nhiều năm nay… Ảnh: Quốc hội
Về các nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến đẩy nhanh công tác quy hoạch, thể chế, các mô hình kinh tế mới; thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là một vấn đề lớn, quan trọng của đất nước mà chúng ta đã thực hiện nhiều năm nay. “Các vấn đề liên quan đến liên kết phát triển kinh tế vùng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển… đều sẽ được quy định rõ tại Kế hoạch này, nhằm thúc đẩy kinh tế nước ra phát triển thực chất hơn, bắt nhịp cơ hội hội nhập, tận dụng cơ hội mới sau đại dịch, nâng cao sự tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế…”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu và đánh giá kỹ, phân tích sâu hơn nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc để xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới sát thực tế hơn và có những giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời, quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực mà nước ta có tiềm năng, lợi thế, cơ hội mới sau đại dịch để làm sao trở thành những những lĩnh vực này trở thành ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế…/.