Ngày 02/03/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

    Còn nhiều vấn đề phải giải trình trong Báo cáo NCTKT Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM
    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là dự án lớn, khó, rất phức tạp và đánh giá cao thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã rất quyết tâm, nỗ lực trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án đảm bảo chất lượng.

    Theo Báo cáo, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh dài 76,34 km đi qua các tỉnh, thành phố là: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và tỉnh Long An, với mục tiêu là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của Thành phố với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

    Quy mô dự án đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m; đường song hành 2 bên tối thiểu 02 làn xe, bố trí không liên tục (theo nguyên tắc chỉ bố trí phạm vi tuyến qua đô thị, khu dân cư). Diện tích sử dụng đất khoảng 644,34 ha.

    Sơ bộ tổng mức đầu tư: 75.777 tỷ đồng. Nguồn vốn và phương án huy động vốn: Ngân sách trung ương hỗ trợ 39.990,06 tỷ đồng; Ngân sách địa phương là 35.786,94 tỷ đồng (Trong đó: TP. Hồ Chí Minh là 24.380,46 tỷ đồng; Đồng Nai: 1.624,86 tỷ đồng; Bình Dương: 9.781,62 tỷ đồng; còn tỉnh Long An không sử dụng ngân sách địa phương).

    Dự kiến Dự án phân chia thành 8 Dự án thành phần gồm: 4 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư và 4 Dự án xây dựng đường VĐ3 qua mỗi tỉnh (gồm cả cao tốc và đường song hành).

    Cơ chế chính sách đặc thù: UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 08 nhóm cơ chế chính sách đặc thù.

    Còn nhiều vấn đề phải giải trình trong Báo cáo NCTKT Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM
    Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

    Báo cáo tại phiên họp lần này, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi trình hồ sơ Báo cáo NCTKT, tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, Thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, UBND Thành phố đã phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh. Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.377,86 tỷ đồng giảm khoảng 399,46 tỷ đồng.

    – Ngày 18/02/2021, Chủ tịch HĐTĐNN đã phê duyệt Kế hoạch thẩm định và thành lập Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành (Quyết định số 178/QĐ-HĐTĐNN và Quyết định số 177/QĐ-HĐTĐNN).

    – Ngày 22/02/2022, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã tổ chức họp thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 1134/BKHĐT ngày 24/02/2022 yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện Báo cáo NCTKT Dự án gửi cơ quan thường trực Hội đồng, các thành viên Hội đồng trước ngày 26/02/2022 để tổ chức thẩm định theo quy định.

    – Ngày 25/02/2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 570/UBND-ĐT về việc tiếp thu, giải trình làm rõ hồ sơ Báo cáo NCTKT Dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và các thành viên Hội đồng TĐNN. Trên cơ sở đó, Hội đồng TĐNN tổ chức họp Hội đồng thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án vào ngày 02/3/2022.

    Theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp sáng ngày 01/3/2022, cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án theo nguyên tắc tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương tham gia 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; Tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 75% tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương tham gia 25% tổng mức đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.

    Tham gia ý kiến tại phiên họp, các thành viên Hội đồng cho rằng, Báo cáo NCTKT Dự án sau giải trình về cơ bản đã nêu bật được sự cần thiết đầu tư của Dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng giao thông, dự báo nhu cầu vận tải, phân tích lợi thế của tuyến đường so với các tuyến đường hiện hữu, phân tích lợi ích của tuyến đường đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, khu vực có tuyến đường đi qua.

    Về các điều kiện để thực hiện đầu tư, Báo cáo NCTKT Dự án sau giải trình, đã nêu điều kiện để thực hiện Dự án là phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và các vùng, miền, địa phương; phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc; các điều kiện để thực hiện Dự án như về nguồn vốn, khả năng cung ứng vật tư, thiết bị, yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ đã được cập nhật, bổ sung thuyết minh.

    Đồng thời yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh cần thuyết minh, làm rõ hơn về tính cấp bách, quan trọng của Dự án, phương án giải phóng mặt bằng, phân chia dự án thành phần, nguồn vốn và phương án huy động vốn, cơ chế chính sách đặc thù,…

    Đặc biệt, về đề xuất vốn của Dự án, Hội đồng thẩm định cũng chỉ rõ, việc đề xuất này là chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại các văn bản số 1068/VPCP-KTTH ngày 18/02/2022 và số 29/TB-VPCP ngày 30/01/2022 (tỷ lệ 50% ngân sách trung ương và 50% ngân sách địa phương).

    Về khả năng cân đối vốn, theo hồ sơ Dự án, nhu cầu sử dụng vốn ngân sách trung ương của Dự án giai đoạn 2021-2025 là 38.518,22 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 1.604,96 tỷ đồng. Tại văn bản số 1068/VPCP-KTTH ngày 18/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án phân bổ số vốn ngân sách nhà nước còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, số vốn còn lại chưa phân bổ là 56.000 tỷ đồng, tập trung bố trí cho đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP Hà Nội và các tuyến đường cao tốc, tuy nhiên, hiện nay chưa xác định được mức vốn bố trí từ phần vốn nêu trên cho Dự án này là bao nhiêu, nên chưa đủ cơ sở để xác định được khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương cho Dự án.

    Về nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia Dự án, theo nội dung Báo cáo NCTKT, nguồn vốn ngân sách địa phương dự kiến bố trí để thực hiện Dự án là 35.653,35 tỷ đồng (chiếm 47% tổng mức đầu tư). Hiện nay mới chỉ có cam kết của UBND các địa phương có Dự án đi qua chưa có nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân theo quy định.

    Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là dự án lớn, khó, rất phức tạp và đánh giá cao thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã rất quyết tâm, nỗ lực trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án đảm bảo chất lượng.

    Dự án sẽ hình thành tuyến đường Vành đai cao tốc liên vùng trước năm 2030 theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.

    “Dự án khi đi vào hoạt động, sẽ giải quyết ngay vấn đề ùn tắc giao thông, khơi thông các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

    Bộ trưởng lưu ý, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp thu các góp ý của các đại biểu để hoàn thiện, đảm bảo tiến độ của dự án./.