Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6/2023.

Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023

Công bố top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023
Nguồn: Vietnam Report

Top 10 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2023

Công bố top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023
Nguồn: Vietnam Report

Năm 2022 được coi là năm mà sức bền của toàn ngành Ngân hàng được kiểm chứng khi phải căng mình đồng hành cùng nền kinh tế đối mặt với hai cuộc chiến: xung đột Nga – Ukraine và cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu. Song song với đó, biến động tỷ giá khi đồng USD mạnh lên đáng kể, trái phiếu tắc, thị trường bất động sản ngưng trệ và tâm lý thị trường suy yếu sau loạt sai phạm “rung chuyển” thị trường vốn bị phanh phui đã làm liên đới và đặt áp lực lên hệ thống ngân hàng – kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất tăng rất mạnh, cũng như tình trạng căng thẳng thanh khoản xảy ra tại một số thời điểm trong năm 2022.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản ngành Ngân hàng cho thấy dấu hiệu suy giảm kể từ quý IV/2022 khi nợ xấu gia tăng ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng cuối năm 2022 là 1,92%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong khi đó, thống kê cho thấy tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm; LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm 24% xuống còn 120,9% vào cuối năm 2022.

Mặc dù vậy, với những động thái ứng phó linh hoạt của các ngân hàng trước sự xoay chiều của thị trường, bức tranh của ngành năm qua vẫn có mảng sáng từ kết quả kinh doanh khả quan. Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt 246 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có khoảng thời gian tăng nóng trong nửa đầu năm 2022 trước khi chậm dần ở 6 tháng còn lại và đạt mức 14,5% cả năm – dù thấp hơn hạn mức NHNN cho phép, nhưng vẫn là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tăng 0,9% so với mức 13,6% của năm 2021.

Sang đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, kéo theo đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Chỉ số nhà quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp xuống còn 45,3 điểm trong tháng 5/2023 và là tháng thứ 6 nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong 7 tháng qua. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại.

Tình trạng lệch pha diễn ra trong bối cảnh nhóm khách hàng được ngân hàng ưu tiên cho vay là doanh nghiệp sản xuất và cá nhân có nhu cầu vay chậm lại do lãi suất cao, đơn hàng giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi, trong khi nhóm khách hàng khát vốn, chấp nhận vay với lãi suất cao (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) không đủ điều kiện giải ngân. Đến hết tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 là xấp xỉ 8%. Cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành Ngân hàng đã tăng lên mức 2,9%, trong khi các ngân hàng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm nay có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng./.