CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3,67%

So với tháng trước, CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% (khu vực thành thị tăng 0,98%; khu vực nông thôn tăng 1,09%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá (Hình 1).

CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% với 9/11 nhóm hàng tăng giá
Nguồn: Tổng cục Thống kê

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2024 tăng 3,98% (Hình 2). Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. So với tháng 12/2023, CPI tháng 2 tăng 1,35%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% với 9/11 nhóm hàng tăng giá
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục tác động làm tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát ngay từ những tháng đầu năm 2024

Quốc hội đã thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%-4,5%. Tuy nhiên, bức tranh lạm phát năm 2024 đan xen các yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát. Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Trong nước, áp lực lạm phát năm 2024 còn đến từ khả năng điều chỉnh tăng giá theo lộ trình đối với dịch vụ giáo dục, y tế.

Theo dự kiến, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương khu vực nhà nước, đồng thời lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% sẽ tác động làm tăng giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Trong năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ có sự phục hồi nhưng khó có thể tăng đột biến khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh. Tuy nhiên, lạm phát cầu kéo có thể sẽ phát sinh do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với giá nguyên vật liệu, giá thép xây dựng tăng cao.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các yếu tố kiềm chế lạm phát năm 2024 bao gồm: Sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm – nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; một số chính sách hỗ trợ về thuế vẫn tiếp tục được áp dụng trong năm 2024; lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực “nhập khẩu” lạm phát; Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.

Với các yếu tố kiềm chế lạm phát, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%-4,5% là hoàn toàn khả thi.

Để kiểm soát lạm phát mục tiêu khoảng 4%-4,5% năm 2024, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ cần đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, tác động mạnh tới lạm phát, trong bối cảnh những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, như: Ấn Độ, Nga, UAE hạn chế, cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực, đẩy giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới.

Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô. Đồng thời, có kế hoạch và giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đánh giá tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tác động đến mức sống dân cư.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung cho thị trường hàng hóa và dịch vụ. Chủ động cập nhật thông tin, dự báo chính xác động thái thị trường để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh tổng cầu thế giới còn yếu, đứt gãy chuỗi cung ứng; kịp thời điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm giá thành sản phẩm để kiềm chế lạm phát./.