2 yếu tố làm nên giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản

Trong chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt – Nhật, nhờ sự chỉ dẫn của GS. Trần Văn Thọ, tôi đăng ký và tới Đại sứ quán Nhật Bản nghe buổi trình bày về nội dung cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 – 1973” của GS. Trần Văn Thọ…

Nhận sách ký tặng của GS. Trần Văn Thọ và mang về nhà đọc, tôi thấm thía 2 yếu tố làm nên giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản là: xây dựng nhà nước kiến tạo và tạo dựng năng lực xã hội mạnh. Phát hiện này khác nhiều nhà khoa học trong thời kỳ phát triển thần kỳ và trên cơ sở đó, GS. Trần Văn Thọ nhận diện về nền kinh tế Nhật Bản. Điều này giúp Việt Nam hiểu đúng vấn đề của mình hiện nay, để từ đó đưa giải pháp phù hợp giúp chúng ta sớm trở thành nước công nghiệp mới vào năm 2045.

Cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 - 1973” của Giáo sư danh dự Trần Văn Thọ và hàm ý đối với Việt Nam
Cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 – 1973”

Theo đó, GS. Trần Văn Thọ trình bày rõ các nội dung về kinh tế phát triển giai đoạn 1955 – 1973 trên quan điểm chiến lược về chính trị, mở cửa từ thời Minh Trị và cơ cấu kinh tế, tích lũy tư bản, cạnh tranh kinh tế.

Nhất trí với nhận xét của TS. Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới rằng: “Cuốn sách phản ánh kiến thức sâu và rộng của tác giả về cả lý thuyết lẫn thực hành của ngành kinh tế phát triển”, nhưng tôi bổ sung thêm “được cụ thể đối với Nhật Bản, rồi cả vùng Đông Bắc Á và rất hữu ích cho Việt Nam hiện nay”.

Sâu hơn, GS. Trần Văn Thọ đã trình bày thuyết phục về cơ cấu kinh tế theo 3 khối ngành (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chuẩn mực, khác chúng ta đưa cả dịch vụ xây dựng vào ngành công nghiệp), tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người… từ hiện trạng đến thành quả đạt được trong giai đoạn phát triển thần kỳ này.

Tôi rất tâm đắc với quan điểm của GS. Trần Văn Thọ, đó là để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần thực hiện công nghiệp hóa qua hiện đại hóa nền kinh tế và kinh tế trí thức trình độ cao. Nhật Bản đã trở thành 1 trong 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới từ sự hoang tàn sau chiến tranh.

Sách trắng kinh tế Nhật Bản gợi cho chúng ta thấy rằng, Việt Nam rất cần sách trắng kinh tế, chỉ một bản duy nhất được biên tập bài bản, trung thực, không phải nhiều bản khác nhau do cá nhân, tổ chức soạn, giá trị thấp. Mở cửa và hội nhập trong cuốn “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 – 1973” tương đồng với thời kỳ phát triển đến năm 2045 thấy rằng, Việt Nam nên khảo cứu Nhật Bản phát triển công nghiệp trong nước nhờ chính sách công nghiệp bài bản, doanh nghiệp tư nhân tham gia trách nhiệm và tiếp thu kiến thức, công nghệ mới. Hiện nay, chúng ta chưa xác định danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia xuất khẩu, vì có nhiều danh mục từ các bộ cho dù mô hình phát triển hướng tới xuất khẩu và đang tập trung vào ngành điện tử. Chúng ta thiếu thép, chíp điện tử và vật liệu cơ bản chất lượng, để phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực xuất khẩu, nên rất cần nghiên cứu bài học của các tập đoàn Nippon, Panosonic… và tiềm năng mỏ nguyên liệu trong nước. Để giúp người đọc dễ hiểu và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, GS. Trần Văn Thọ đã trình bày nổi bật hơn các đặc trưng của thời kỳ phát triển thần kỳ của Nhật Bản, với các nhân tố cơ bản làm nên giai đoạn phát triển lịch sử này.

GS Trần Văn Thọ làm rõ đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở hiệu quả đầu tư, lao động chất lượng và nhất là năng suất tổng hợp. Mô hình này được IMF áp dụng theo diễn giải của học giả Roberr Solow để dự báo tăng trưởng kinh tế các nước, vùng lãnh thổ. Tích lũy tư bản vô cùng quan trọng dựa trên đầu tư và đầu tư chiếm khoảng 30-35% GDP là hợp lý, quan trọng là đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, hiệu quả và cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cao chính từ các tập đoàn kinh tế tư nhân. Việt Nam cần sớm nghiên cứu bài bản, chuyên sâu, tạo hành lang pháp lý để phát triển hệ thống doanh nghiệp quốc gia cạnh tranh tốt trên nền tảng văn hóa kinh doanh chuẩn mực.

Cũng theo GS. Trần Văn Thọ, đổi mới sáng tạo phải thực hiện đồng thời trong quá trình phát triển công nghiệp. Tôi cho rằng, đổi mới sáng tạo trong điều kiện Việt Nam phải nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái kinh doanh, với doanh nghiệp đủ lớn về quy mô và trình độ mới đạt hiệu quả. Không phải chỉ đọc 5.000 ngày làm thay đổi nước Nhật, trải nghiệm khi học tập ở đây cho tôi nhận thức về phát triển quốc gia phải dựa trên học hỏi và lao động không ngừng. Từ tinh thần doanh nghiệp và thời đại phát triển thần kỳ Nhật Bản thấy ngậm ngùi do doanh nghiệp Việt Nam thiếu tinh thần vì cộng đồng, tập trung kiếm lợi nhuận và ít tìm kiếm công nghệ, quản trị, thị trường. Nghiên cứu du nhập, cải tiến công nghệ và chính sách khoa học công nghệ phần nào lý giải được vì sao Việt Nam du nhập, cải tiến công nghệ và quản trị kém, do chúng ta hiểu kiến thức cơ bản hạn chế, thiếu trọng điểm.

Hàm ý với Việt Nam

Phần trình bày hàm ý với Việt Nam hiện nay, GS Trần Văn Thọ đưa ra nội hàm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, gồm bộ máy nhà nước hiệu quả và đào tạo, tuyển chọn quan chức, quy trình lập và thực thi chính sách hiệu quả. Cần chú trọng phát triển thị trường, nhất là thị trường vốn và thị trường đất đai, lao động mà Việt Nam đang gặp thách thức hiện nay; xây dựng và tiếp cận thông tin dễ dàng, minh bạch. Năng lực xã hội, với 5 thành phần là lãnh đạo chính trị, quan chức nhà nước, doanh nhân, trí thức và giới lao động bình dân có được dựa trên nền tảng giáo dục, đào tạo và văn hóa được nâng cao. Điều này tạo thành một khối thống nhất và tạo ra năng lực cao trên cơ sở thể chế ổn định, chính sách đúng đắn. Thú vị đối với người đọc Việt Nam khi GS. Trần Văn Thọ đưa ra giả thuyết, luận giải thận trọng vì sao Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế từ đầu thập kỷ 90, thế kỷ 20 đến nay. Phải chăng người Nhật quá thận trọng, chưa mạnh dạn thay đổi, khám phá thế giới mới đầy biến động và đạo đức ông chủ tập đoàn lớn suy thoái. Suy nghĩ nhiều và trải nghiệm thực tiễn tôi nhận thấy, hiểu kiến thức chuẩn mực đã khó, song áp dụng kiến thức đó vào hoàn cảnh thực tiễn lại càng khó hơn, mà ở đây là kiến thức kinh tế phát triển được cụ thể hóa trong giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong điều kiện Việt Nam.

Là nhà khoa học nghiên cứu vĩ mô nhiều năm, đã làm việc tại Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tổ chức quốc tế, tôi trân trọng tác giả vì kiến thức cơ bản, chuyên sâu trong cuốn sách và văn phong thể hiện người có trình độ văn hóa cao. Mặt khác, qua buổi trình bày, nhất là một số câu hỏi thấy rằng, người Việt trong nước từ nhà khoa học, đến doanh nhân và nhất là các bạn trẻ có cái tôi lớn, muốn tìm cái mới là tốt nhưng đừng quên rằng, kiến thức cơ bản rất quan trọng và cần hiểu cặn kẽ mới áp dụng được trong điều kiện cụ thể, vì chúng ta còn nhiều hạn chế, thế giới nhiều thông tin, biến động nhanh…/.