Đẩy mạnh đầu tư công: Giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN

Giải ngân 8 tháng mới đạt 39,74% kế hoạch

Tính đến ngày 27/9/2021, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 với tổng số vốn là 21.771,492 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 3.917,057 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 17.854,435 tỷ đồng.

Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định), còn lại 16.000 tỷ đồng (chiếm 3,4%) vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) phải hoàn thiện thủ tục.

Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch.

Thực hiện các Quyết định số 1535/QĐ-TTg và số 59/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới trong năm 2021 với tổng số vốn là: 1.232,369 tỷ đồng.

Tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án (vốn trong nước: khoảng 2.114 dự án, vốn nước ngoài: khoảng 397 dự án), trong đó: 2.021 dự án chuyển tiếp (vốn trong nước 1.654 dự án, vốn nước ngoài 367 dự án) và 490 dự án khởi công mới (vốn trong nước 460 dự án, vốn nước ngoài 30 dự án); mức vốn bố trí trung bình cho một dự án sử dụng vốn trong nước là 50,8 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 118,6 tỷ đồng, trung bình mỗi bộ, cơ quan trung ương và địa phương bố trí cho 4,3 dự án khởi công mới.

Đối với vốn ngân sách trung ương, hiện nay còn 34 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách địa phương còn 14 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, nguyên nhân là do nguồn thu giảm, một số dự án dự kiến bố trí từ nguồn thu xổ số kiến thiết, nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và cũng không thể điều chỉnh nguồn thu này cho dự án khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân 8 tháng đạt 183.320,91 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 56,33%), trong đó vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%).

Đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.

Tính đến ngày 27/9/2021, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 với tổng số vốn là 21.771,492 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 3.917,057 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 17.854,435 tỷ đồng. Có 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn là 1.643,888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương trong nước là 1.595 tỷ đồng của 5 địa phương (Tuyên Quang: 600 tỷ đồng; Yên Bái 300 tỷ đồng, Thái Bình 400 tỷ đồng, Bình Thuận 100 tỷ đồng, Bình Phước 195 tỷ đồng) và vốn nước ngoài là 48,8 tỷ đồng duy nhất 01 địa phương (Kiên Giang).

8 nguyên nhân khách quan và 3 nguyên nhân chủ quan khiến giải ngân chậm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ rõ, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

“Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng cũng chỉ ra 8 nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn tới giải ngân chậm.

(1) Một số vướng mắc quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 như quy đinh về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương (theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, theo Luật Đầu tư công năm 2019 nội dung này thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh); thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài… đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp chung trình Chính phủ trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật.

(2) Một số quy định giữa Nghị định số 40/2020/NĐ-CP; Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP chưa thống nhất nên gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, như là quy định về thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng; thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch.

(3) Quy định về thủ tục cấp phép nhập cảnh cho các chuyên gia dự án ODA theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục để vào Việt Nam hoặc quay lại Việt Nam; các chuyên gia phải có xác nhận liên quan đến giấy phép lao động và tư cách chuyên gia.

(4) Luật Xây dựng và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, ngoại trừ một số dự án chuyên ngành, cơ quan chuyên môn, các dự án của Bộ, cơ quan trung ương và dự án nhóm A ở địa phương việc thẩm định diễn ra đối với tất cả các bước trong quy trình thực hiện dự án (thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định điều chỉnh dự án, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở…). Các quy định này được đánh giá là chưa thực hiện phân cấp như thời gian trước đây (Sở Xây dựng thực hiện), dẫn tới khối lượng công việc cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng cần thực hiện lớn, trong khi nhân lực khó đáp ứng đủ yêu cầu, dẫn đến việc ứ đọng hồ sơ, cần nhiều thời gian để thẩm định, dẫn đến kéo dài phê duyệt dự toán, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

(5) Một số dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án do không được sử dụng vốn vay để thanh toán thuế theo quy định tại Chỉ thị số 18/CT-TTg này 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ khiến nhiều dự án đang triển khai bị ách tắc, phải rà soát, tiến hành các thủ tục điều chỉnh dự án, cơ cấu nguồn vốn…

(6) Quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA tại Điều 19 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ áp dụng chung cho các dự án ODA đã gây khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục không cần thiết, đồng thời chưa tính đến những đặc thù cũng như phân loại dự án ODA cần phải điều chỉnh để đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho việc điều chỉnh dự án.

(7) Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,… nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

(8) Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn, nên tác động đến cả các hoạt động tư vấn như khảo sát, thiết kế và cả thi công công trình. Giá nguyên liệu đầu vào gia tăng cùng thiếu hụt nguyên liệu như đất đai đã ảnh hưởng đến phương án tài chính và tìm kiếm nguồn cung, nguyên liệu thay thế khi triển khai dự án theo hợp đồng đã ký.

Bên cạnh 8 nguyên nhân khách quan, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan.

Một là, công tác chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 cho các dự án tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu chủ động, nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian quy định nhưng chưa báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, gia hạn Hiệp định, điều chỉnh chủ trương đầu tư; bố trí vốn cho dự án chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian giải ngân, đang trong quá trình đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay…

Hai là, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng để triển khai của dự án còn thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài; một số dự án chậm ký kết các thỏa thuận vay lại, chậm đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án; nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn; vẫn còn tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài; việc chuyển nguồn, hạch toán ghi thu – ghi chi, tạm ứng còn chậm, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, phê duyệt đơn rút vốn…

5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mùa mưa bão ở miền Trung và Tây Nguyên…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công; thực hiện điều chỉnh ngay các vướng mắc về quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.

Trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp.

Cụ thể, với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước hết, cần hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án khởi công mới để giải ngân trước ngày 30 tháng 9 năm 2021. Chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu…, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2021.

Các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ trong bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình. “Trong đó, lưu ý địa phương phải xác định rõ các loại hình thiên tai thường xuyên hoặc có khả năng xảy ra trên địa bàn để xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thứ hai, Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, hướng dẫn đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ ba, xây dựng, sửa đổi các quy định đang còn chồng chéo, cản trở đến hoạt động đầu tư công. “Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi. Bộ Tài chính ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương; kịp thời hướng dẫn để thống nhất cách hiểu, cách triển khai đối với những vấn đề vướng mắc; phổ biến cách làm hay, kinh nghiệm tốt của các cơ quan, đơn vị có tiến độ giải ngân cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc./.