Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp, biện pháp để triển khai hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động.

Đến nay, kết quả triển khai các gói hỗ trợ thế nào?
Ngày 1/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền là 38 nghìn tỷ đồng.

Thứ trưởng cho biết, ngoài Nghị quyết 42 năm 2020 thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do COVID-19. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, hỗ trợ túi an sinh xã hội.

Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 và ngày hôm qua (1/10) đã ban hành Nghị quyết 28 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền là 38 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, kết quả của các gói hỗ trợ như sau:

Với Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng), tính đến 1/10, chúng ta đã hỗ trợ trên cả nước 15,3 nghìn tỷ đồng với tổng số 18,32 triệu đối tượng.

“Về tiền mặt, tổng số kinh phí đã hỗ trợ là 10.000 tỷ đồng, chính sách cho vay vốn, chúng ta đã hỗ trợ 461,1 tỷ đồng”, Thứ trưởng cung cấp thông tin.

Về gạo, Thứ trưởng cho biết đã xuất tổng cộng 156.349 tấn gạo hỗ trợ cho 2,401 triệu hộ thuộc 30 tỉnh.

Đối với người có bảo hiểm thất nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với tổng số tiền là 3.000 tỷ đồng.

“Như vậy, hiện nay, chúng ta đang hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp và giảm đóng cho người sử dụng lao động 8.000 tỷ đồng. Những khoản này, cố gắng trong vòng 45 ngày sẽ triển khai xong”, Thứ trưởng cho biết

Trong quá trình triển khai, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục theo dõi tình hình COVID-19 tác động ảnh hưởng đến người dân như thế nào để tham mưu với Chính phủ hỗ trợ người dân trong thời gian tới.

Trước đó, báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua (Nghị quyết số 105/NQ-CP) tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra sáng nay 26/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, việc thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện đạt khoảng 650 tỷ, ước tính tổng giá trị 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua vào ngày 24/9/2021, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập DN năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét ban hành chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng. Ước tính giá trị các giải pháp hỗ trợ này là trên 22 nghìn tỷ đồng.

Về hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 theo hướng mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 520 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho hơn 1,1 triệu khách hàng là khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho DN như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền kỹ quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không… đều đang được các bộ, ngành triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.

Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm cũng đang được triển khai và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành trong tháng 9/2021.

Về tạo điều kiện trong việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới theo quy định tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương để triển khai nội dung này.

Các ứng dụng thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành như: Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó Covid -19; nền tảng QR quốc gia dùng chung, ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và nền tảng xét nghiệm dùng chung thống nhất đã hoàn thành và cung cấp cho các tỉnh và các bộ.

Việc hướng dẫn thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt cũng đang được Bộ Giao thông vận tải, các bộ liên quan và địa phương triển khai tích cực. Tính đến nay, giấy nhận diện phương tiện được cấp tự động trên phần mềm cho khoảng gần 600 nghìn xe./.