Thông tin chi tiết về các kết quả chính từ báo cáo khảo sát tại cuộc họp báo công bố kết quả khảo sát mới đây, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, JETRO đã khảo sát 1.816 doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư vào Việt Nam, trong đó hơn 600 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện tại số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chế tạo và phi chế tạo có số lượng ngang nhau.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022, tỷ lệ “có lãi” là 59.5% (tăng 5,2 điểm so với năm trước). Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được cho là yếu tố hàng đầu. Tỷ lệ doanh nghiệp báo “lỗ” là 20,8% (giảm 7,8 điểm). Khó khăn trong việc thu mua linh kiện/nguyên vật liệu, chi phí hậu cần (logistic), giá nhân công tăng, ảnh hưởng của biến động tỷ giá…, là những lý do hàng đầu dẫn đến kinh doanh thua lỗ.

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Nguồn: JETRO

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp có phương châm mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới là 60%, cao nhất ASEAN. Lý do mở rộng đối với ngành chế tạo là tăng doanh thu do xuất khẩu tăng, đối với ngành phi chế tạo, tính tăng trưởng của thị trường trong nước Việt Nam và tăng doanh thu trong nước là lý do hàng đầu. Đáng chú ý, ông Nakajima Takeo cho biết, tính tăng trưởng của thị trường (74,1%) và quy mô thị trường hiện tại (46,1%) được coi là những lợi thế hàng đầu trong môi trường kinh doanh, kỳ vọng cao vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường trong nước.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát cho rằng, thủ tục hành chính như cấp phép chưa hiệu quả (66,2%); hệ thống và thủ tục thuế chưa hiệu quả (57,9%); hệ thống pháp luật như các quy định, ưu đãi đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện (55,3%) được coi là những lý do hàng đầu trong rủi ro về môi trường kinh doanh. Ngoài ra, tỷ lệ nghỉ việc (50,7%), chi phí nhân công (44,9%) cũng là thách thức đối với vấn đề tuyển dụng và đảm bảo nguồn nhân lực.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, để ứng phó với chi phí tăng, doanh nghiệp không chỉ thay đổi nhà cung cấp hay mua nguyên vật liệu thay thế, mà nhiều doanh nghiệp đã xem xét lại việc tăng cường trang thiết bị và áp dụng số hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa hầu như đi ngang ở mức 37% và tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ ở mức rất thấp là 15%. Đáng chú ý, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang là vấn đề bởi tỷ lệ nội địa hóa chưa cải thiện.

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Nguồn: JETRO

Một nội dung đáng chú ý khác được thể hiện trong kết quả khảo sát năm 2022, là mức tăng lương bình quân của các doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2022 là 5,8%. Mức lương xấp xỉ trung bình khu vực, nhưng tốc độ tăng thuộc nhóm đầu. Mức lương ngành phi chế tạo cho thấy, ít khác biệt giữa các quốc gia và khu vực. Đáng chú ý, 29,4% doanh nghiệp cho biết, đã nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (khử carbon), thấp nhất ASEAN. Khoảng 40% doanh nghiệp có kế hoạch nỗ lực trong vấn đề này, nhưng hành động cụ thể thì đang chậm trễ.

Về kỳ vọng đối với Chính phủ Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp Nhật tham gia khảo sát đều mong muốn đề xuất loại bỏ các khoản chi phí không chính thức trong các thủ tục hành chính và quy định các chi phí công rõ ràng. Về phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ mở rộng các trường đào tạo nghề và các trường đại học công nghiệp, kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh hoàn thiện môi trường pháp lý để xúc tiến đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện hệ thống thông tin liên quan đến môi trường đầu tư của các địa phương Việt Nam (đặc biệt làm sao để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận). Các doanh nghiệp cũng bày tỏ nguyện vọng có nhiều cơ hội đối thoại giữa doanh nghiệp Nhật Bản (nước ngoài) với cơ quan Chính phủ hơn nữa, để tăng cường trao đổi thông tin và nắm bắt được thực tế, cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp và có các điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như doanh nghiệp FDI nói chung yên tâm đầu tư kinh doanh dài hạn tại Việt Nam./.