Nội dung trên được thảo luận tại buổi ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương tiếp đoàn công tác của ông Andreas Scheuer, Nghị sỹ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Kỹ thuật số CHLB Đức, Chủ tịch Hội Nhịp cầu châu Á.

Doanh nghiệp Việt Nam và Đức có tiềm năng lớn trong hợp tác đổi mới công nghệ
Buổi làm việc giữa ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương và đoàn công tác của ông Andreas Scheuer, Nghị sỹ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Kỹ thuật số CHLB Đức, Chủ tịch Hội Nhịp cầu châu Á

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong đoàn công tác lần này, có đại diện của khoảng 30 doanh nghiệp uy tín thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ của Đức, sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng tái tạo và logistics.

Bày tỏ vui mừng và hoan nghênh đoàn công tác của Hội Nhịp cầu châu Á sang tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, các doanh nghiệp Đức vẫn coi Việt Nam là một trong các thị trường có tiềm năng phát triển hàng đầu ở châu Á; đồng thời, với chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Đức, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức.

Ông Tân thông báo tới đoàn việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 500/QĐTTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Đây là một quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là nền tảng pháp lý để triển khai phát triển điện lực.

Trong quy hoạch điện VIII, một nội dung rất quan trọng là Việt Nam ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối…), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh…) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ, điện mặt trời mái nhà.

Như vậy, không gian phát triển mới của ngành năng lượng mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư CHLB Đức quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực logistics, CHLB Đức là trung tâm địa lý của khu vực EU, có thị trường logistics lớn nhất châu Âu và cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến nhất giúp tiếp cận dễ dàng các thị trường khác trong khu vực.

Do vậy, để tăng cường khả năng hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước trong thời gian tới, phía Việt Nam đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường hoạt động kết nối nhằm phát triển dịch vụ logistics, đa dạng hóa phương thức vận tải để mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh với thị trường Đức nói riêng và khu vực EU nói chung, tận dụng các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, doanh nghiệp hai nước còn tiềm năng rất lớn trong hợp tác về đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong các ngành: công nghệ bán dẫn, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học… nhằm mang lại những chuyển biến, tác động giúp nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về phần mình, ông Andreas Scheuer và Đoàn doanh nghiệp từ CHLB Đức đánh giá rất cao Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường năng động, tiềm năng hàng đầu và là một “ngôi sao đang lên” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng tình với những định hướng hợp tác trong thời gian tới, ông Scheuer hy vọng hai bên sẽ tổ chức được nhiều đoàn doanh nghiệp, hướng tới hợp tác chặt chẽ, cụ thể và thiết thực hơn nữa trong thời gian tới./.