Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) chủ trì tổ chức với sự đồng hành của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), và Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD). Với chủ đề “Phát triển bền vững: góc nhìn từ Văn hóa doanh nghiệp và Quản trị công ty”, diễn đàn tập trung chia sẻ và thảo luận hai vấn đề: Văn hóa doanh nghiệp và Văn hóa kinh doanh – nền tảng của phát triển bền vững; quản trị doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả gắn với kiến tạo giá trị và nguồn lực xã hội.

Doanh nhân nữ Việt Nam tôn vinh văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đá quý Phú Nhuận (PNJ) phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung – Phó chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đá quý Phú Nhuận (PNJ), thành viên HĐQT VIOD cho biết, sự kiện này chính thức mở đầu cho năm hoạt động thứ 10, đánh dấu một thập kỷ hình thành và phát triển của VAWE và tháng 10 hành động vì những giá trị của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, để chào mừng ngày thành lập doanh nhân Việt Nam (13/10), ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10) và đặc biệt là ngày sinh nhật lần thứ 9 của VAWE (19/10).

Chia sẻ về chủ đề Diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, phát triển bền vững không còn là chủ đề mới. Đây đã được coi là một cơ hội để phát triển cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không chỉ là các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn, mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì phát triển bền vững gắn với ESG được coi là một lựa chọn và là một cơ hội.

“Chính vì vậy, chủ đề của Diễn đàn năm nay không nằm ngoài nội dung về phát triển bền vững, nhưng từ góc nhìn và ưu tiên phát triển của VAWE, chúng tôi đang tiếp cận đến một chủ đề sâu hơn, đó là phát triển bền vững, góc nhìn từ văn hóa doanh nghiệp và quản trị công ty”, bà Dung nêu vấn đề.

Văn hóa doanh nghiệp, yếu tố then chốt của triết lý kinh doanh

Bà Dung cho rằng, văn hóa doanh nghiệp bao gồm văn hóa kinh doanh và văn hóa của nhà lãnh đạo. Nó được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu bền vững.

“Chúng ta có thể thấy, không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Trong xu thế phát triển bền vững, văn hoá doanh nghiệp được coi là một yếu tố “lõi” của năng lực cạnh tranh, là nền tảng phát triển của doanh nghiệp. Khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững”, CEO PNJ bày tỏ.

Doanh nhân nữ Việt Nam tôn vinh văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Cũng theo bà Cao Thị Ngọc Dung, văn hóa tạo nên thông qua hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Thực tế, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa.

Chúng ta có thể nghe rất nhiều các câu nói được để cập tới mà đối thủ cạnh tranh có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình, cho đến bí quyết công nghệ, nhưng không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi doanh nghiệp và giá trị về văn hóa tinh thần, đó là yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp và là nền tảng của văn hóa kinh doanh. Để hướng tới sự tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ, song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và sự kết nối tinh thần giữa mọi người. Văn hóa doanh nghiệp có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh là ý chí của nhà lãnh đạo – ông chủ/ thủ lĩnh được thể hiện bằng cam kết và hành động trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của phát triển bền vững

Theo bà Dung, xuất phát điểm của các doanh nhân khi vận hành một doanh nghiệp, hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh có thể là từ nhiều động cơ khác nhau, nhưng vẫn luôn một động cơ chung của mọi doanh nghiệp – đó là lợi nhuận. Doanh nghiệp làm kinh tế đều mong tạo ra lợi nhuận – đây là mong muốn chính đáng và cơ bản của mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, CEO PNJ cũng khẳng định rằng, các doanh nghiệp hiện thực hóa khát vọng làm giàu, nhưng không được chà đạp lên mọi giá trị, vì hoạt động kinh doanh còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và văn hóa. Hơn nữa, bên cạnh lợi nhuận, nhiều nhà kinh doanh còn hướng đến các giá trị khác như khát vọng cống hiến đóng góp cho xã hội, tạo danh tiếng cho bản thân, được cộng đồng và xã hội tôn trọng và vinh danh, xa hơn là mang niềm tự hào dân tộc ra trường quốc tế…

Vì vậy, văn hóa kinh doanh, hay kinh doanh có văn hóa là làm các lợi ích gắn chặt với cái đúng và cái đẹp. Văn hóa kinh doanh hay kinh doanh có văn hóa đòi hỏi chủ thể không chỉ cố gắng bằng mọi cách để đạt được mục tiêu cá nhân, mà còn cần mang tới lợi ích, cái tốt, cái thiện, cái đẹp cho các bên liên quan như khách hàng, đối tác, cộng đồng, xã hội… Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Điều này có thể thấy rõ ràng trong những thời kỳ khủng hoảng, với những rủi ro phi truyền thống như đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong hành trình xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa kinh doanh, bản thân người chủ doanh nghiệp – doanh nhân sẽ tạo dựng “ngân hàng” của sự tín nhiệm với các bên liên quan – hay trong kinh doanh, chúng ta vẫn thường nói là giữ “chữ tín”.

Hiện nay báo cáo về phát triển bền vững ESG – Môi trường (Environment), Xã hội (Social), Governance (Quản trị) đang được áp dụng để đo lường tính bền vững của một doanh nghiệp. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt, là nền tảng, là bệ đỡ và là lực đẩy của cả E, S và G.

“Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn qua hội thảo hôm nay để truyền rõ hơn, sâu hơn thông điệp về phát triển bền vững với vai trò của văn hóa kinh doanh và văn hóa của nhà lãnh đạo gắn với văn hóa quản trị công ty”, bà Dung nhấn mạnh.

Gắn kết ESG trong văn hoá kinh doanh để doanh nghiệp phát triển bền vững

Khẳng định tầm quan trọng của ESG trong tăng trưởng kinh tế hiện nay, ông Darryl Dong – Kinh tế trưởng của IFC tại Việt Nam chia sẻ: “ESG san bằng sân chơi không bình đẳng. ESG mang lại danh tiếng cho doanh nghiệp, sự công nhận của thị trường và giá trị doanh nghiệp. Các nhà đầu tư ngày nay đang tìm kiếm những đối tác có nền tảng quản trị vững chắc, vượt xa hiệu quả tài chính, để quản lý rủi ro, nâng cao vị thế doanh nghiệp, giảm chi phí, đảm bảo nhân sự và tăng cường mối quan hệ với các bên liên quan”.

So sánh khu vực kinh tế tư nhân như một “anh hùng” với vai trò và đóng góp to lớn đối với nền kinh tế, ông Darryl Dong cho rằng, lĩnh vực này đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của Việt Nam bằng cách thúc đẩy đầu tư và tạo ra việc làm.

Tuy nhiên, ông Darryl Dong cũng lưu ý rằng hiện nay, lĩnh vực này được kêu gọi hỗ trợ đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về khả năng phục hồi và phát triển không phát thải ròng, đòi hỏi cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040. Để đáp ứng các nhu cầu tài chính này, sẽ cần có các khoản đầu tư tư nhân vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng bền bỉ, do đó, sẽ cần nguồn tài trợ lớn từ các nhà đầu tư tổ chức và các nhà tài trợ quốc tế. Ước tính, Việt Nam sẽ cần 184 tỷ USD vốn tư nhân hàng năm trong 15 năm tới, để bảo vệ mình khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Nguồn vốn này sẽ cần nhắm tới năng lượng tái tạo, kinh doanh nông nghiệp thông minh với khí hậu, vận tải và sản xuất.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững phát triển, ông Darryl Dong gợi mở Việt Nam cần hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cần tính bền vững được lồng ghép trong mọi việc làm.

“Đó không chỉ là điều chúng ta muốn, mà còn là điều thế giới yêu cầu. Đối với Việt Nam, chúng ta cần khách nước ngoài mua hàng và chúng ta cần các nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta cần thế giới thấy rằng, các công ty bản địa Việt Nam có thể vượt qua thử thách của các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, xã hội và môi trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, cánh cửa tiếp cận các thông lệ toàn cầu về ESG của Việt Nam vẫn chưa mở và do lượng vốn đầu tư lớn, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này vượt quá so với thực tại của quốc gia. Nếu Việt Nam muốn có một vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu, muốn có một khu vực kinh tế tư nhân kiên cường, muốn những tập đoàn phát triển phản ứng nhanh và có trách nhiệm, thì hãy đến với cổng ESG này”, ông Darryl Dong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Darryl Dong cũng lưu ý một mắt xích còn thiếu khác, đó chính là khoảng cách về giới, bởi phụ nữ Việt Nam luôn phải đối mặt với những thiệt thòi do phải chịu những tác động không cân xứng từ biến đổi khí hậu và tỷ trọng của họ trong lực lượng lao động thấp hơn đáng kể, 70% đối với phụ nữ so với 80% đối với nam giới. Dẫn thống kê của IFC, ông cho biết, có tới 60% phụ nữ phải làm việc trong các khu vực phi chính thức và dễ bị tổn thương, trong khi chỉ có 32% nam giới làm công việc này. Về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo phải đối mặt với khoảng cách tài chính hàng năm là 1,2 tỷ USD so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nam giới lãnh đạo. Và về thu nhập, phụ nữ có trình độ tương đương với nam giới kiếm được ít hơn 12%. Tại các doanh nghiệp Việt Nam, phụ nữ rất ít được đại diện, chỉ chiếm 18% số ghế trong hội đồng quản trị. Đây là một hệ thống đầy thách thức đối với các nữ doanh nhân và tôi xin được tôn vinh tất cả các bạn vì lòng dũng cảm xuất sắc trong việc lãnh đạo công ty của mình, bất chấp tất cả những thiếu sót rõ ràng về giới. Đây là những khoảng trống quá lớn và khoảng trống về giới không thể bỏ qua và cần được khắc phục.

Nhìn nhận phát triển bền vững là xu thế chung của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch VCBSD, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy và kiến tạo nền kinh tế xanh: “Kinh doanh bền vững là năng lực của các doanh nghiệp trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế thể hiện qua các chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với lĩnh vực ngành nghề, khu vực địa lý, và độ phủ thị trường của các doanh nghiệp. Trong đó, ESG là một xu thế tất yếu, cung cấp khung đánh giá về ESG trong vận hành doanh nghiệp, giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro và cơ hội về ba khía cạnh này”.

Doanh nhân nữ Việt Nam tôn vinh văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch VCBSD, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ tại Diễn đàn

Đặc biệt, ông Vinh nhấn mạnh rằng, giờ đây ESG không phải là sự lựa chọn hay xu thế, bởi ESG là năng lực cạnh tranh ở xu thế hiện tại. Để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ESG hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần định vị được vị trí và xuất phát điểm của mình đang ở đâu, tiếp đó cần xây dựng được ESG phù hợp với năng lực, quy mô, trình độ năng lực và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Muốn vậy, cần xác định được năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp của mình trên cơ sở 3 nguồn vốn: kinh tế, tự nhiên, xã hội, trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong vốn xã hội, và cần coi văn hoá doanh nghiệp là nền tảng của kinh doanh, là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Vinh cũng lưu ý, năm 2023 và những năm tới sẽ có những chuyển đổi lớn trên bình diện toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt cần quan tâm tới 3 xu hướng toàn cầu, đó là:

Thứ nhất, xu hướng thích ứng tốt hơn (môi trường): năm 2023 dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, nhiều bất cập nảy sinh. Biến đổi khí hậu là một nguy cơ toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, do đó, các hoạt động đầu tư kinh doanh cần chú trọng tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu với những bất trắc và nguy cơ.

Thứ hai, xu hướng phát triển nhân văn hơn (hướng đến con người hơn): Xu thế hiện nay là quan tâm đến sức khỏe. Một số ngành trở nên quan trọng hơn như y tế, chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm công nghệ phục vụ cho cuộc sống con người

Thứ ba, xu hướng phát triển xanh hơn: kinh tế xanh là xu thế chung của thế giới, nhiều quốc gia đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Mỹ hay Liên minh châu Âu đều đưa ra những tiêu chuẩn cao về sản phẩm xanh. Các tổ chức quốc tế thì ưu tiên tín dụng cho các dự án xanh, than thiện với môi trường. Trong thời gian tới, đầu tư FDI của Việt Nam cần chú trọng chọn lọc các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao, do đó, doanh nghiêp Việt cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận thị trường và nguồn vốn tín dụng xanh.

Doanh nhân nữ Việt Nam tôn vinh văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch VAWE, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) chia sẻ góc nhìn từ các nhà quản trị công ty về văn hóa doanh nghiệp và kiến tạo phát triển bền vững

Cũng tại Diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch VAWE, Chủ tịch VIOD chia sẻ thêm góc nhìn từ các nhà quản trị công ty về văn hóa doanh nghiệp và kiến tạo phát triển bền vững. Theo đó, văn hóa quản trị công ty vừa là lực đẩy, đồng thời là lực dẫn của doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững…”.

Doanh nhân nữ Việt Nam tôn vinh văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững
Các diễn giả chia sẻ trong Phiên thảo luận tại Diễn đàn

Cũng tại diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận đa chiều với các bài học và mô hình thực tiễn trong quản trị công ty và xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo xu thế phát triển bền vững. Dưới sự dẫn dắt của bà Tiêu Yến Trinh – CEO Talent Net, các diễn giả bao gồm bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT PNJ, Trưởng tiểu ban ESG; ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau; bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty CPTM Thái Hưng, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ các câu chuyện thực tế của đơn vị mình, cùng các kinh nghiệm của bản thân trong quản trị doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã cùng chia sẻ, thảo luận các thông tin hữu ích về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững qua góc nhìn văn hóa doanh nghiệp và quản trị công ty đã được các diễn giả là đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ tới các nữ doanh nhân Việt Nam.

Không dừng lại ở Diễn đàn Nữ doanh nhân mùa thu, câu chuyện Văn hóa doanh nghiệp & Quản trị công ty sẽ là một trong những chủ đề trong chuỗi các hoạt động “Kết nối giá trị xanh” mà VAWE triển khai từ tháng 10/2023 sang năm 2024. Chuỗi hoạt động “Kết nối giá trị xanh” là lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 9 của VAWE, hướng đến một thập kỷ hình thành và phát triển của VAWE vào năm tới (19/10/2014 – 19/10/2024)./.