Ủng hộ đề xuất của Chính phủ

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, hôm nay, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ) thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Cũng theo ông Nghĩa, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là một trong những công trình quan trọng, cần thiết, mang tính quyết định trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Đề nghị Quốc hội xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù giao cho UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án.

Góp ý về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra với mức độ hạn hán ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đồng thuận với đề xuất đầu tư 2 dự án theo tờ trình của Chính phủ
Để triển khai có hiệu quả dự án, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông đề xuất xem xét cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025, chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội

Ông Thông bày tỏ thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết điều chỉnh chung dự án với tổng số vốn dự kiến điều chỉnh là 874 tỷ đồng.

Ông cho rằng, dự án hồ chứa nước Ka Pét, nếu không xét về yếu tố rừng tự nhiên phải trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư, quy mô dự án chỉ tương đương với công trình, dự án nhóm A. Vì vậy, để giảm bớt các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án, rút ngắn thời gian đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khắc phục sự chậm trễ như đã xảy ra, đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này. Theo đó, giao cho tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thực hiện tương tự như dự án nhóm A.

Về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27 C, đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, ông Thông thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đây cũng là mong muốn của cử tri và nhân dân có dự án đi qua.

Sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đa số ý kiến của các đại biểu đồng thuận với quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đồng thuận với đề xuất đầu tư 2 dự án theo tờ trình của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ nhiều nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm

Về lý do chậm tiến độ trong việc thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Bộ trưởng cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau, đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, khắc phục các tồn tại, hạn chế để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đối với dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, theo Bộ trưởng, dự án đã được lên kế hoạch từ lâu, cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng cho biết, về hướng tuyến, cơ quan soạn thảo đã có nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp cảnh quan môi trường, đảm bảo ảnh hưởng, tác động ít nhất đến môi trường sinh thái, đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng trong khu vực, có phương án trồng rừng thay thế hợp lý, đúng quy định. Đối với việc giải phóng mặt bằng, cơ quan hữu quan đã có rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định được đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục…/.