Phục hồi kinh tế phụ thuộc vào 4 yếu tố

Để ghi nhận các đánh giá của thành viên thị trường về hoạt động của thị trường trái phiếu, nhận định của các thành viên về lãi suất dài hạn và các chỉ số kinh tế vĩ mô, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã tiến hành khảo sát các thành viên định kỳ hàng quý về chủ đề “Thị trường trái phiếu Việt Nam và Triển vọng kinh tế vĩ mô”.

Theo VBMA, cuộc khảo sát quý III/2021 được tổ chức này thực hiện trong tháng 9/2021, với sự tham gia của 51 thành viên trên thị trường bao gồm: 32 ngân hàng và tổ chức tín dụng, 9 công ty chứng khoán, 8 quỹ bảo hiểm và 2 quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam…

Dự báo kinh tế Việt Nam phục hồi hình chữ U
Các thành viên VBMA dự báo kinh tế Việt Nam phục hồi không thể nhanh

Liên quan đến dự báo về kinh tế vĩ mô, kết quả khảo sát cho thấy, 49% thành viên lựa chọn phương án phục hồi hình chữ U cho nền kinh tế Việt Nam, nghĩa là tốc độ phục hồi chậm do nền kinh tế chưa thể mở cửa đồng bộ, tốc độ tiêm chủng bị ảnh hưởng vì nguồn cung vaccine còn hạn chế. Đa số các thành viên cho rằng, khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố gồm: chính sách tài khóa hỗ trợ đầu tư công; các hiệp định thương mại tự do giúp thúc đẩy xuất khẩu; cơ chế khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài; tỷ lệ tiêm chủng.

Liên quan đến diễn biến lạm phát thời gian tới, 81% thành viên tham gia khảo sát dự báo lạm phát sẽ tăng trong 1 năm tới, với kỳ vọng lạm phát thấp nhất là 2,5%, cao hơn mức trung bình 9 tháng đầu năm 2021 là 1,82%. Tuy nhiên, xét về dài hạn, các thành viên đều cho rằng, lạm phát không phải là áp lực lớn…

Về lãi suất điều hành, các thành viên đều kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên hoặc giảm lãi suất trong vòng 1 năm tới. 64% thành viên cho rằng, trong tình huống xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạ từ 0,25% – 1% lãi suất thị trường mở (OMO) để tiếp tục kích thích nền kinh tế. Ngược lại, có 36% thành viên cho rằng, lãi suất OMO đã chạm đáy, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không tăng lãi suất OMO trong năm 2022.

Thị trường trái phiếu Chính phủ ít biến động

Dự báo về hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp, 55% các thành viên tham gia khảo sát cho rằng, thị trường đang hoạt động hiệu quả. Xét về phương diện thanh khoản, có 84% thành viên nhìn nhận khoảng cách giá chào mua và chào bán là không quá rộng. Có tới 65% thành viên cho rằng, tổ chức của họ có thể hoàn thành khối lượng giao dịch mà họ mong muốn.

Về triển vọng dài hạn của lãi suất trái phiếu Chính phủ, có khoảng 61% thành viên tham gia khảo sát (28/41 thành viên) dự báo, mặt bằng lãi suất của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ tăng lên trên mức 2,5% vào cuối tháng 3/2023, tương đương với mức tăng ít nhất 350 điểm cơ bản so với mặt bằng lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm hiện tại. Nếu tính đến cuối tháng 3/2024, số thành viên cho rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm sẽ tăng cao hơn 2,5% là 76,7% (33/43 câu trả lời)./.