Tránh luật khung, luật ống

“Cần cân nhắc khi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có đến 21 nội dung phân cấp cho Chính phủ quy định, 21 nội dung phân cấp cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết. Điều này khiến chúng ta có cảm giác luật này là luật khung…”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc cảnh báo tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.

Đừng sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm thành… luật khung
Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc, cần cố gắng thực hiện đúng tinh thần Quốc hội đề ra là giảm luật khung, luật ống. Ảnh: Quốc hội

Ông Lộc đề nghị, các vấn đề đã và đang được triển khai thực hiện tốt trong các nghị định, thông tư hiện hành, được chứng minh hiệu quả, thấy cần thiết thì nên cố gắng thể chế trong Luật. Đối với những vấn đề mới, không có tính dài hạn, có thể thay đổi trong thời gian thi hành thì giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết.

“Cần cố gắng thực hiện đúng tinh thần Quốc hội đề ra là giảm luật khung, luật ống, càng cụ thể càng tốt, giảm số lượng điều, khoản phải chờ Chính phủ, các bộ ngành ban hành văn bản quy định chi tiết…”, ông Lộc đề xuất.

Đừng đẩy rủi ro cho người mua bảo hiểm

Từng nhiều năm công tác trong ngành bảo hiểm, chuyên gia Đỗ Văn Sinh đề nghị, cần có cơ chế quản lý hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ bên mua bảo hiểm, khi mà có khoảng hơn 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, nên phạm vi đối tượng tác động là rất lớn. Hiện hầu hết các doanh nghiệp có hợp đồng mẫu, nhưng khách hàng không đủ khả năng tiếp cận và hiểu đầy đủ hợp đồng. Để bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, cơ quan nhà nước phải kiểm soát nội dung hợp đồng mẫu, bảo đảm quyền cho người mua, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Theo ông Phạm Đức Ấn, dòng tiền bảo hiểm là rất lớn, thời gian dài, các công ty bảo hiểm nắm giữ lượng lớn tiền tham gia bảo hiểm của người dân. Do đó, việc kiểm soát dòng tiền của các công ty bảo hiểm là rất quan trọng, đòi hỏi quy định chặt chẽ, bảo đảm công khai minh bạch, tránh đổ vỡ. Cũng cần phòng ngừa trục lợi bảo hiểm bằng cách nên có hệ thống dữ liệu thông tin kiểm soát, cảnh báo các trường hợp có nguy cơ cao…

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn, bảo hiểm nhân thọ giống như gửi tiền nhưng có liên quan đến các rủi ro tính mạng, sức khỏe của người tham gia. Các công ty bao hiểm được giao quyền lớn, khi trong những năm đầu đóng tiền bảo hiểm mà người mua bảo hiểm không tiếp tục tham gia nữa thì mất toàn bộ khoản tiền đã đóng. Đang có sự lẫn lộn giữa phí và tiền đóng định kỳ, dẫn đến mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng lại ảnh hưởng đến người mua bảo hiểm.

Theo ông Lộc, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan đến giao kết bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, từ chối trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm vào dự án Luật. Từ đó, đưa Luật Kinh doanh bảo hiểm đến gần người dân hơn, để người dân đọc luật có thể hiểu được, nhất là những nội dung sát sườn, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

“Cần đưa ngay vào dự thảo Luật các quy định về giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, hướng dẫn khi xảy ra tổn thất người tham gia bảo hiểm cần thông báo cho doanh nghiệp như thế nào, hồ sơ chi trả tiền bảo hiểm cần những văn bản nào, thời gian phải chi trả bảo hiểm cho doanh nghiệp, việc từ chối chi trả bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm…, để người dân tiếp cận được và thực hiện được…”, ông Lộc đề xuất.

Đừng sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm thành… luật khung
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ban hành luật để phát triển thị trường bảo hiểm, tạo nguồn vốn cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh Quốc hội

Liên quan đến mục tiêu sửa Luật lần này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ban hành luật để phát triển thị trường bảo hiểm, tạo nguồn vốn cho phát triển, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an toàn, an sinh xã hội; tạo đột phá cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và người dân hiểu và tham gia bảo hiểm tích cực, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm để vừa huy động vốn vào thị trường, vừa an dân. Đây là lĩnh vực đặc biệt yêu cầu quản lý chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro từ xa, cần bảo đảm quản lý, giám sát công khai, minh bạch…/.