Thời gian qua, để thực hiện công tác phòng chống dịch, có địa phương đã đưa ra những quy định “cứng nhắc” dẫn đến “gây khó” cho người dân khi có dự định về quê ăn Tết như: yêu cầu người về từ vùng cam thực hiện xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Có địa phương còn phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình đang học tập, làm việc, sinh sống ngoài tỉnh hạn chế đến hoặc trở về trong thời gian nghỉ Tết.

Nhiều địa phương tại Thanh Hóa đã có thư ngỏ gửi người dân đang làm việc tại tỉnh ngoài, nước ngoài… về việc tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Quảng Nam cũng khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế về quê nếu không thật sự cần thiết.

Địa phương này cũng đưa ra quy định, người đến/về từ các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng (tính đến thời điểm về) thì sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên đến Quảng Ngãi; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương…

Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, địa phương này yêu cầu người đến, về từ địa bàn có dịch, người tiếp xúc gần (F1): trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà/nơi lưu trú, tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, thứ 7.

Đối với người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, chưa được công bố khỏi bệnh Covid-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú thì thực hiện cách ly y tế tập trung.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn: Các địa phương không được đặt ra những quy định về phòng chống dịch trái với hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của Chính phủ, để gây những khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, nhân dân về quê ăn Tết – Ảnh: VGP/Đức Tuân

Thậm chí có địa phương yêu cầu người về quê từ vùng dịch cấp độ 3 phải tự cách ly trong nhà 10 ngày. Trong khi đó, kỳ nghỉ Tết của người dân chỉ kéo dài 9 ngày.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022 vào chiều 28/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cũng thừa nhận rằng, một số địa phương vừa qua đúng là có tình trạng ban hành một số quyết định gây khó khăn, thậm chí là bức xúc cho người dân.

Người phát ngôn Chính phủ cho biết, để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 128, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các địa phương không được tự ý ban hành các quy định riêng, khi không được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê đón Tết sau một năm rất vất vả. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp, kể cả Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch, kể cả các cuộc họp Chính phủ thường kỳ, đều quán triệt việc này. Tinh thần chuyển trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng không được chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam rất cao. Tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên cơ bản là 100%, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt chống chỉ định.

Tại Công điện số 64/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương “không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trái với quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán”.

Trước tình trạng ban hành một số quyết định gây khó khăn, thậm chí là bức xúc cho người dân, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Công điện số 64/CĐ-TTg. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định tổ chức các biện pháp y tế, cách ly, rồi vấn đề đi lại của người dân, vấn đề đón người dân về quê ăn Tết.

“Đặc biệt, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân, thì phải đảm bảo thống nhất trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu các địa phương không được đặt ra những quy định về phòng chống dịch trái với hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của Chính phủ, để gây những khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, nhân dân về quê ăn Tết”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Sau khi có công điện này, “chúng tôi kiểm tra thì các địa phương đã chấn chỉnh kịp thời”, ông Sơn cho biết.

Tuy nhiên, để thích ứng linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, nhất là khi các điều kiện đi lại được nới lỏng, cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của mỗi cá nhân cần được đặt ở mức cao nhất.

Để đón một cái Tết vui và an toàn, người dân cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong hành trình về quê đón Tết, không chỉ là tình cảm nghĩa tình với quê hương, xóm làng, gia đình, người thân, mà mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết nhất, tìm hiểu kỹ các thông tin phòng dịch của địa phương để có thể chủ động đáp ứng, xử lý trong mọi tình huống.

Trong thời điểm có số lượng người trở về địa phương tăng cao bằng nhiều phương tiện khác nhau (ô tô, xe máy, máy bay, tàu hoả), để góp phần giảm bớt khó khăn cho lực lượng quản lý ở địa phương, người về quê chủ động khai báo y tế, có thể thực hiện xét nghiệm hoặc test nhanh COVID-19 trước khi về cũng là cách để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch.

Trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, có những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV- 2 không có triệu chứng bệnh thì việc đi chúc Tết hoặc gặp mặt đông người cũng nên được cân nhắc. Hành trình về quê ăn Tết chỉ có thể có được niềm vui trọn vẹn khi đảm bảo an toàn cho bản thân và tất cả mọi người./.