Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%

GDP quý III/2021 giảm kỷ lục, ước tính giảm 6,17%
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bà Hương cho biết, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế“, bà Hương cho biết.

Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,27%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.

GDP quý III/2021 giảm kỷ lục, ước tính giảm 6,17%
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

Người đứng đầu Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, triển khai hiệu quả Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân nhằm quyết tâm đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 cao nhất có thể.

“Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42% tuy không phải là mức tăng trưởng cao nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát”, bà Hương nhấn mạnh.

Các giải pháp để đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể

GDP quý III/2021 giảm kỷ lục, ước tính giảm 6,17%
Toàn cảnh họp báo công bố thống kê 9 tháng năm 2021. Ảnh Đức Trung

Bước sang quý IV, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Mặc dù tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ, nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Để đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Để khắc phục những khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại năm 2021, thay mặt Tổng cục Thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tập trung vào 5 giải pháp.

Một là, trước hết, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 gắn với mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện Khung Y tế phòng chống dịch để sống chung an toàn với dịch Covid-19, sớm ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Trong đó, thực hiện đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế, an sinh xã hội cho người dân, có giải pháp hỗ trợ phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể. Phát huy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả với phương châm: “không để ai bị bỏ lại”, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi địa phương nơi làm việc, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động tại các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.

Ba là, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.

Từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài.

Bốn là, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân, mở rộng hợp tác công tư. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ hoàn thiện các thủ tục về đầu tư công. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời, phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 tại các địa phương.

Năm là, theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng nhập siêu, cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước. Tăng cường công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có nguồn cung trong nước dồi dào để vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa cải thiện tình hình nhập siêu. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho các doanh nghiệp chịu chi phí tăng cao trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.