Một thông tin về thảm họa sinh thái đang gây chấn động cả thế giới những ngày qua. Hàng trăm, ngàn nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như Guardian, đã nhanh chóng thông báo cho cả thế giới [1]. Đây là nỗ lực truyền thông kết quả khoa học đã được đăng sau bình duyệt trên một ấn phẩm thuộc Nature Portfolio, có tên gọi Communications Earth & Environment, ngày 24-8-2023.

Vụ thảm sát trong tự nhiên

Thảm họa vừa nêu liên quan tới chim cánh cụt gọi là “emperor penguin”, cư trú tại Nam Cực, nơi lạnh giá vô cùng của Trái Đất, gây sốc và đau buồn trước tiên và trên hết cho chính các nhà khoa học nghiên cứu về sự kiện này, và lập tức tới hàng triệu độc giả khắp địa cầu.

Nhiều ngàn chim cánh cụt non thuộc bốn bầy cư dân chim cánh cụt lớn phân bố ở Bellingshausen Sea đã chết vì lý do băng ở Nam Cực bị bào mòn quá nhanh, dẫn tới quá trình sinh dưỡng bị gián đoạn và sụp đổ vào cuối năm 2022. Tổng số lượng chim non đã chết là một con số ước lượng kinh hoàng: khoảng 7000 chim cánh cụt.

Giá chim cánh cụt bao nhiêu cho đủ?
Hình 1: Nơi xảy ra thảm họa, một vùng cực kỳ rộng lớn của Nam Cực, nguồn: [2].

Vùng màu xanh trên bản đồ Hình 1 chỉ những vùng băng còn an ổn mặc dù có biến động bất thường về diện tích bao phủ băng, màu đỏ là nguy hiểm. Mặc dù hầu hết châu Nam Cực đã chứng kiến biến động bất thường, nhưng khu vực Bellingshausen Sea bị tác động quá nặng nề tới mức mất 100% băng [2].

Nhờ phân tích ảnh vệ tinh mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra băng ở vùng quan sát bất ổn định nghiêm trọng rồi tan vỡ. Các bầy cư dân chim cánh cụt đã biến mất vào thời điểm chim non chưa đủ lớn để phát triển lớp lông giữ ấm và chống nước, khiến chúng đồng thời chết hàng loạt.

Từ lâu, các nhà khoa học đã tiên lượng chim cánh cụt sẽ phải đối mặt với tương lai u ám khi khí hậu ấm lên. Loài chim này phụ thuộc hoàn toàn vào băng biển. Tuy vậy, điều gây sốc chính là thảm họa đã tới quá sớm, và ở quy mô quá khủng khiếp. Chết chóc diễn ra ở một vùng diện tích quá rộng lớn, không thể tưởng tượng được.

Nguyên nhân của thảm họa đau buồn này được chỉ ra trong hai đồ thị phía dưới (Hình 2 và Hình 3).

Giá chim cánh cụt bao nhiêu cho đủ?
Hình 2: Diện tích băng Nam Cực biến thiên trong năm 2022-2023 (nguồn [2]).

Trong Hình 2, diện tích bao phủ băng với đường màu đỏ là mức bao phủ băng 2022–2023, xanh 2021–2022 và da cam 1981–2010 (trung bình). Dải vàng đánh dấu ±2 SD (2 lần độ lệch chuẩn dữ liệu lưu trữ của vệ tinh giai đoạn 1979–2022). Khoảng màu xám cho biết các giai đoạn sinh dưỡng đầu đời (sơ sinh và mọc lông chống nước) của chim cánh cụt. Đối với thời kỳ đầu sinh dưỡng, băng cần giữ được ổn định cho tới khi bộ lông giữ ấm và chống nước đã phát triển đầy đủ để chim non có thể tự sinh tồn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tháng 10-2022 tới 1-2023, độ phủ băng quanh lục địa giảm tới mức thấp nhất ghi nhận được trong suốt 45 năm qua, theo dữ liệu vệ tinh. Rất bất hạnh, đây chính là thời kỳ các đàn chim non cần được nuôi dưỡng và chờ sinh trưởng bộ lông.

Băng Nam Cực đã sụt giảm kỷ lục trong tháng 2-2023, phá vỡ kỷ lục của năm trước đó, gây sốc nặng nề cho giới khoa học (Hình 3).

Giá chim cánh cụt bao nhiêu cho đủ?
Hình 3: Thay đổi diện tích băng bao phủ Nam Cực, đơn vị triệu km2 theo năm. Dữ liệu cập nhật lần cuối: 23-8-2023 [1].

Bộ lông trưởng thành vô cùng quan trọng với sự sống của chim cánh cụt. Khi băng tan, nếu bộ lông chưa phát triển đầy đủ, lúc rớt xuống nước chúng sẽ bị chết đuối. Còn nếu chúng thoát chết đuối, lên được mặt băng, thì do chưa có khả năng chống nước, chúng sẽ chết cóng vì lông tơ sơ sinh lại trở thành bẫy giữ nước băng trên cơ thể.

Ước tính khoảng 30% trong số 62 bầy cư dân chim cánh cụt ở Nam Cực đã bị tác động tiêu cực do băng tan một phần hoặc toàn phần chỉ từ 2018 tới nay. Với tình hình diễn biến như hiện nay (nếu không có chuyển biến tích cực) thì chỉ tới năm 2100, 90% số bầy chim cánh cụt sẽ bị suy giảm số lượng nghiêm trọng tới mức có thể coi như tuyệt chủng.

Sự kiện kinh hoàng này dẫn tới một vài suy nghĩ trình bày dưới đây.

Nghịch lý của sự thông thái biến dạng

Loài người vốn vẫn tự đắc mình là giống loài thông minh, chúa tể của muôn loài. Xét về khả năng tiêu diệt loài khác, điều này có thể đúng. Nhưng xét về khả năng chung sống hòa bình, thì rõ ràng điều này sai.

Chim cánh cụt là một trong số ít loài có được cảm nhận an toàn, do không phải đương đầu với nạn săn bắt, buôn bán, hay bị chiếm đất sống. Ấy thế mà giờ đây cũng đối diện với thực tế sụp đổ dân số, do môi sinh bị tàn phá vì khủng khoảng khí hậu.

Do không có “thương phẩm chim cánh cụt” nên không ai biết giá một chú chim cánh cụt là bao nhiêu, cũng chẳng từng quan tâm. Tuy nhiên, nhìn một cách gián tiếp, việc loài người với các định chế cho phép kinh doanh khai thác sinh lực môi trường và trả tiền cho sự tàn phá qua những cơ chế thuần thương mại, như: mậu dịch các-bon, cái chết của từng sinh linh chim cánh cụt sẽ có giá. Giá đó có thể tính bắc cầu thông qua giá giao dịch giấy phép phát thải chẳng hạn. Khi số chim chết ngày càng tăng và số lượng còn lại chỉ lác đác, coi như tuyệt chủng, thì giá mỗi chú chim cánh cụt còn lại sẽ cao tới mức nào, sau khi quy đổi qua những thứ “mậu dịch thông thái” nhường kia?

Câu hỏi này có tính triết học, chứa đựng cả 3 thành tố: bản thể, nhận thức và đạo đức. Nó không phải câu hỏi kinh tế, mặc dù có xuất hiện một yếu tố tạm tựa vào để đặt câu hỏi là giá. Sở dĩ nó không thể trả lời được, là bởi vì những vấn nạn lớn như khủng hoảng khí hậu không thể giải quyết chuyên ngành, mà buộc phải tiếp cận liên ngành, trong đó văn hóa-xã hội và nhân văn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là lý do “nguyên lý bán dẫn trong trao đổi giá trị môi trường và kinh tế” được đề xuất [3].

Bản chất của nguyên lý này phát biểu rằng, nếu một chủ thể kinh tế tạo dựng được giá trị có tính thặng dư sinh thái, chủ thể ấy nên được nhận giá trị kinh tế tương xứng với mức thặng dư. Tuy nhiên, điều ngược lại không được phép xảy ra. Tức là, một khi anh thực sự tham gia tàn phá môi sinh, có vai trò thấy được trong việc thúc đẩy chuỗi hành vi thâm hụt sinh thái, thì không được phép đền bù bằng tiền hay lực lượng vật chất, mà phải đối mặt với những chế định chấm dứt sự tồn tại của bất kỳ tác nhân nào đóng vai trò là nguồn khởi phát thâm hụt sinh thái tiềm tàng.

Mậu dịch các-bon đang là sự bế tắc của nhân loại trong việc loay hoay tìm lời giải đáp cho sự tồn vong của mình thông qua một lời giải kinh tế, mà đáp án hết sức rối rắm, loạn xạ. Nó đã từng có chút giá trị trong những thời kỳ tạo ra nhận thức về giá trị môi sinh, khi mà mọi thứ dù xấu đi, nhưng cơ bản vẫn có dáng vẻ bình thường. Nhưng khi đẩy tới sự kiện cực đoan như 7.000 chú chim cánh cụt xấu số kia, thì như thế là “quá ít, quá muộn”. Nó giống như nguyên lý kế toán chúng ta đọc trên thị trường chứng khoán để hiểu tình hình tài chính, sức khỏe kinh tế của chủ thể kinh doanh chỉ có giá trị khi “mọi việc bình thường” và các điều kiện cơ bản về đảm bảo vận hành liên tục được thỏa mãn (thường gọi là “continuity conditions”). Nhưng khi doanh nghiệp đối diện với “án tử” về phá sản, thì không ai còn đọc thông tin tài chính theo cách “bình thường” được nữa.

Các nhà kinh tế hiểu rất rõ điều này với sự tự hào về độ thông thái các lý thuyết của mình, nhưng nay sự thông thái đó đã biến dạng thành kiểu chấp nhận sự đổi chác kinh tế bình thường trong điều kiện tổn thương môi sinh có tính diệt vong?!

Nó biến dạng tới mức Châu Nam Cực, một vùng băng giá vốn dĩ có môi trường tự bảo tồn chính nhờ sự khắc nghiệt của băng giá bao phủ quanh năm, đến nay đã trở thành một nơi đã chứng kiến sự tổn thương, và cần tới khái niệm “bảo tồn” của con người [4]. Cho dù nhận được sự bảo tồn của con người, thì chúng ta phải bảo tồn điều gì khi hệ sinh thái ở đấy phụ thuộc chủ yếu vào băng mà băng lại đã tan hết?

Thật khó mà hình dung lời giải nào cho khủng hoảng đang cận kề, thách thức tồn vong loài người, mà lại không tính đến hệ văn hóa thặng dư sinh thái.

Một nghịch lý kinh tế đang xảy ra: Mặc dù không có cơ sở “kỹ thuật” nào để tính giá trị một chú chim cánh cụt, nhưng ta lại có đầy đủ nhận thức để biết, giá trị đó đang tăng rất cao và rất nhanh. Thậm chí, tới đỉnh điểm khủng hoảng khí hậu, có thể cái giá ấy bản thân sự tồn tại của chính loài người cũng chưa chắc đã lớn hơn./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Readfearn, G. (2023). Emperor penguins: thousands of chicks in Antarctica die due to record-low sea ice levels. https://www.theguardian.com/world/2023/aug/25/emperor-penguins-thousands-of-chicks-in-antarctica-likely-died-due-to-record-low-sea-ice-levels

[2] Fretwell, P.T., Boutet, A., & Ratcliffe, N. (2023). Record low 2022 Antarctic sea ice led to catastrophic breeding failure of emperor penguins. Communications Earth & Environment, 4, 273. https://www.nature.com/articles/s43247-023-00927-x

[3] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[4] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

Vương Quân Hoàng

Nguyễn Minh Hoàng

(Trường Đại học Phenikaa)