Từ khóa: chi ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường, chính sách chi

Summary

State budget expenditure on environmental protection plays a particularly important role in socio-economic development and implementing the industrialization and modernization process attached to the international integration of Vietnam. This article analyzes the current situation of state budget expenditure on environmental protection, thereby proposing solutions to improve budget spending policies on environmental protection in the coming time.

Keywords: state budget spending, environmental protection, spending policy

CHÍNH SÁCH CHI NSNN CHO BVMT TẠI VIỆT NAM

Quan điểm của Đảng, Nhà nước về chi NSNN cho BVMT

Xác định BVMT có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với hội nhập quốc tế. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến BVMT, điều đó được thể hiện tại các chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cụ thể ngay từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với 3 mục tiêu cụ thể: (i) Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; (ii) Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường; (iii) Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT; mọi người đều có ý thức BVMT, sống thân thiện với thiên nhiên. Để thực hiện được các mục tiêu cơ bản đó, một trong những giải pháp đề ra là: “Đối với NSNN cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm đến năm 2006 đạt mức chi không dưới 1% tổng chi NSNN và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”[1].

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg, ngày 22/02/2005 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQTW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã cụ thể hóa nguồn lực chi cho sự nghiệp BVMT trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn phải thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác của đất nước.

Tiếp theo, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra các mục tiêu về BVMT đến năm 2020: “Về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái”[2].

Cũng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, một trong những giải pháp đặt ra là: “…Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT. Phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực”[3].

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã quy định chi cho sự nghiệp BVMT đều thuộc khoản chi thường xuyên ở cả ngân sách địa phương và trung ương. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định: “…Bố trí khoản chi riêng cho BVMT trong NSNN với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của NSNN và yêu cầu nhiệm vụ BVMT; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về BVMT”.

Cụ thể hơn, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể về chi ngân sách cho BVMT gồm: (1) Các khoản chi thường xuyên cho BVMT, gồm: (i) Chi sự nghiệp BVMT: Điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường (không bao gồm dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công); (ii) Chi các hoạt động kinh tế; (iii) Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo liên quan đến môi trường; (iv) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ; (vi) Chi quản lý hành chính. (2) Chi đầu tư phát triển BVMT gồm các khoản chi theo dự án đầu tư, đối ứng các dự án viện trợ thuộc nguồn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về NSNN.

THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH CHI NSNN CHO BVMT TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Với chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về BVMT và việc cụ thể hóa qua các văn bản pháp luật như trên, chi NSNN cho BVMT đã được chú trọng, là một trong những hoạt động ưu tiêu trong xây dựng dự toán NSNN của nước ta.

Hình 1 cho thấy, chi NSNN cho BVMT giai đoạn 2012-2022, để phân tích chi tiết hơn, có thể chia thành các giai đoạn: 2012-2015, 2016-2019, 2020-2022. Theo đó: Giai đoạn 2012-2015, tổng chi NSNN dành cho môi trường bình quân ở mức 10.018 tỷ đồng (trong đó, năm 2012 là: 9.000 tỷ đồng; 2013 là 9.772 tỷ đồng; năm 2014 là: 9.900 tỷ đồng; năm 2015 là 11.400 tỷ đồng). Mặc dù ở giai đoạn này, số chi NSNN cho BVMT còn khiêm tốn, nhưng số chi năm sau cao hơn năm trước (năm 2013 tăng so với năm 2012 là 8,58%; năm 2014 tăng so với năm 2013 là: 1,31%; năm 2015 tăng 15,15% so với năm 2014), cho thấy chính sách chi ngân sách cho BVMT đã từng bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về BVMT.

Hình 1: Chi NSNN cho bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

Giải pháp hoàn thiện chính sách chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Nguồn: Bộ Tài chính và tính toán của tác giả

Giai đoạn 2016-2019, chi ngân sách cho môi trường giai đoạn này tiếp tục được đảm bảo, bố trí để thực hiện các nhiệm vụ BVMT với số tuyệt đối tăng dần, cụ thể năm 2016 là 12.290 tỷ đồng (tăng so với năm 2015 là 7,81%), năm 2017 số chi ngân sách cho môi trường là 13.880 tỷ đồng (tăng so với năm 2016 là 12,94%), tiếp theo năm 2018 tăng so với năm 2017 là 8,79% (tăng số tuyệt đối là 1.220 tỷ đồng), năm 2019 chi NSNN cho môi trường là 25.600 tỷ đồng (tăng so với năm 2018 là 25,23%).

Giai đoạn 2020-2022, chi NSNN dành cho môi trường chiếm bình quân 23.147,33 tỷ đồng (trong đó, chi ngân sách dành cho môi trường năm 2020 là 21.200 tỷ đồng; năm 2021 là 23.307 tỷ đồng; năm 2022 là 25.935 tỷ đồng). Với việc chi NSNN cho BVMT của giai đoạn 2020-2022 cho thấy, mặc dù NSNN có hạn, lại do tác động tiêu cực của dich Covid-19, NSNN phải thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, phòng chống dịch, tuy nhiên nguồn chi ngân sách cho BVMT vẫn ở mức cao. So sánh tương quan chi ngân sách cho môi trường trong tổng chi NSNN giai đoạn 2012-2022 cũng cho thấy, tỷ lệ này có xu hướng tăng đều qua các năm.

Hình 2: Tỷ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường trên tổng chi NSNN

Đơn vị: %

Giải pháp hoàn thiện chính sách chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Nguồn: Bộ Tài chính và tính toán của tác giả

Hình 2 cho thấy, tỷ lệ chi ngân sách cho BVMT/tổng chi NSNN, giai đoạn 2012-2015 còn ở mức thấp, tuy nhiên giai đoạn 2016-2019 đã tăng hơn, giai đoạn 2020-2022 do tác động từ đại dịch Covid-19, nên có những biến động nhất định, cụ thể:

– Ở giai đoạn 2012-2015, khi mới thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 05/9/2012, tỷ lệ chi ngân sách dành cho môi trường so với tổng thu ngân sách còn khiêm tốn, cụ thể năm 2012 tỷ lệ này là 0,92%; năm 2013 là 0,99%; năm 2014 là 0,91%; năm 2015 là 0,99% (tăng so với năm 2014 là 0,08%).

– Giai đoạn 2016-2019, chi ngân sách cho môi trường trên tổng chi NSNN giai đoạn này bình quân đạt 1,06%>1% theo, cụ thể năm 2016 đạt 0,93%, năm 2017 đạt mức 1%, năm 2018 đạt mức 0,93%, năm 2019 tăng so với năm 2018 là 0,41% (đạt mức 1,34%). Như vậy, ở giai đoạn 2016-2019, NSNN vẫn tiếp tục đảm bảo bố trí 1% tổng chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ chi NSNN.

– Tiếp theo ở giai đoạn 2020-2022, chi ngân sách cho môi trường năm 2020 đạt 1,47% so với tổng chi NSNN (tăng so với năm 2019 là 0,13%), năm 2021 tỷ lệ này đạt 1,25%, năm 2022 đạt mức 1,43% (tăng so với năm 2021 là 0,18%).

Khi so sánh tương quan so với GDP, tỷ lệ chi ngân sách dành cho môi trường/GDP cũng từng bước được tăng lên trong giai đoạn 2012-2022.

Hình 3: Tỷ lệ chi ngân sách dành cho môi trường/GDP giai đoạn 2012-2022

Đơn vị: %

Giải pháp hoàn thiện chính sách chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Hình 3 cho thấy, giai đoạn 2012-2015 bình quân ở mức 0,48% (trong đó, năm 2012 là 0,43%; năm 2013 là 0,43%; năm 2014 đạt mức 0,42%; năm 2015 là 0,64%). Giai đoạn 2016-2019 tỷ lệ này đạt bình quân là 0,94% (tăng so với bình quân giai đoạn 2012-2015 gấp 1,95 lần) cho thấy, mức độ chi ngân sách dành cho môi trường đã ngày càng được chú trọng. Giai đoạn 2020-2022, do bối cảnh tác động của dịch Covid-19, NSNN còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách nhằm phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, xã hội, tỷ lệ ngân sách dành cho BVMT so với GDP đã giảm xuống mức bình quân là 0,84% (giảm 0,1% so với giai đoạn 2016-2019). Như vậy, bình quân giai đoạn 2012-2022 tỷ lệ chi ngân sách dành cho môi trường so với GDP là 0,75%. Với tỷ lệ này, so sánh tương quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức đầu tư cho công tác BVMT ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, cụ thể các nước ASEAN đầu tư trung bình BVMT hàng năm là 1% GDP, ở các nước phát triển là 3%-4% GDP. Chính vì vậy, việc tăng chi ngân sách dành cho BVMT trong giai đoạn tới của Việt Nam cần cân nhắc.

So sánh tương quan giữa thuế BVMT thu được và chi ngân sách dành cho BVMT, cho thấy:

– Giai đoạn 2012-2015, năm 2012 thu ngân sách từ thuế BVMT là 11.160 tỷ đồng, chi ngân sách cho BVMT là 9.000 tỷ đồng (chiếm 81% tổng thu thuế từ môi trường); năm 2013 tỷ lệ giữa chi ngân sách dành cho môi trường và thu thuế BVMT là 85%; năm 2014 tỷ lệ này là 83%; sang năm 2015 cả số thu tuyệt đối và chi tuyệt đối đều tăng lên, tuy nhiên tỷ lệ chi ngân sách cho môi trường và thu ngân sách lại giảm còn 42%.

– Giai đoạn 2016-2019, mặc dù số thu tuyệt đối tăng cao, nhưng chi cho ngân sách dành cho môi trường chưa tương xứng, theo đó tỷ lệ chi ngân sách cho BVMT so với thu ngân sách từ thuế BVMT bình quân ở mức 31%; trong đó, năm 2016 đạt mức 28%; năm 2017 đạt 31%; năm 2018 tỷ lệ này là 31%; năm 2019 là 33%.

– Giai đoạn 2020-2022, chi ngân sách dành cho môi trường đã tăng lên so với giai đoạn 2016-2019, dẫn đến tỷ lệ chi ngân sách cho BVMT so với thu ngân sách từ thuế BVMT lên mức bình quân 44% (tăng so với mức bình quân so với giai đoạn 2016-2019 là 11%), trong đó năm 2020, tỷ lệ này là 43%, năm 2021 là 37%, năm 2022 là 52%.

Về bản chất nguồn thu từ thuế BVMT không mang tính bù đắp, được đưa toàn bộ vào NSNN và chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, không phân biệt mục đích sử dụng. Như vậy, cả giai đoạn 2012-2022 việc thu thuế BVMT nhằm động viên sự đóng góp hợp lý của xã hội vào NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của đất nước, từ đó giúp Nhà nước có nguồn lực để giải quyết quản lý và BVMT bền vững hơn. Tuy nhiên, với số liệu tương quan giữa thu và chi cho BVMT như trên, cũng cho thấy số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2022 tăng khá nhanh, tuy nhiên chi cho BVMT còn thấp, điều này ảnh hưởng đến việc bố trí nguồn thu để cải tạo môi trường (Hiện các quốc gia phát triển, như: Phần Lan, Thụy Điển, Pháp và Anh chi cho BVMT ở mức bình quân khoảng 3%-4% GDP).

Một số hạn chế

Thứ nhất, với phân tích thực trạng như trên, cho thấy nguồn ngân sách chi cho BVMT và vốn đầu tư theo các chương trình, dự án đầu tư liên quan đến BVMT chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn, chưa đủ kinh phí để hỗ trợ các địa phương, nhất là đối với yêu cầu triển khai các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật, hoặc khu vực có ô nhiễm nghiêm trọng.

Thứ hai, với nguồn chi chủ yếu từ NSNN cho BVMT, cho thấy việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, và xã hội hóa hoạt động BVMT chưa có hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu BVMT trong điều kiện phát triển của đất nước.

Thứ ba, với tỷ lệ chi hiện nay trên tổng chi NSNN như đã phân tích ở thực trạng, mặc dù đã đạt bình quân trên 1% tổng chi NSNN, nhưng vẫn còn có địa phương, bộ, ngành chưa bố trí đúng, đủ với các nội dung chi, chưa tập trung vào vấn đề BVMT đúng trọng tâm, trọng điểm, thậm chí chưa sử dụng đúng mục đích cho các mục chi tiêu liên quan đến BVMT.

Thứ tư, trong chi tổng chi NSNN, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản cho hoạt động BVMT hiện chưa được tách riêng thành một mục chi riêng như chi sự nghiệp môi trường, vì vậy, nguồn kinh phí bố trí từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản về môi trường hiện còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn, việc đầu tư còn manh mún, chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.

Thứ năm, so với tương quan thu NSNN từ BVMT đã trình bày ở thực trạng, tỷ lệ đầu tư trở lại cho hoạt động BVMT còn thấp, cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác còn nhỏ lẻ và mức động viên thấp.

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH CHI NSNN CHO BVMT TẠI VIỆT NAM

(1) Từng bước tăng chi ngân sách phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cho BVMT

– Xem xét tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ NSNN liên quan đến BVMT, phấn đấu đạt được mức 2% so với tổng chi NSNN, đồng thời bảo đảm mức và cơ cấu đầu tư cho BVMT một cách hợp lý trong đầu tư phát triển. Bảo đảm tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, ưu tiên cho tăng cường năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách.

– Tiếp tục rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện quy định về việc sử dụng chi cho BVMT theo hướng: Khắc phục tình trạng sử dụng việc sử dụng kinh phí còn phân tán, dàn trải, tập trung nhiều vào quản lý chất thải, mà cần tập trung nhiều vào các nhiệm vụ trọng tâm, các điểm nóng; hỗ trợ các nhiệm vụ BVMT mang tính chất tạo đà, mở đường để thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội. Tăng cường vai trò chủ động và phối hợp của cơ quan quản lý môi trường trong việc lập dự toán, phân bổ và thanh quyết toán ngân sách. Đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, bảo đảm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được sử dụng gắn với trách nhiệm BVMT.

– Hoàn thiện, điều chỉnh quy trình quản lý tài chính liên quan đến BVMT, theo hướng nâng cao vai trò của Bộ/Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó Bộ/sở không chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường một cách hành chính thụ động, mà phải tích cực và chủ động trong khâu phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT. Theo đó, cơ quan quản lý môi trường phải chủ động trong việc tham mưu, lên phương án nhằm phân bổ nguồn kinh phí một cách phủ hợp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ/Sở Tài chính để xem xét, điều chỉnh, thống nhất sau đó báo cáo Chính phủ/UBND địa phương (tỉnh/thành phố) trình Quốc hội/HĐND xem xét, phê duyệt.

– Tiếp tục nghiên cứu để đầu tư, xây dựng triển khai một số dự án, hoặc chương trình trọng điểm mang tính chiến lược cho BVMT của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời phù hợp với chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(2) Nâng cao hiệu quả chi NSNN dành cho BVMT

Song song với việc tăng chi ngân sách dành cho môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, cần tiếp tục sử dụng nguồn chi NSNN có hiệu quả, giải pháp đặt ra trong thời gian sắp tới là:

Hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi NSNN cho BVMT đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn ở từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương và trên phạm vi cả nước.

– Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ chi NSNN cho BVMT. Đặc biệt, cơ quan cấp trên cần bám sát chặt với thực tiễn, với cơ sở, để có thể nắm bắt yêu cầu thực tiễn nhằm phân cấp, phân quyền hợp lý trong phân bổ, sử dụng nguồn vốn NSNN ở các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra sự chủ động, trong thực hiện nhiệm vụ chi NSNN dành cho BVMT.

Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tiếp tục rà soát, và điều chỉnh định mức, tính toán đơn giá cho sát với thực tiễn hiện nay, đảm bảo không bị lỗi thời. Tiếp tục bố trí chi đầu tư phát triển cho các dự án theo thứ tự ưu tiên, hợp lý đối với các dự án, đề án BVMT.

– Cần có quy định cụ thể nhằm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đưa nội dung về đánh giá hiệu quả chi NSNN liên quan đến môi trường có báo cáo tổng kết, đánh giá định kỳ để có giải pháp nhằm hoàn thiện.

(3) Mở rộng cơ chế “đặt cọc – hoàn trả”

Theo Luật Khoáng sản năm 2010 thì: “Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường” và “Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường”.

Quy định này được quy định đối với hoạt động khai thác khoáng sản, khi đó phải đóng một khoản quỹ nhất định, sau khi đóng cửa mỏ, cá nhân, tổ chức thực hiện khai thác khoảng sản sẽ được nhận lại tiền ký quỹ khi đã thực hiện đúng theo đề án phục hồi, cải tạo môi trường được phê duyệt. Như vậy, việc đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế này, sẽ góp phần bảo đảm nguồn chi cho cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm ràng buộc trách nhiệm BVMT của nhà sản xuất, và hiện mới chỉ áp dụng đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Xét về hiệu quả của chính sách này, nên có nghiên cứu tổng thể để có chính sách phù hợp, mở rộng áp dụng cơ chế này đối với linh vực sản xuất công nghiệp khác. Vì trong thực tế hiện nay, mặc dù quy định về BVMT đã yêu cầu bắt buộc các dự án sản xuất công nghiệp phải đảm bảo việc xả thải theo tiêu chuẩn về môi trường. Tuy nhiên, việc vi phạm về môi trường vẫn xảy ra, và chưa có cơ chế phát hiện, kiểm soát kịp thời.

Chính vì vậy, nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, đồng thời đảm bảo nguồn tài chính nhằm chi cho các hoạt động khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường một cách kịp thời, cần phải thực hiện “đặt cọc – hoàn trả” đối với những dự án nằm trong danh mục các hoạt động có nguy cơ cao gây ra ô nhiễm môi trường. Điều đó giúp bảo đảm sự cần bằng giữa tăng trưởng nhanh với tăng trưởng bền vững, không quá nghiêng về mục tiêu tăng trưởng nhanh./.

Mai Đình Lâm – Học viện Hành chính Quốc gia

Mai Thị Kim Oanh – Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01 – tháng 01/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Arellano, M., and Bond, S. (1991), Some tests of specification for panel data: Monte Carlo evidence and an application to employment equations, The Review of Economic Studies, 58(2), 277–297.

2. Arellano, M., and Bover, O. (1995), Another look at the instrumental variables estimation of error component models, Journal of Econometrics, 68(1), 29-52.

3. Bộ Tài chính (2012-2022), Báo cáo chi NSNN hàng năm, từ năm 2012 đến 2022.

4. De Bruyn, S. M., Van Den Bergh, J. C. J. M., and Opschoor, J. B. (1998), Economic growth and emissions: Reconsidering the empirical basis of environmental Kuznets curves, Ecological Economics, 25(2), 161-175.

5. Mai Chi (2022), Đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, truy cập từ https://monre.gov.vn/Pages/da-dang-hoa-nguon-luc-tai-chinh-cho-bao-ve-moi-truong.aspx.

6. Tổng cục Thống kê (2013-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2012 đến năm 2022, Nxb Thống kê.


[1] Mục III.5, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[2] Mục 2.a, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra các mục tiêu về BVMT đến năm 2020

[3] Mục IV.4, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra các mục tiêu về BVMT đến năm 2020