Tóm tắt

Marketing địa phương là sự phát triển và ứng dụng khoa học marketing trong một lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Marketing địa phương đa dạng và phức tạp hơn so với marketing sản phẩm không chỉ bởi đối tượng khách hàng, mà ở chính các chủ thể và công cụ marketing. Ở đây, chính quyền địa phương vừa là một chủ thể quan trọng nhất, vừa là một công cụ chủ yếu trong marketing hỗn hợp địa phương. Ninh Bình là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Danh tiếng của điểm đến này đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế nổi tiếng. Để gìn giữ, phát triển và khuếch trương những giá trị truyền thống, uy tín thương hiệu của điểm đến này, UBND tỉnh Ninh Bình cần thực hiện chức năng marketing địa phương một cách chủ động, khoa học và phù hợp với điều kiện riêng có.

Từ khóa: chính quyền, marketing địa phương, phát triển du lịch

Summary

Local marketing is the development and application of marketing theory in a relatively new field in Vietnam. Local marketing is more diverse and complex than product marketing, not only by the target audience, but by the marketing objects and tools themselves. Local government is both a most important actor and a key tool in the mix local marketing. Ninh Binh is a famous tourist destination in Vietnam. The reputation of this destination has gone beyond national borders to become a popular international tourist destination. In order to preserve, develop and promote the traditional values and brand reputation of this destination, the People’s Committee of Ninh Binh province needs to perform the local marketing in an active, scientific and appropriate manner.

Keywords: government, local marketing, tourism development

THỰC TRẠNG VỀ VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN TRONG MARKETING ĐỊA PHƯƠNG

Trong những năm qua, du lịch dần trở thành ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình. Giai đoạn 2015-2020, tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 8,03%/ năm, trong đó các ngành dịch vụ, du lịch tăng bình quân 6,92%/năm. Tính đến hết năm 2020, toàn Tỉnh có 689 cơ sở lưu trú với 8.508 phòng nghỉ, trong đó có 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-4 sao. Cùng với sự gia tăng về số lượng khách, tổng thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình những năm gần đây có mức tăng khá cao. Nếu năm 2010 mức thu đạt 551.427 triệu đồng, thì đến năm 2014 là 942.779 triệu đồng, tăng 41,5% (Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, 2021).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: Chưa có những bước phát triển đột phá; Chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch; Chưa định vị được thị trường khách du lịch tiềm năng mang tính chất thuyết phục, đặc biệt là định vị thị trường khách quốc tế… Nguyên nhân chính một phần xuất phát từ trình độ, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức của các đơn vị mặc dù đã đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Một bộ phận công chức, viên chức còn bằng lòng với những thành tích đã đạt được, nên thiếu tính sáng tạo, đổi mới trong công việc. Một bộ phận khác chưa thực sự chú tâm vào nhiệm vụ được giao, còn có cung cách làm việc theo kiểu cho xong, mà chưa quan tâm đến hiệu quả và chất lượng công việc.

Để đánh giá đầy đủ hơn về vai trò của chính quyền trong marketing địa phương, có thể sử dụng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Theo đánh giá PCI, yếu tố “Chính quyền” trong marketing hỗn hợp địa phương bao gồm 5/10 chỉ số gồm:

(1) Tính minh bạch: Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai.

(2) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đo lường tính sáng tạo, sự sáng suốt của tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương, cũng như trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

(3) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số này dùng để đo lường các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân, như: xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu/cụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.

(4) Đào tạo lao động.

(5) Thiết chế pháp lý phản ánh lòng tin của doanh nghiệp dân doanh đối với các thiết chế pháp lý của địa phương, việc doanh nghiệp có xem các thiết chế tại địa phương như là một công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương hay không.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt hay thực hiện tốt vai trò của chính quyền trong marketing hỗn hợp khi có: Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

BẢNG 1: YẾU TỐ CHÍNH QUYỀN THEO PCI CỦA NINH BÌNH

Chỉ số

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Tính minh bạch

6,09

5,26

6,39

5,83

4,60

Tính năng động

6,36

5,55

6,25

6,10

5,54

Hỗ trợ doanh nghiệp

4,94

6,31

5,63

4,76

4,98

Đào tạo lao động

7,38

7,91

7,29

7,37

6,93

Thiết chế pháp lý

6,13

5,93

7,18

7,14

7,54

PCI

6,86

63,55

64,58

61,98

60,53

Nguồn: Báo cáo PCI 2017-2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

BẢNG 2: SO SÁNH YẾU TỐ “CHÍNH QUYỀN” THEO PCI NĂM 2021 GIỮA NINH BÌNH VÀ MỘT SỐ TỈNH PHÍA BẮC

Chỉ số thành phần

Ninh Bình

Quảng Ninh

Quảng Bình

Tính minh bạch

4,60

6,31

6,79

Tính năng động

6,36

7,74

6,75

Hỗ trợ doanh nghiệp

4,94

7,39

6,31

Đào tạo lao động

7,38

7,27

5,78

Thiết chế pháp lý

6,13

7,91

5,92

Điểm số PCI

61,86

73,02

61,17

Xếp hạng PCI/63

58 (thấp)

1 (rất tốt)

57 (thấp)

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ so sánh PCI năm 2021

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, trong năm 2021, “Thiết chế pháp lý” của Ninh Bình đạt điểm số cao nhất và có xu hướng được cải thiện rõ rệt. Ngược lại, “Tính minh bạch” và “Hỗ trợ doanh nghiệp” lần lượt có điểm số thấp nhất và dao động ở mức đáng lo ngại.

Số liệu ở Bảng 2 cho thấy, xếp hạng PCI của Ninh Bình bị đánh giá là thấp và xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố. Chỉ có yếu tố “Đào tạo lao động” là cao hơn 2 tỉnh so sánh (2 tỉnh có danh lam thắng cảnh du lịch được công nhận là di sản thế giới). Đáng lo ngại là yếu tố “Tính minh bạch” và “Hỗ trợ doanh nghiệp” của tỉnh Ninh Bình ở mức rất thấp so với Quảng Ninh và Quảng Bình.

Những phân tích trên cho thấy, chính quyền tỉnh Ninh Bình chưa thực hiện tốt vai trò tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của Tỉnh.

GIẢI PHÁP VỀ NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN TRONG MARKETING ĐỊA PHƯƠNG

Để nâng cao vai trò của chính quyền trong marketing địa phương đối với sự phát triển bền vững du lịch tỉnh Ninh Bình, cần triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, thực hiện xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển du lịch

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm năm 2045.

Cùng với đó là xây dựng các chính sách, cơ chế phát triển du lịch, như: đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới; chính sách ưu đãi doanh nghiệp du lịch khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số du lịch, dịch vụ du lịch sử dung công nghệ “không chạm”, trí tuệ nhân tạo; chính sách thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế, đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh phối hợp công – tư, xã hội hóa để tăng cường thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch; chính sách hỗ trợ kết nối ngành, liên vùng, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển du lịch tại các khu vực có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng; chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển du lịch đêm, công nghiệp văn hóa.

Cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng gắn với du lịch; khuyến khích hợp tác công – tư trong đầu tư và vận hành sân bay, đường cao tốc, bến cảng du lịch, các công viên chủ đề, công trình văn hóa tầm cỡ nhằm hình thành các vùng động lực phát triển du lịch. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của Tỉnh, xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn, đảm bảo triển khai có hiệu quả các hoạt động du lịch được hỗ trợ tài chính.

Rà soát, triển khai các nhiệm vụ trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch và có liên quan đến du lịch, để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ hai, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động ngành du lịch

Cần kéo dài thời gian hỗ trợ giảm giá tiền điện, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; giảm giá vé tham quan tại các điểm du lịch. Hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.

Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh, cần hỗ trợ xây dựng nền tảng dữ liệu, hạ tầng dữ liệu phục vụ du lịch.

Thứ ba, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong phát triển du lịch

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng cơ chế hợp tác công – tư nhằm tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và dự báo các nguy cơ rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh nhằm hỗ trợ việc quy hoạch và phát triển du lịch.

Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch của Tỉnh. Thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hóa tài nguyên du lịch của Tỉnh. Hình thành hệ thống thông tin số về khu và điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và hoàn thiện công tác thống kê du lịch.

Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch

Phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh, như: du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao…

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của Tỉnh; phát triển các sản phẩm dịch vụ về đêm; phát triển các loại hình du lịch thể thao có tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch đảm bảo an toàn đối với bệnh dịch, thiên tai, phù hợp với điều kiện của địa phương. Nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động du lịch.

Thứ năm, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch

Tập trung nguồn lực đầu tư hình thành các khu du lịch quốc gia Tràng An và Kênh Gà – Vân Trình. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch trọng điểm của Tỉnh.

Phát triển các chương trình du lịch đô thị kết nối bảo tàng, thư viện, quảng trường, nhà hát và các di tích, danh thắng cấp quốc gia trong Tỉnh.

Tăng cường hợp tác công – tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp; dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn; các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các địa bàn trọng điểm. Hàng năm, dành tỷ lệ thích đáng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng, kỹ thuật du lịch.

Quan tâm đầu tư hạ tầng cấp điện; cấp thoát nước; các công trình thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường để phục vụ phát triển du lịch; phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin.

Thứ sáu, bảo tồn và phát triển môi trường du lịch bền vững

Xây dựng các chương trình, quy chế bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, các điểm du lịch, trong đó có các quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan. Coi bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển hài hòa du lịch như là một tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả du lịch.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng môi trường, cảnh quan du lịch, văn hóa, kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo phục hồi hiệu quả nguyên trạng tốt nhất.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn môi trường du lịch, giá trị văn hóa và các lợi ích đem lại với khách du lịch, cũng như người dân trên địa bàn du lịch.

Xây dựng các kịch bản ứng phó với sự cố môi trường tại các khu, điểm du lịch; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường trong du lịch phù hợp với tình hình phát triển từng thời kỳ.

Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững

Tổ chức điều tra, đánh giá dự báo nguồn nhân lực phát triển du lịch của Tỉnh, trong đó chú trọng điều tra, đánh giá và dự báo nhu cầu đối với nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, nhân lực quản trị doanh nghiệp du lịch và lao động trong các doanh nghiệp du lịch. Có chính sách quan tâm giữ lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp; bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt lớn và chất lượng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao các kỹ năng về kỹ thuật số du lịch, ứng dụng công nghệ cho nguồn nhân lực du lịch thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, phát triển năng lực.

Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo về du lịch cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, từ các thành phần kinh tế nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi chuyên gia, nhân lực giữa các tỉnh, thành phố và khu vực./.

ĐỖ THỊ MINH NGỌC – Trường Đại học Hoa Lư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 – Tháng 3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình (2017-2021), Niên giám Thống kê các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.

2. Hall, C.M. (2000), Tourism Planning: Policies, Processes and Relationships, Harlow, UK: Prentice Hall.

3. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2018-2022), Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm 2017-2021, truy cập từ https://pcivietnam.vn/

4. Kotler, Haider, Rein (2010), Marketing Places, Free Press.

5. Tỉnh ủy Ninh Bình (2021), Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

6. UBND tỉnh Ninh Bình (2018), Quyết định số 1124/QĐ-UBND, ngày 30/8/2018 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát tiển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. UBND tỉnh Ninh Bình (2021), Quyết định số 1339/QĐ-UBND, ngày 30/11/2021 ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

8. Vũ Trí Dũng và Nguyễn Đức Hải (2011), Marketing lãnh thổ, Nxb Trường Đại học Kinh tế quốc dân.