Từ khóa: sản xuất rau, rau xuất khẩu, phát triển sản xuất rau xuất khẩu, Hải Dương

Summary

Hai Duong is a locality with a large vegetable production area in the Red River Delta region. Although, in recent years, vegetable production for export of Hai Duong has achieved certain results, but there are still some shortcomings and limitations, such as: export vegetable production still accounts for a very low proportion of total vegetable production; The proportion of areas granted planting area codes is still quite low; New export markets are mainly developing markets, such as China, Taiwan, Middle East countries, Malaysia… The article analyzes the current situation and proposes solutions to promote the development of export vegetable production of Hai Duong province in the coming time.

Keywords: vegetable production, export vegetables, development of export vegetable production, Hai Duong

GIỚI THIỆU

Trong những năm qua, Hải Dương đã chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Ngoài ra, Tỉnh cũng tập trung phát triển các sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các loại cây rau màu thế mạnh của huyện, như: cà rốt, bắp cải, hành tỏi… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất rau tập trung quy mô lớn, sản xuất rau xuất khẩu của Tỉnh vẫn bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi của địa phương. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay đối với tỉnh Hải Dương là cần thực hiện tốt các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất rau xuất khẩu để ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT RAU VÀ XUẤT KHẨU RAU CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG

Hải Dương là tỉnh có truyền thống sản xuất rau nói chung và rau vụ đông nói riêng đứng đầu các tỉnh phía Bắc. Giai đoạn 2017-2022, diện tích sản xuất rau của Tỉnh có xu hướng giảm nhẹ (giảm khoảng 250 ha), nhưng nhờ nâng cao năng suất, nên bình quân sản lượng rau đã tăng bình quân khoảng 4%/năm trong giai đoạn này (năm 2022 sản lượng rau cao hơn 150 nghìn tấn so với năm 2017) (Bảng 1). Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng các loại rau của toàn Tỉnh khoảng gần 30,9 nghìn ha, sản lượng rau đạt gần 850 nghìn tấn, chiếm khoảng 2,6% tổng diện tích sản xuất và 4,7% về sản lượng rau cả nước. Sản xuất rau tại Hải Dương có nhiều thuận lợi, như: người nông dân có tập quán canh tác, có trình độ kỹ thuật cao trong sản xuất cây rau, đặc biệt là các loại rau có hiệu quả cao, như: cà rốt, cải bắp, súp lơ, hành tỏi… Trong quá trình phát triển sản xuất, Hải Dương đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao hướng tới xuất khẩu. Cùng với đó là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư mạnh mẽ; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất.

Bảng 1: Diện tích, năng suất, sản lượng sản xuất rau của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2022

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Tốc độ phát triển bình quân (%)

Diện tích

ha

31.146

31.454

30.666

30.437

30.542

30.897

99,84

Năng suất

Tấn/ha

22,37

22,94

23,09

24,57

26,36

27,51

104,22

Sản lượng

Tấn

696.768

721.605

708.160

747.914

805.209

849.832

104,05

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương

Nhận thấy, việc phát triển sản xuất rau với quy mô lớn, tập trung, thì việc tiêu thụ sản phẩm cần được quan tâm và tìm hướng tiêu thụ, do vậy, ngay từ năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, nhằm tạo được mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông sản theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất rau cho người dân và doanh nghiệp tại Hải Dương. Trong đó, tập trung vào các loại rau chủ lực, như: cà rốt ở Cẩm Giàng, Nam Sách; bắp cải ở huyện Gia Lộc; thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ, Thanh Miện; xu hào ở huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành; hành củ ở huyện Kinh Môn, Nam Sách (Bảng 2).

Bảng 2. Tình hình triển khai thực hiện phát triển sản xuất rau xuất khẩu của tỉnh Hải Dương

giai đoạn 2017-2022

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2017

2018

2019

2020

2021

2022

1. Tổng diện tích sản xuất rau

ha

31146

31454

30666

30437

30542

30897

– Diện tích sản xuất rau tỉnh triển khai để xuất khẩu

ha

250

300

350

440

580

670

– Diện tích sản xuất rau truyền thống

ha

30896

31154

30316

29997

29962

30227

2. Tỷ lệ sản xuất rau mà tỉnh triển khai thực hiện sản xuất

– Diện tích sản xuất rau tỉnh triển khai để xuất khẩu

%

0,80

0,95

1,14

1,45

1,90

2,17

– Diện tích sản xuất rau truyền thống

%

99,20

99,05

98,86

98,55

98,10

97,83

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã lựa chọn hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ hợp tác, trang trại chủ yếu tại huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng và Nam Sách để triển khai kế hoạch sản xuất rau xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh (Năm 2021 chọn 26 và năm 2022 chọn 37 hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ hợp tác, trang trại). Ngoài ra, đã tổ chức được 1 cuộc hội nghị kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu rau; 15 cuộc tập huấn cho khoảng 500 lượt cán bộ cơ sở, nông dân, đại lý cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón để khuyến khích và hỗ trợ người dân sản xuất rau xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh.

Trong quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp của Tỉnh cũng lấy mẫu để đánh giá, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm của các mẫu rau ở vùng xuất khẩu để đảm bảo 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đều dưới ngưỡng cho phép, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Để giám sát tốt chất lượng rau xuất khẩu, bên cạnh hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân, ngành nông nghiệp Hải Dương cũng tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống để hỗ trợ người dân sản xuất tại các vùng sản xuất rau tập trung của Tỉnh. Đầu năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu cho 20 vùng trồng rau của Tỉnh với tổng diện tích 163 ha, trong đó có 13 mã số cho vùng trồng cà rốt với tổng diện tích 128 ha và 7 mã số vùng trồng cải bắp với diện tích 35 ha [1]. Cùng với đó, là gần 100 ha sản xuất rau gia vị đã được cấp mã số xuất khẩu châu Âu, Hải Dương là tỉnh đầu tiên được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm rau, củ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bảng 3: Kết quả xuất khẩu một số loại rau chủ lực của tỉnh Hải Dương

giai đoạn 2017-2022

Chỉ tiêu

ĐVT

2017

2018

2019

2020

2021

2022

1. Tổng sản lượng rau

tấn

696.768

721.605

708.160

747.914

805.209

849.832

2. Sản lượng một số loại rau xuất khẩu chính

– Bắp cải

tấn

84.805

92.884

91.712

96.269

109.066

118.736

– Cà rốt

tấn

50.260

56.966

58.290

60.821

67.230

73.872

– Xu hào

tấn

41.869

46.658

48.742

57.012

62.318

68.189

– Hành củ

tấn

70.766

71.044

73.945

90.855

101.484

109.323

3. Sản lượng một số loại rau chính xuất khẩu

– Bắp cải xuất khẩu

tấn

3.600

4.120

5.630

7.850

8.770

12.614

– Cà rốt xuất khẩu

tấn

30.763

35.974

37.873

39.871

44.653

50.653

– Xu hào xuất khẩu

tấn

1.450

2.780

3.500

4.450

5.850

8.760

– Hành củ xuất khẩu

tấn

8.670

9.320

9.870

11.430

13.650

17.640

4. Tỷ lệ so với sản lượng sản xuất rau

– Bắp cải

%

4,25

4,44

6,14

8,15

8,04

10,62

– Cả rốt

%

61,21

63,15

64,97

65,55

66,42

68,57

– Xu hào

%

3,46

5,96

7,18

7,81

9,39

12,85

– Hành củ

%

12,25

13,12

13,35

12,58

13,45

16,14

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương

Mặc dù, tỷ lệ diện tích sản xuất rau xuất khẩu theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương là khá thấp, tuy nhiên, người nông dân của tỉnh vẫn đang sản xuất theo các quy trình kỹ thuật nhất định đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển, như: Trung Quốc, Đài Loan, Maylaisia, các nước Trung Đông…, nên sản lượng rau của Hải Dương xuất khẩu trong giai đoạn 2017-2022 đã phát triển khá nhanh. Trong đó, các sản phẩm rau chủ lực, như: cà rốt, bắp cải, xu hào, hành củ có sản lượng xuất khẩu khá lớn. Trong đó, cây cà rốt có sản lượng xuất khẩu đạt hơn 68% sản lượng sản xuất ra; tiếp đến là hành củ với hơn 16% sản lượng sản xuất xuất; cây bắp cải và xu hào có sản lượng xuất khẩu đạt hơn 10 và gần 13% sản lượng sản xuất ra (năm 2022).

Bên cạnh những thành tựu kết quả đạt được trong quá trình phát triển sản xuất và xuất khẩu rau của tỉnh Hải Dương còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập như:

Thứ nhất, tỷ lệ sản lượng rau xuất khẩu tuy có tăng lên qua từng năm, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất ít so với sản lượng rau sản xuất ra. Điều này đôi lúc gây ra hiện tượng thừa cung, gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ sản phẩm và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nông dân.

Thứ hai, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch các vùng sản xuất rau tập trung quy mô lớn để tạo điều kiện xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho cây rau, triển khai và hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các vùng sản xuất tập trung còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, diện tích trồng rau được cấp mã số vùng trồng còn rất ít so với tổng diện tích trồng rau toàn Tỉnh, nên chưa thực sự mang lại hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu rau vào các thị trường chất lượng cao, như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Thứ tư, chưa xây dựng và hình thành được các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết rau xuất khẩu từ việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ quy trình sản xuất, kiểm tra giám sát sản xuất và bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Việc tiêu thụ rau vẫn chủ yếu thông qua các thương lái nhỏ lẻ, còn kênh phân phối lớn từ các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không trực tiếp nhập rau từ các cơ sở sản xuất, mà chủ yếu lấy từ các xưởng thu mua (sơ chế, chế biến, kho lạnh… trong và ngoài tỉnh).

Thứ năm, việc tổ chức sản xuất rau xuất khẩu tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng vẫn còn manh mún, khó kiểm soát, người nông dân mới chỉ sản xuất theo hướng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế chứ diện tích được cấp giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế còn ít, nên rất khó để xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết với các doanh nghiệp để có thể xuất khẩu rau của Hải Dương vào các thị trường phát triển và có yêu cầu chất lượng cao.

Thứ sáu, thiếu liên kết giữa người trồng với các doanh nghiệp xuất khẩu, nên gây khó khăn cho quá trình thu mua, sơ chế, chế biến để xuất khẩu.

Thứ bảy, việc sản xuất rau chủ yếu là sản xuất trực tiếp trên đồng ruộng nên bị ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh của biến đổi khí hậu toàn cầu.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT RAU XUẤT KHẨU CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG

Một là, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh quy hoạch, quản lý quy hoạch và tiếp tục đầu tư phát triển các vùng trồng rau tập trung, quy mô lớn ở các huyện, như: Gia Lộc, thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Nam Sách, Kinh Môn… xây dựng các vùng trồng rau đạt tiêu chuẩn quốc tế, như: VietGAP, GlobalGAP… để tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

Hai là, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến đến xuất khẩu rau bằng các công cụ kinh tế, như: chính sách về tích tụ đất đai, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau; các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, khoa học công nghệ hoặc một số dịch vụ hậu cầu phục vụ xuất khẩu,

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động thiết lập và cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho một số cây rau chủ lực tại các vùng đã được quy hoạch, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng thời, gắn với việc chuyển đổi số, số hóa các vùng trồng, như: thiết lập bản đồ các vùng trồng rau chủ lực của Hải Dương, để nâng cao chất lượng quản lý, gắn với việc truy xuất nguồn gốc, từ đó quảng bá hình ảnh rau Hải Dương.

Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cây rau chủ lực khác tại tỉnh Hải Dương như đã thực hiện với một số loại cây trồng khác (cà rốt, vải thiều…) để quảng bá và thu hút các doanh nghiệp thu mua, sơ chế, bảo quản và xuất khẩu rau.

Năm là, thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau, đặc biệt là các loại cây rau có tiềm năng, để xuất khẩu cho người nông dân để nâng cao các kiến thức về sản xuất rau theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt quy trình sản xuất và cam kết đảm bảo chất lượng, an toàn, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sáu là, tỉnh Hải Dương cần xây dựng kế hoạch rà soát các đầu mối, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản; tổ chức gặp gỡ, đón tiếp và đưa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đi khảo sát, thăm thực tế các vùng sản xuất rau của Tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, đơn vị, thương lái đến thu mua sản phẩm nông sản./.

Nguyễn Thị Huyền Trang, Ninh Xuân Trung, Nguyễn Văn Phơ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguyễn Doãn Lâm – Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Ngô Thị Thuận – Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương (2022), Báo cáo tình hình thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất rau xuất khẩu năm 2022.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương (2017-2022), Báo cáo tình hình sản xuất cây vụ đông của tỉnh Hải Dương các năm, từ năm 2017 đến năm 2022.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương (2023), Báo cáo tổng kết tình hình sản xuất cây vụ đông của tỉnh Hải Dương niên vụ 2022-2023.