ThS. Dương Thị Ngân

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Email: ngandt@neu.edu.vn

Tóm tắt

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua việc tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững (PTBV), bên cạnh vấn đề lợi nhuận, doanh nghiệp (DN) cần chú ý đến yếu tố đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Trên cơ sở tổng quan một số vấn đề về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của DN (CSR), nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa đạo đức kinh doanh, CSR và phát triển thương mại bền vững. Từ đó, đề xuất một số giải pháp thay đổi hành vi đạo đức, CSR nhằm đáp ứng các yêu cầu của FTA trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: đạo đức kinh doanh, hiệp định thương mại tự do, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Summary

In the context of deep competition and international integration through participation and implementation of free trade agreements (FTAs), in order to achieve the goal of sustainable development, in addition to the issue of profit, businesses need to pay attention to business ethics and social responsibility. Based on an overview of some issues on business ethics and corporate social responsibility (CSR), the study analyzes the relationship between business ethics, CSR and sustainable trade, then proposes some solutions to change business ethics and CSR to meet the requirements of FTAs in the current context.

Keywords: business ethics, free trade agreements, sustainable development, corporate social responsibility

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề đạo đức kinh doanh và CSR càng trở nên quan trọng đối với các DN hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, việc thực hiện CSR tại các DN còn nhiều bất cập. Nhiều DN chưa có ý thức trong hoạt động kinh doanh thương mại, chưa chú trọng đến đạo đức kinh doanh, dẫn đến nhiều vụ vi phạm với các hiện tượng tiêu cực, như: sản xuất, nhập khẩu hoặc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng quốc cấm, hàng kém chất lượng…; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động như về tiền lương, bảo hiểm, an toàn lao động, chế độ hưu trí; thiếu tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, khách hàng và đối tác; gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; không thực hiện các trách nhiệm xã hội… Do đó, việc nâng cao CSR, đạo đức kinh doanh của DN là vấn đề cấp thiết nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, cân bằng lợi ích cho các bên liên quan, để đảm bảo cho sự PTBV của nền kinh tế, của xã hội, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong hiệp định thương mại liên quan đến CSR đang ngày càng thắt chặt và khắt khe.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH VÀ CSR

Đạo đức kinh doanh

Khái niệm

Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh hành vi, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh chính là phạm trù đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Đạo đức không phải mơ hồ, nó thực sự gắn liền với lợi ích kinh doanh của DN và nền kinh tế và tác động trực tiếp đến phát triển bền vững.

Đạo đức kinh doanh là một loại đạo đức nghề nghiệp, tuy nhiên, vì gắn với yếu tố kinh doanh, lợi nhuận nên đạo đức kinh doanh có những đặc thù riêng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan điểm về vấn đề đạo đức kinh doanh. Phillip V. Lewis (1985) cho rằng, đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực của một tổ chức trong những trường hợp nhất định. Còn Ferrels và John Fraedrich (2005) định nghĩa, đạo đức kinh doanh bao gồm những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi trong thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, việc đánh giá một hành vi cụ thể là đúng hay sai, phù hợp với đạo đức hay không sẽ được quyết định bởi các đối tượng hữu quan (nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, các nhóm có quyền lợi liên quan, hệ thống pháp lý cũng như cộng đồng).

Đối tượng điều chỉnh của đạo đức kinh doanh là chủ thể hoạt động kinh doanh, bao gồm tất cả các chủ thể của các quan hệ và hành vi kinh doanh, trong đó có doanh nhân và tổ chức kinh doanh, như: hộ gia đình, công ty, xí nghiệp, tập đoàn cũng như đối tác và khách hàng. Đạo đức kinh doanh có phạm vi áp dụng rộng rãi bao gồm tất cả các thể chế xã hội, tổ chức và cá nhân liên quan hay tác động đến hoạt động kinh doanh, như: thể chế chính trị, chính phủ, công đoàn, nhà cung ứng, khách hàng, cổ đông, chủ DN, cán bộ công nhân viên trong DN, tổ chức kinh doanh.

Phân biệt đạo đức kinh doanh và pháp luật kinh doanh

Đạo đức kinh doanh và pháp luật kinh doanh là 2 khái niệm khác nhau, nhưng chúng có điểm chung là cùng điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh. Điểm khác nhau giữa chúng có thể phân định như Bảng.

Bảng: Sự khác nhau giữa đạo đức kinh doanh và pháp luật kinh doanh

Tiêu chí

Đạo đức kinh doanh

Pháp luật kinh doanh

Tiêu chuẩn

Mang tính tự nguyện cao, dựa trên giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức.

Mang tính bắt buộc, dựa trên hệ thống quy tắc và quy định pháp luật.

Mục tiêu

Xây dựng lòng tin, uy tín và đóng góp tích cực cho xã hội, vượt trên cả các quy định

Đảm bảo sự công bằng và duy trì trật tự trong môi trường kinh doanh. Được quy định bằng các điều khoản bắt buộc.

Bản chất

Tính tinh thần – tự giác.

Tính hình thức, “bắt buộc” và hình phạt.

Quản lý

Tự quản lý dựa trên đạo đức và giá trị của DN, điều hành bằng quyền lực mềm.

Quản lý dựa trên quy tắc và quy định của pháp luật. Điều hành bằng quyền lực cứng bởi pháp luật.

Trách nhiệm

Tự thúc đẩy trách nhiệm xã hội và môi trường, nâng cao tinh thần bác ái.

Chịu trách nhiệm pháp lý với các điều khoản đối với các hành động kinh doanh.

Tuân thủ

Tuân thủ tùy thuộc vào đạo đức và giá trị của DN, vào nhận thức tự giác của DN.

Tuân thủ bắt buộc theo quy định của pháp luật. Không muốn làm cũng phải thực hiện vì pháp luật quy định.

Nhận thức

Nhận thức về trách nhiệm xã hội và vai trò của DN trong cộng đồng, hành vi xuất phát từ “trái tim” của DN.

Nhận thức về quyền và nghĩa vụ pháp lý của DN trong hoạt động kinh doanh, hành vi xuất phát từ “trí óc” của DN.

KẾT QUẢ

Bền vững dài lâu, tác động vào tất cả quá trình hoạt động của con người – Quản lý bằng giá trị của sự nhận thức đúng đắn. Tác động sâu rộng đến sự phát triển bền vững và kinh doanh thương mại.

Mang tính áp đặt nên tính bền vững chưa cao, chưa thể hiện tính tự giác, dễ bị loại bỏ khi pháp luật không nghiêm minh, mang tính bề nổi.

CSR

Khái niệm

Theo quan điểm của Friedman (1970), CSR được thể hiện qua việc sử dụng các nguồn lực trong hoạt động kinh doanh để gia tăng lợi nhuận, miễn là DN đó thực hiện đúng luật, đúng nghĩa vụ pháp lý quy định, có trách nhiệm tuân thủ các bộ luật quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận. Với quan điểm này, Friedman nhấn mạnh trách nhiệm về pháp lý mà các DN cần phải nghiêm chỉnh tuân thủ, đó là CSR, miễn là DN kinh doanh đúng luật.

Còn theo quan điểm của Davis (1973), CSR không chỉ có sự đáp ứng và kết hợp tất cả các nhu cầu, yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và luật pháp, mà còn cần phải đạt được các mục tiêu xã hội cũng tốt như các mục tiêu kinh tế với mức độ cao hơn. Davis đã có điểm nhấn yêu cầu về CSR với mức cao hơn so với Friedman là ngoài việc DN phải thực hiện đúng pháp luật còn phải đạt đến các hiệu quả và lợi ích mang tính xã hội, hiệu quả xã hội.

Theo các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, CSR là cam kết của DN đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội, bảo đảm cân bằng lợi ích các bên. Theo quan điểm này, CSR là trách nhiệm hướng tới sự PTBV không chỉ cho DN mà còn cho cả xã hội, nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên hữu quan cả trong hiện tại và tương lai.

Carroll (1991) cho rằng, DN như một cơ thể sống, CSR là thực hiện gánh vác các nghĩa vụ: kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn mà các bên liên quan đã áp đặt hay mong đợi, kỳ vọng lên các hoạt động kinh doanh của DN. Carroll đã khái quát hóa các CSR thông qua việc thực hiện 4 nghĩa vụ mà DN phải có bổn phận gánh vác, từ cấp độ thấp mang tính bắt buộc đến cấp độ cao mang tính tự nguyện, thiện nguyện, bao gồm: (i) Trách nhiệm/nghĩa vụ kinh tế: DN phải đảm bảo lợi ích kinh tế cho các đối tượng hữu quan (mức lương và thu nhập cho người lao động, thuế với chính phủ…); (ii) Trách nhiệm/nghĩa vụ luật pháp: DN phải có nghĩa vụ tuân thủ theo các bộ luật trong nước, điều khoản quy định trong các hợp đồng thương mại và Luật Quốc tế; (iii) Trách nhiệm/nghĩa vụ đạo đức: Vượt trên các nghĩa vụ bắt buộc là kinh tế và pháp lý, DN nên đáp ứng được các kỳ vọng với mức độ cao hơn của các bên hữu quan; (iv) Trách nhiệm/nghĩa vụ nhân đạo/nhân văn: Đây là khía cạnh cao nhất, thể hiện sự hy sinh muốn đóng góp của DN cho sự PTBV của toàn xã hội.

Có thể kết luận, CSR là DN phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn, đảm bảo cân bằng lợi ích mong muốn của các bên hữu quan, hướng tới PTBV kinh tế – xã hội – môi trường.

Nội dung cơ bản của CSR

1. Tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh: DN cần tuân thủ tất cả các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như thực hiện các hoạt động một cách minh bạch và đạo đức.

2. Chăm sóc nhân viên: DN cần đảm bảo môi trường làm việc an toàn, công bằng và tôn trọng quyền lợi của nhân viên. Điều này bao gồm việc cung cấp điều kiện làm việc tốt, cơ hội phát triển và công bằng trong xử lý các vấn đề liên quan đến lao động.

3. Bảo vệ môi trường: DN cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Điều này có thể bao gồm: sử dụng công nghệ sạch, tái chế và tiết kiệm nguồn tài nguyên.

4. Thúc đẩy phát triển cộng đồng: DN có trách nhiệm đóng góp vào sự PTBV của cộng đồng bằng cách hỗ trợ các hoạt động xã hội, như: giáo dục, y tế, phát triển kinh tế cộng đồng và các chương trình cộng đồng khác.

5. Quản lý chuỗi cung ứng công bằng: DN cần đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ được quản lý một cách công bằng và đạo đức, bao gồm việc chống lại lao động trẻ em, lao động mạo hiểm và các vấn đề về quyền lao động.

6. Tạo ra giá trị cho cổ đông: Mặc dù trách nhiệm xã hội không chỉ giới hạn trong việc tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, nhưng DN vẫn phải xem xét các quyết định kinh doanh của mình trong ngữ cảnh này.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG CÁC FTA LIÊN QUAN ĐẾN CSR

Để đạt các mục tiêu về PTBV, trong các FTA hiện nay đều có những quy định liên quan đến PTBV và CSR. Các FTA khuyến cáo các tổ chức và các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng triển khai thực hiện trách nhiệm và bổn phận của mình. Nghiên cứu tìm hiểu CSR trong các FTA điển hình sau:

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Trong số các FTA, CPTPP là hiệp định đề cập nội dung liên quan đến CSR với mức độ yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn. Trong CPTPP, nội dung về CSR được thể hiện cụ thể trên mục: (1) Bảo vệ môi trường; (2) Đóng góp cho cộng đồng xã hội; (3) Trách nhiệm với nhà cung cấp; (4) Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; (5) Quyền lợi người lao động; (6) Trách nhiệm với cổ đông. Trong đó, 4 yếu tố đầu (1-4) thể hiện trách nhiệm của DN với các đối tượng bên ngoài DN. Ngược lại, 2 yếu tố cuối (5-6) là trách nhiệm của DN với đối tượng bên trong, nội tại của DN. Điều này có nghĩa, DN luôn phải có trách nhiệm với đối tượng hữu quan bên ngoài và cả bên trong DN. Trong các hiệp định FTA, các quy định về CSR có thể đưa vào một cách trực tiếp và gián tiếp thể hiện rõ vai trò của DN đối với sự PTBV thông qua vấn đề môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, người lao động và đối tượng liên quan khác. Hiệp định CPTPP đưa các cam kết thực thi CSR với các ý sau:

Một là, về mục tiêu: Các quốc gia thành viên thực hiện mục tiêu nâng cao trách nhiệm để hướng tới sự PTBV thông qua các trách nhiệm, như: bảo vệ nền văn hóa, tôn trọng đa văn hóa, bảo vệ an toàn của con người, đề cao vấn đề con người, bảo vệ quyền trí tuệ, môi trường, người lao động;

Hai là, thể hiện việc cam kết: CSR đã được đề cập ở một số chương và ngay phần mở đầu đã được nhắc đến. Hiệp định CPTPP có nhiều điều khoản cho sự cam kết thực hiện CSR, đòi hỏi các quốc gia thành viên nỗ lực và tuân thủ thực hiện, khuyến khích các quốc gia và các DN gắng sức thực hiện với những sáng kiến và đổi mới sáng tạo, để đảm bảo cân bằng về môi trường, lao động, xã hội và với bộ quy tắc ứng xử (CoC) mà các DN phải xây dựng và thực hiện.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Hướng tới DN kinh doanh có trách nhiệm cho sự PTBV, trong Chương 13 của EVFTA đã đề cập đến các vấn đề thể hiện sự cam kết đóng góp vào PTBV với 17 Điều được chia thành 3 nhóm liên quan đến CSR.

Nhóm 1: Thể hiện sự cam kết cùng với cách thức ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định liên quan đến điều kiện để PTBV.

Nhóm 2: Thể hiện các khía cạnh cam kết cụ thể hơn của PTBV liên quan trực tiếp đến môi trường, người lao động, người tiêu dùng.

Nhóm 3: Các nội dung khác trong hoạt động thương mại, đó là vấn đề thanh toán, khiếu nại, bồi thường, bảo dưỡng, xuất xứ, an toàn hàng hóa đối với người tiêu dùng.

Nhìn chung, nội dung các chương này thể hiện sự cam kết bắt buộc các DN phải nỗ lực thực hiện nhằm cải thiện trạng thái, phương thức kinh doanh của mình để ngày càng phù hợp, đáp ứng được quy định ở mức cao nhất là cân bằng lợi ích các bên nhằm đạt mục tiêu PTBV. Khi các DN thực hiện tốt CSR sẽ có rất nhiều lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính, như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Cụ thể, 3 nội dung trách nhiệm xã hội bao gồm: (i) Cam kết kinh doanh phải đạt được các tiêu chuẩn hướng tới bền vững; (ii) Cam kết đảm bảo quyền lợi người lao động: (iii) Cam kết bảo vệ môi trường thiên nhiên. Việt Nam và EU hướng tới những cam kết và tuân thủ những cam kết đó thông qua sự trao đổi, hợp tác ban hành và cùng giúp nhau thực hiện các chính sách về CSR.

Ngoài ra, trong một số FTA còn đề cập đến các tiêu chuẩn ISO, Thỏa ước toàn cầu với các quy tắc ứng xử gồm 10 nguyên tắc đòi hỏi các DN phải tôn trọng và thực hiện vì mục đích chung hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Trong đó có các nguyên tắc về con người, lao động và việc làm, môi trường, cũng như các tiêu chí về thất nghiệp. Trong ISO 26000 cũng đã đề cập đến một số nội dung liên quan, như: Quy trình quản lý các tổ chức; Quyền về con người; Vấn đề liên quan đến người lao động; Môi trường sống thiên nhiên của con người; Vấn đề liên quan đến lợi ích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tất cả những điều khoản cam kết đó nhằm đạt được những mục tiêu về PTBV và an toàn xã hội cho con người, giúp con người ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn và đảm bảo cho sự PTBV của chính DN khi muốn tham gia kinh doanh vào các thị trường khó tính.

MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC KINH DOANH, CSR VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG

Thực tế cho thấy, mức độ PTBV của DN phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh và sự tăng trưởng về thương mại, doanh thu và lợi nhuận thu được gắn liền với việc thực hành đạo đức kinh doanh. CSR cũng thể hiện một phần của đạo đức kinh doanh. Khi một DN thể hiện tốt các trách nhiệm xã hội, đồng nghĩa DN đã có những giá trị đạo đức kinh doanh nhất định. Đạo đức kinh doanh bao hàm nội dung rộng hơn, mang tính tự nguyện ở mức độ cao hơn các nghĩa vụ trách nhiệm đơn thuần như trong tháp trách nhiệm xã hội của Carroll. Do vậy, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh là tiền đề cho việc việc thực hiện các quy định trong các FTA nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại của DN và nền kinh tế. 3 nội dung đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động trực tiếp lẫn nhau.

Đạo đức kinh doanh như một bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong kinh doanh, là yếu tố nền tảng tạo nên sự tin cậy của đối tác, khách hàng và người tiêu dùng đối với DN. Đạo đức kinh doanh chính là cơ sở để xây dựng lòng tin, sự gắn kết và trung thành của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong DN, bảo đảm từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong DN có những ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức, qua đó, không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của DN. Sự tồn vong, phát triển cũng như lợi nhuận của DN chính là do người tiêu dùng quyết định, do đó, DN muốn đạt được tỷ suất lợi nhuận cao và thành công bền vững, cần phải xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho DN mình. Việc xây dựng và thực thi đạo đức kinh doanh là nhân tố đem lại lợi ích to lớn cho DN.

Theo công trình nghiên cứu của 2 giáo sư thuộc Trường Đào tạo Quản lý Kinh doanh Harvard (Hoa Kỳ) là John Kotter và James Heskeu (tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”), các công ty với những chuẩn mực và truyền thống đạo đức kinh doanh khác nhau thì đạt được những thành quả khác nhau. 2 giáo sư đã đưa ra những con số thống kê ấn tượng; theo đó, trong vòng 11 năm, những công ty chú trọng thực hành đạo đức kinh doanh đã nâng được mức thu nhập của mình lên tới 682% so với 36% của các công ty không coi trọng thực hành các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Các công ty này cũng tăng được 90% giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán so với 74% của các công ty không thực sự coi trọng đạo đức kinh doanh; tăng được 756% lợi nhuận ròng, vượt xa các công ty không coi trọng việc thực hành đạo đức kinh doanh.

GIẢI PHÁP THAY ĐỔI HÀNH VI ĐẠO ĐỨC, CSR ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CÁC FTA

Chọn hệ giá trị và thay đổi hành vi đạo đức nhằm thúc đẩy kinh doanh thương mại

Trước tiên, DN tiến hành chọn hệ giá trị đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội vì cái gì, giá trị cốt lõi và nhân văn mà DN mong muốn hướng tới. Từ đó, DN sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi trên con đường chọn giá trị quyết định hành vi đạo đức của mình.

Hai là, lan tỏa và truyền đạt các giá trị đó cho toàn bộ đội ngũ nhân viên và nhà quản lý các cấp.

Ba là, chuyển hóa thành hành động, tiến hành hành động của từng cá nhân thực hiện, cho tới từng phòng ban và toàn DN.

Bốn là, không ngừng cải tiến điều chỉnh nhằm thích ứng với tình hình thực tế đang diễn ra tại DN và trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao CSR đáp ứng các tiêu chuẩn trong các FTA và PTBV như sau:

Giải pháp từ DN

(i) Nâng cao nhận thức CSR, nội dung các nghĩa vụ trong thực hiện CSR.

(ii) Hiểu rõ mối quan hệ biện chứng, quan hệ nhân quả giữa CSR với kết quả kinh doanh.

(iii) DN phải trung thực và quan tâm thực sự đến CSR.

(iv) DN phải gắn nội dung các nghĩa vụ CSR trong chiến lược kinh doanh.

(v) DN phải tuân thủ nghiêm các bộ tiêu chuẩn mang tính pháp lý của thị trường.

(vi) DN phải tuân thủ nghiêm các bộ luật như Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

(vii) DN phải chú ý tới ý kiến của các đối tượng hữu quan qua mạng xã hội.

Đối với cấp Nhà nước, bộ, ngành

(i) Xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan một cách đồng bộ, nhất quán.

(ii) Phân cấp công việc rõ ràng cho từng cấp bộ, ngành khi triển khai thực hiện, tránh chồng chéo.

(iii) Tăng cường củng cố lực luợng thực thi công vụ, các phương tiện và công cụ kiểm tra, đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động.

(iv) Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tính nghiêm minh, trung thực, công bằng cho những người thực thi công vụ.

(v) Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về CSR cho mọi thành phần trong xã hội.

Quy trình thực hiện CSR đối với DN nhằm thúc đẩy kinh doanh thương mại

Nghiên cứu áp dụng mô hình PDCA: Lập kế hoạch (Plan) – Hành động thực hiện (Do) – Kiểm tra đánh giá (Check) – Hành động điều chỉnh (Action).

Giai đoạn 1: Lập kế hoạch CSR

– Xác định mục tiêu: Mục tiêu cần được thiết lập rõ ràng, với các tiêu chí và hướng dẫn của quá trình thực hiện CSR.

– Lập kế hoạch: Kế hoạch cho quá trình thực hiện CSR phải là một hệ thống phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Có sự khác biệt trong quá trình thực hiện tùy thuộc vào thứ bậc tình hình của DN với sự cam kết của các nhà quản lý hàng đầu và quản lý cấp trung.

Giai đoạn 2: Triển khai thực hiện CSR

– Các nhà quản lý cao cấp và quản lý cấp trung phải gương mẫu tham gia trong các giai đoạn thực hiện CSR. Sự tham gia của quản lý cấp trung và cấp cơ sở là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phần thực hiện CSR.

– Tạo các nhóm thực hiện CSR, để nhấn mạnh hoạt động làm việc theo nhóm trong việc thực hiện với những ý tưởng mới về công tác CSR.

– Lập kế hoạch truyền thông cũng là yếu tố quan trọng trong giai đoạn thực hiện CSR. Thiết lập kế hoạch truyền thông thông qua các chương trình cụ thể từ các cấp quản trị đến nhân viên về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện CSR.

Giai đoạn 3: Kiểm tra

– Kiểm tra là điều quan trọng để báo cáo tiến độ, mức độ thực hiện nhằm cải thiện kết quả quá trình thực hiện CSR. Phần kiểm tra tập trung vào đo lường mục tiêu và công nhận hiệu suất đã được thiết lập trước đó làm cơ sở để đánh giá và khen thưởng.

– Khen thưởng: Việc sử dụng các hệ thống phần thưởng là cần thiết để giữ nhân viên năng động và có trách nhiệm, tạo động lực cho nhân viên trong quá trình thực hiện CSR.

Giai đoạn 4: Cải thiện và phát triển

– Việc đánh giá là yếu tố quan trọng để tiến hành cải thiện quá trình thực hiện CSR và chúng luôn được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Quá trình này được lặp đi lặp lại không ngừng với mục tiêu ngày càng hoàn thiện nhằm phù hợp với các quy định thương mại và bền vững đưa ra./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Carroll, A.B (1999), Corporate Social Responsibility, Business and Society, 38(3), 268-295.

2. Davis, Keith (1973), The Case For and Against Business Assumption of Social Responsibilities, Academy of Management Journal, 1, 312-322.

3. Dương Thị Liễu, Nguyễn Mạnh Quân (2015), Văn hóa và Đạo đức kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

4. Ferrels and John Fraedrich (2005), Business ethics – Ethical decision making and cases, Houghton Mifflin Company.

5. Friedman (1970), The social responsibility of business is to increase its profits, The New York Times, 17.

6. Phillip V. Lewis (1985), Defining Business Ethics: Like Nailing Jello to a Wall, Journal of Business Ethics, 4, 377-383.

Ngày nhận bài: 04/5/2024; Ngày phản biện: 10/5/2024; Ngày duyệt đăng: 15/5/2024