Vì họ đặt môi trường lên hàng đầu, nên những quan điểm này thường phản ánh quan điểm cấp tiến và đôi khi khá khác biệt về quan hệ giữa con người và môi trường. Vì vậy, chúng thường không được chấp nhận rộng rãi hoặc không thực tế.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn tập trung vào bảo vệ môi trường, những học thuyết này cũng đem đến cho chúng ta nhận thức về những xung đột lợi ích mà nhiều nhà hoạt động môi trường thường bỏ qua. Chúng cũng làm nổi bật mục tiêu quan trọng của việc hài hòa lợi ích của con người và thiên nhiên. Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số học thuyết bảo vệ môi trường lạ đời phổ biến nhất, để mang đến một cái nhìn đa chiều về vấn đề môi trường.

Góc nhìn về nghị sự môi trường thông qua các học thuyết bảo vệ môi trường lạ đời
Ảnh minh họa

Học thuyết Sinh thái Sâu sắc (Deep Ecology)

Học thuyết Sinh thái Sâu sắc ra đời vào những năm đầu thập kỷ 1970 như một phản ứng trước cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng nghiêm trọng và thể hiện sự phê phán đối với các cách tiếp cận bảo vệ môi trường hạn hẹp. Trong bài báo về Sinh thái Sâu sắc năm 1973, Arne Næss, một triết gia người Na Uy, đã lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Sinh thái Sâu sắc” tạo tiền đề cho việc phát triển học thuyết Sinh thái Sâu sắc sau này [1].

Các nhà sinh thái học sâu sắc tranh luận về giá trị nội tại của mọi sinh vật và hệ sinh thái, ủng hộ việc giảm dân số và thay đổi đáng kể lối sống để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường [2]. Næss đã đưa ra lập luận rằng sinh thái không nên tập trung vào vị trí đặc biệt của con người trong tự nhiên, mà thay vào đó, nên quan tâm đến mọi thành phần của tự nhiên trên cơ sở bình đẳng, vì trật tự tự nhiên có giá trị nội tại lớn hơn nhiều so với các giá trị con người. Ông tin rằng hệ sinh thái nông nghĩa là các vấn đề sinh thái lớn có thể được giải quyết trong một xã hội tư bản công nghiệp. Khái niệm “sâu sắc” ám chỉ việc đặt ra các câu hỏi sâu sắc hơn và thấu hiểu rằng chính xã hội loài người đã gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái đe dọa Trái Đất [3]. Các ý tưởng này, dựa trên lời dạy của Spinoza, Gandhi và Đức Phật, đã trở thành một phần của phong trào môi trường chủ đạo trong những năm 1980 và sau đó được George Sessions đề cập một cách chi tiết trong tác phẩm “Sinh thái học sâu sắc cho thế kỷ 21” ra đời năm 1995 [4]. Triết lý Đạo Phật được thể hiện trong Học thuyết Sinh thái Sâu sắc thông qua việc khuyến khích một lối sống giảm thiểu thiệt hại cho môi trường và các sinh vật khác. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ việc tiêu dùng và tập trung vào vật chất sang một lối sống đơn giản và bền vững hơn.

Sinh thái Sâu sắc thúc đẩy ý tưởng rằng các quyết định về bảo vệ môi trường nên được đưa ra ở cấp độ địa phương, nơi con người có mối kết nối sâu sắc hơn với môi trường xung quanh. Sự phi tập trung này cho phép thực hiện các giải pháp phù hợp với ngữ cảnh và bền vững hơn.

Học thuyết Sinh thái Sâu sắc vấp phải một số chỉ trích trên quan điểm lấy môi trường làm trung tâm của nó. Những người chỉ trích cho rằng các nguyên tắc của Học thuyết này quá lý tưởng và không thực tế trong việc giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách. Họ cho rằng con người đôi khi phải ưu tiên những nhu cầu của mình, đặc biệt là trong tình trạng nghèo đói và suy thoái môi trường. Ngoài ra, hướng giải pháp bảo vệ môi trường của Sinh thái Sâu sắc dựa vào sự phân cấp và chủ nghĩa địa phương đặt ra câu hỏi về khả năng giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu, điều đòi hỏi các nỗ lực phối hợp quốc tế.

Nhìn chung, quan điểm của Sinh thái Sâu sắc mang đến một góc nhìn đáng suy ngẫm về môi trường và các thách thức chúng ta đang gặp phải để tái đánh giá lại mối quan hệ của con người và thế giới tự nhiên sâu xa hơn. Mặc dù nó có thể không cung cấp tất cả các câu trả lời cho các vấn đề môi trường phức tạp mà chúng ta đang đối mặt ngày nay, nhưng những nguyên tắc về tương tác, tính sinh học và bền vững của nó có thể được xem như các nguyên tắc hướng dẫn quý báu trong việc hình thành một tương lai hài hòa và có trách nhiệm giữa con người và tự nhiên.

Phong trào tuyệt chủng con người tự nguyện (VHEMT)

VHEMT do Les U. Knight, một nhà hoạt động môi trường người Mỹ, phát động vào năm 1991. Les U. Knight đã từng tham gia vào nhiều phong trào bảo vệ môi trường từ những năm 70 nhưng cuối cùng ông rút ra kết luận, sự tuyệt chủng của con người là giải pháp tốt nhất [5].

Phong trào này thúc đẩy ý tưởng rằng con người nên tự nguyện ngừng sinh sản và cuối cùng bị tuyệt chủng để cho phép thế giới tự nhiên phục hồi sau tác động của con người. Knight lập luận rằng dân số loài người lớn hơn nhiều so với khả năng Trái đất có thể xử lý, nên điều tốt nhất cho sinh quyển Trái đất là con người tự nguyện ngừng sinh sản [6]. Đồng thời, ông còn cho rằng con người là loài duy nhất không phù hợp với trái đất [7].

Khỏi phải nói phong trào này vấp phải sự phản đổi như thế nào từ cộng đồng. Trả lời VHEMT, một số nhà báo và học giả đã lập luận rằng con người có thể phát triển lối sống bền vững hoặc có thể giảm dân số xuống mức bền vững. Một số người khác cho rằng, bất kể giá trị của ý tưởng này là gì, động lực sinh sản của con người sẽ ngăn cản loài người tự nguyện tìm đến sự tuyệt chủng.

Mặc dù gặp phản đối từ nhiều phía, tuy nhiên, học thuyết này rõ ràng chỉ ra mức độ tác động độc hại của con người lên tự nhiên. Mặc dù không phải là một quan điểm phổ biến, nhưng quan điểm này vẫn tồn tại trong các tác phẩm văn học và trong tư duy của con người.

Chẳng hạn, trong bộ phim điện ảnh “Mission: Impossible – Ghost Protocol” do tài tử Tom Cruise đóng vai chính, nhà khoa học điên Hendricks quyết tâm sử dụng bom nguyên tử để làm sạch bớt dấu vết của con người trên trái đất. Hoặc như trong bom tấn gần đây “Avengers: Infinity War,” một nhân vật như Thanos đã sẵn sàng hi sinh tất cả với mục tiêu loại bỏ một nửa số sinh vật “tiêu tốn tài nguyên” trong vũ trụ. Ông lập luận rằng bằng cách giảm một nửa số lượng sinh vật, số còn lại sẽ có cơ hội phát triển một cách bền vững và tươi đẹp hơn. Cùng quan điểm này, trong cuốn tiểu thuyết bán chạy “Hỏa ngục” của Dan Brown (đã được dựng thành phim) chúng ta cũng gặp một nhân vật phản diện, một nhà khoa học sẵn sàng hy sinh để thực hiện ý tưởng loại bỏ một phần dân số trái đất để cứu vớt hành tinh. Để thực hiện mục tiêu này, ông đã tạo ra một loại virus chết người để lan truyền khắp thế giới.

Điểm chung của các tác phẩm này là chúng đều khắc họa nhân vật theo chủ nghĩa VHEMT là người thông minh, tài năng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng bảo vệ môi trường. Những người họ định tiêu diệt, tuyệt chủng đều là lựa chọn ngẫu nhiên, không phân biệt quốc gia, đảng phái chính trị, kể cả là bạn bè, người thân.

Góc nhìn về nghị sự môi trường thông qua các học thuyết bảo vệ môi trường lạ đời
Zobrist, nhà khoa học theo chủ nghĩa Tuyệt chủng con người, trong phim Hỏa ngục

Không thể phủ nhận Phong trào Tuyệt chủng Con người Tự nguyện là một cách tiếp cận triệt để và độc đáo để giải quyết các vấn đề môi trường. Mặc dù mục tiêu tuyệt chủng của con người có vẻ lạ đời và phi thực tế đối với nhiều người, nhưng nó đóng vai trò như một lời nhắc nhở đáng suy nghĩ về những thách thức môi trường sâu sắc mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một loài đang được nuôi dưỡng bởi Trái Đất.

Cuối cùng, cho dù ai đó đồng ý hay không đồng ý với các nguyên tắc và mục tiêu của VHEMT thì phong trào này vẫn khuyến khích chúng ta suy ngẫm về tác động của cá nhân và tập thể của chúng ta đối với hành tinh. Nó thúc đẩy các cuộc thảo luận quan trọng về dân số quá mức, phục hồi sinh thái và trách nhiệm đạo đức của con người khi đối mặt với khủng hoảng môi trường, và nhấn mạnh sự cấp bách của việc tìm kiếm các giải pháp bền vững để bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Trái đất. Đồng thời, VHEMT cũng giúp đặt ra những câu hỏi quan trọng về những lựa chọn đạo đức trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Chủ nghĩa Nguyên thủy phản Văn minh (Anti-Civilization Primitivism)

Chủ nghĩa Nguyên thủy phản Văn minh, thường được gọi đơn giản là Chủ nghĩa Nguyên thủy (Primitivism), là một phong trào chính trị xã hội cấp tiến và độc đáo nhằm phê phán và bác bỏ nền tảng của nền văn minh hiện đại. Nổi lên vào cuối thế kỷ 20 như một phản ứng trước những gì mà những người ủng hộ nó coi là bản chất hủy diệt của xã hội công nghiệp. Chủ nghĩa Nguyên thủy ủng hộ việc quay trở lại lối sống đơn giản hơn, nguyên thủy hơn, dựa trên mối liên hệ sâu sắc với thiên nhiên [8]. Những người theo Chủ nghĩa Nguyên thủy ủng hộ việc quay trở lại lối sống tiền công nghiệp, săn bắt hái lượm, coi nền văn minh hiện đại có tính hủy diệt đối với môi trường.

Một trong những người tích cực phát triển chủ nghĩa này là John Edward Zerzan, một nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Các tác phẩm của ông đã chỉ trích mạnh mẽ nền văn minh nông nghiệp hiện đại, xem xét nó như một hệ thống áp bức và đã ủng hộ ý tưởng rằng lối sống của những người săn bắn và hái lượm có thể là nguồn cảm hứng cho một xã hội tự do hơn.

Một biến thể của Chủ nghĩa Nguyên thủy phản Văn minh là Chủ nghĩa Nguyên thủy vô Chính phủ. Chủ nghĩa Nguyên thủy phản Văn minh có sự trùng lặp đáng kể với Chủ nghĩa Nguyên thủy vô Chính phủ, một tập hợp con của Chủ nghĩa vô Chính phủ tìm cách xóa bỏ các xã hội phức tạp và quay trở lại trạng thái tồn tại nguyên thủy, săn bắn hái lượm. Những người theo Chủ nghĩa Nguyên thủy vô chính phủ thì coi nền văn minh là gốc rễ của sự áp bức, thứ bậc và tàn phá sinh thái.

Các lập luận chính của học thuyết này có thể kể đến như sau:

  • Từ chối công nghệ: Những người ủng hộ chủ nghĩa này cổ vũ việc từ chối hoàn toàn công nghệ hiện đại, thứ mà họ coi là công cụ thống trị và hủy hoại môi trường. Họ ủng hộ việc quay trở lại lối sống đơn giản, công nghệ thấp và bền vững [9].

  • Lối sống săn bắt hái lượm: Chủ nghĩa Nguyên thủy lý tưởng hóa lối sống săn bắt hái lượm như một hình mẫu cho xã hội loài người. Họ tin rằng những xã hội như vậy bình đẳng hơn, bền vững hơn về mặt sinh thái và hòa hợp với thiên nhiên. Một người theo Chủ nghĩa Nguyên thủy nổi tiếng là John Kaczynski. Mặc dù, ông là một thần đồng toán học nhưng đã từ bỏ sự nghiệp học tập để theo đuổi lối sống nguyên thủy. Ông nổi tiếng với việc đánh bom thư khủng bố nhắm vào những người được cho là đang thúc đẩy công nghệ hiện đại và hủy hoại môi trường tự nhiên [10].

  • Đạo đức phản công việc: Những người theo Chủ nghĩa Nguyên thủy bác bỏ đạo đức làm việc hiện đại mà họ cho là mang tính bóc lột và xa lánh. Họ ủng hộ một cuộc sống nhàn hạ, tự cung tự cấp và kết nối với thế giới tự nhiên.

  • Xây dựng lại: Xây dựng lại là quá trình cho phép các hệ sinh thái trở lại trạng thái tự nhiên. Những người theo Chủ nghĩa này ủng hộ các nỗ lực xây dựng lại hoang dã như một cách để khôi phục cảnh quan bị hư hại và thúc đẩy đa dạng sinh học.

Các nhà phê bình cho rằng, tầm nhìn của Chủ nghĩa Nguyên thủy rất phi thực tế trong thế giới hiện đại, nơi hàng tỷ người phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến và hệ thống xã hội phức tạp để sinh tồn. Họ đặt câu hỏi về tính khả thi của việc quay trở lại lối sống săn bắt hái lượm đối với dân số toàn cầu. Họ cho rằng Chủ nghĩa Nguyên thủy nêu giải pháp nhưng thiếu một kế hoạch cụ thể về cách chuyển đổi từ nền văn minh hiện đại sang xã hội nguyên thủy. Họ lập luận rằng nó mang nhiều ý nghĩa phê phán hơn là một giải pháp thay thế khả thi. Ngoài ra, việc từ chối công nghệ đặt ra những câu hỏi về đạo đức khi các tiến bộ y học được sử dụng để cứu mạng sống và những đổi mới quan trọng khác được dùng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người.

Giá trị của các học thuyết bảo vệ môi trường lạ đời

Khi chúng ta phải vật lộn với những thách thức cấp bách về môi trường và xã hội, điều cần thiết là phải xem xét nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Các chủ nghĩa bảo vệ môi trường lạ đời đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng lối sống hiện tại của chúng ta đang tạo ra các tác động tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người và hệ sinh thái trên Trái Đất. Ngoài ra, các chủ nghĩa này cũng khuyến khích chúng ta nghiêm túc xem xét một cách sâu sắc mối liên kết giữa con người và tự nhiên. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các lý thuyết lạ đời này thì không mấy khả thi, và hầu như không được chấp nhận bởi số đông. Rõ ràng xã hội đòi hỏi phải xem xét cẩn thận về tính khả thi cũng như ý nghĩa đạo đức của các chủ nghĩa và lý thuyết môi trường lạ đời trong bối cảnh thế kỷ 21.

Giải quyết vấn đề môi trường suy thoái nghiêm trọng và biến đổi khí hậu là việc cực kỳ khó và nguồn lực khổng lồ để thực hiện và duy trì. Vì thế, các học thuyết bảo vệ môi trường ngày nay cần tập trung tìm kiếm các giải pháp ôn hòa và khả thi hơn để động viên được nhân tài và vật lực chung tay bảo vệ môi trường [11,12]. Cực đoan hóa sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn xã hội, tự triệt tiêu sức mạnh của cộng đồng đáng lý ra có thể được sử dụng để bảo vệ và tôn tạo sinh thái.

Để so sánh thì tình huống này như ngài Bói Cá trong mẫu truyện “Kingfisher’s No-fish Dietary” [Bói cá kiêng cá]. Thay vì có thể thưởng thức những chú cá béo ngậy như bình thường, thì ngài Bói Cá lại phải trải qua giai đoạn nhịn ăn, hành xác đến kiệt quệ, chết đi sống lại chỉ để được ăn “viên bột cá.” Tất cả cớ sự ấy đều là do suy nghĩ lạ đời và thiếu cái nhìn toàn diện của ngài mà ra [13].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Naess, A. (2008). The shallow and the deep, long‐range ecology movement. A summary. Inquiry: An Interdisciplinary Journal of Philosophy, 16(1-4), 95-100. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/00201747308601682

[2] Smith, M. (2014). Deep ecology: What is said and (to be) done?. The Trumpeter, 30(2), 141-156. https://trumpeter.athabascau.ca/index.php/trumpet/article/view/1378

[3] Naess, A. (2009, Jan. 15). Arne Næss. https://www.theguardian.com/environment/2009/jan/15/obituary-arne-naess

[4] Sessions, G. (1995). Deep Ecology for the Twenty-First Century. Shambala Publications

[5] Jarvis, S. (1994, Apr. 23). Live long and die out: Stephen Jarvis encounters the Voluntary Human Extinction Movement. https://www.independent.co.uk/life-style/live-long-and-die-out-stephen-jarvis-encounters-the-voluntary-human-extinction-movement-1372200.html

[6] Keck, K. (2007, Oct. 5). Earth a gracious host to billions, but can she take many more? http://edition.cnn.com/2007/TECH/science/10/04/pip.populationquestion/index.html

[7] Savory, E. (2008, Sep. 4). VHEMT: The case against humans. https://www.cbc.ca/news/science/vhemt-the-case-against-humans-1.742788

[8] Aaltola, E. (2010). Green Anarchy: Deep Ecology and Primitivism. In B. Franks & M. Wilson (Eds.), Anarchism and Moral Philosophy (pp. 161-185). Springer. https://link.springer.com/chapter/10.1057/9780230289680_9

[9] Morin, R. (2014, June. 25). The Anarcho-Primitivist who wants us all to give up technology. https://www.vice.com/en/article/dpwx3m/john-zerzan-wants-us-to-give-up-all-of-our-technology

[10] Gladstone, M. (1996, June. 19). Kaczynski indicted in 4 unabomber attacks. https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1996-06-19-mn-16496-story.html

[11] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[12] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[13] Vuong, Q. H. (2022). The Kingfisher Story Collection. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6