ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tú

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề nhận thức về năng lượng tái tạo (NLTT), như: định nghĩa, khái niệm về NLTT, phân loại NLTT. Bên cạnh đó, bài viết cũng làm rõ tiềm năng phát triển NLTT ở Việt Nam, thực trạng pháp luật về khuyến khích đầu tư phát triển NLTT, từ đó đề xuất một số phương hướng hoàn thiện pháp luật nhằm khuyến khích đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam.

Từ khóa: năng lượng tái tạo, khuyến khích đầu tư, hoàn thiện pháp luật.

Summary

he article focuses on clarifying some cognitive issues about renewable energy such as definitions, concepts of renewable energy, and classification of renewable energy. In addition, the article also clarifies the potential for renewable energy development in Vietnam, the legal status of encouraging investment in renewable energy development and proposes some directions to improve the law to encourage Investing in renewable energy development in Vietnam.

Keywords: Renewable energy; Encourage investment; Improving the law.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, phát triển NLTT đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường. Với tiềm năng lớn về các nguồn NLTT như: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đẩy mạnh chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch này để hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc khai thác và đầu tư phát triển NLTT ở nước ta chưa tương xứng với khả năng và lợi thế sẵn có, xuất phát từ một trong những lý do chính đó là chính sách, pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế, khiến cho các chủ thể gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tình hình nhu cầu về năng lượng ngày càng gia tăng và vấn đề môi trường đang dần trở nên phức tạp khiến cho việc hoàn thiện pháp luật về khuyến khích đầu tư phát triển NLTT trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

NHẬN THỨC VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Khái niệm

NLTT là một khái niệm rộng và hàm chứa tính khoa học, hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Cụ thể như:

Omar và cộng sự (2014) đã định nghĩa về NLTT là loại năng lượng được sản xuất từ ​​các nguồn có khả năng bổ sung tự nhiên và không cạn kiệt theo thời gian như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy năng…

Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa: “NLTT hay năng lượng tái sinh là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng năng lượng tái sinh là tách một phần năng lượng từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và đưa vào trong các sử dụng kỹ thuật. Các quy trình này thường được thúc đẩy đặc biệt là từ Mặt trời”.

Còn Điều 43, khoản 1 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: “NLTT là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác”. Tuy nhiên, văn bản luật trên hiện đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại không đề cập đến quy định về NLTT.

Từ những định nghĩa nêu trên có thể nhận thấy, mặc dù có nhiều điểm khác nhau, nhưng đều có điểm thống nhất về NLTT đó là là nguồn năng lượng mà nếu đo theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Vô hạn ở đây có thể hiểu là nguồn năng lượng này rất dồi dào đến mức mà nếu con người sử dụng thì cũng không thể cạn kiệt. Đây là nguồn năng lượng có sẵn trong tự nhiên và có thể tái tạo liên tục và nhanh chóng thông qua các quy trình, diễn biến tự nhiên.

Trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa và phát triển các định nghĩa nêu trên, có thể đưa ra khái niệm: “NLTT là những nguồn năng lượng có sẵn trong tự nhiên, được bổ sung thường xuyên, liên tục thông qua các quá trình tự nhiên, việc sản xuất, sử dụng chúng thân thiện với môi trường”.

Phân loại NLTT

NLTT tuy còn khá mới, nhưng hiện tại nguồn năng lượng sạch hoàn toàn này đang dần trở thành xu hướng toàn cầu và có vai trò quan trọng trong tương lai. NLTT có thể thành một số loại chính:

(i) Năng lượng Mặt trời (Solar energy): Loại NLTT này có nguồn gốc trực tiếp từ việc thu giữ bức xạ mặt trời. Tại đây, bức xạ mặt trời được hấp thụ bởi các cảm biến cụ thể và phát lại theo 2 chế độ hoạt động cụ thể:

+ Thu giữ tia nắng và chuyển hóa trực tiếp thành năng lượng thông qua các tấm pin mặt trời quang điện;

+ Thu giữ, thu thập và biến ánh sáng mặt trời thành nhiệt làm ấm nước hoặc không khí.

(ii) Năng lượng gió (Wind energy): Năng lượng gió là một dạng NLTT, sử dụng sức gió để tạo ra điện năng. Năng lượng gió là động năng của không khí di chuyển trong bầu khí quyển Trái Đất. Nguồn năng lượng gió được tạo ra bằng cách sử dụng sức gió để quay cánh quạt của tuabin.

(iii) Năng lượng thủy điện (Hydropower): Năng lượng thủy điện còn được gọi là thủy điện hoặc thủy năng, là nguồn năng lượng có được từ năng lượng nước, được tạo ra nhờ áp lực của nước khi chuyển động từ một độ cao nhất định xuống điểm thấp nhất của lòng sông, thông qua hệ thống tuabin điện cỡ lớn đã chuyển đổi cơ năng thành điện năng. Thủy điện thường được tạo ra từ những nơi đầu nguồn của các dòng sông, nơi có dòng chảy mạnh và liên tục.

(iv) Năng lượng sinh học (Biomass energy): Năng lượng sinh học là nguồn năng lượng được tạo ra từ các nguồn nguyên liệu sinh học hữu cơ chủ yếu như gỗ, rơm, các loại cây cỏ, chất thải sinh học. Quá trình chuyển đổi năng lượng thường bao gồm việc đốt cháy hoặc phân huỷ chất hữu cơ để tạo ra nhiệt độ hoặc sản xuất khí sinh học, nhiên liệu gồm:

– Năng lượng sinh khối: Các sản phẩm hữu cơ tái tạo tạo ra năng lượng được gọi là sinh khối. Quá trình sản xuất năng lượng sinh khối thường bao gồm việc chuyển đổi nguyên liệu hữu cơ thành nhiệt năng hoặc điện năng. Mỗi loại sinh khối khác nhau lại có cách khai thác năng lượng khác nhau, có thể đốt, nhiệt phân khí, pin nhiên liệu…

– Khí sinh học: Khí sinh học có thể hiểu là loại NLTT được tạo ra từ quá trình chuyển hoá chất thải hữu cơ, đặc biệt là chất hữu cơ từ thực phẩm, động vật, và các nguồn rác thải hữu cơ khác chuyển thành khí metan và CO2 thông qua sự phân huỷ sinh học. Khí sinh học có thể thu được từ phân của động vật chăn nuôi (lợn, dê, bò…) thông qua hầm ủ. Quá trình này thường xuyên xảy ra trong môi trường không có oxi, phân hủy anaerobic.

(v) Năng lượng thủy triều (Tidal and wave energy): Năng lượng thuỷ triều là nguồn NLTT được tạo ra bởi sự lên xuống của thuỷ triều, cụ thể là sự biến động của mực nước biển do ảnh hưởng của lực hấp dẫn từ Mặt Trời và Mặt Trăng. Năng lượng này là một dạng của thủy năng có thể chuyển đổi năng lượng thu được từ thủy triều thành các dạng năng lượng hữu ích khác, chủ yếu là điện.

(vi) Năng lượng địa nhiệt (Geothermal energy): Nguồn năng lượng địa nhiệt là nguồn NLTT có sẵn trong lòng đất, nguồn năng lượng tập trung ở khoảng vài km bên dưới bề mặt Trái Đất, có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân huỷ phóng xạ của các khoáng vật và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt Trái Đất.

TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NLTT Ở VIỆT NAM

Tiềm năng phát triển NLTT ở Việt Nam

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, đường bờ biển dài 3.260 km, khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp nên nguồn NLTT rất dồi dào và đa dạng[1], cụ thể như:

– Năng lượng gió: với đường bờ biển dài, có gió Tây Nam thổi vào mùa hè và tốc độ gió trung bình ở biển Đông Việt Nam khá mạnh. Nhờ vào đó nên Việt Nam có tiềm năng trong phát triển năng lượng gió. Ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, chúng ta có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió[2].

– Năng lượng mặt trời: Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng Mặt Trời, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam. Số giờ nắng trung bình khu vực phía Bắc trong khoảng từ 1.500–1.700 giờ nắng mỗi năm. Khu vực miền Trung và miền Nam có số giờ nắng trung bình hằng năm cao hơn, từ 2.000–2.600 giờ/năm[3]. Cường độ bức xạ Mặt Trời trung bình hàng ngày ở phía Bắc là 3,69 kWh/m2, ở phía Nam là 5,9 kWh/m2. Lượng bức xạ Mặt Trời phụ thuộc vào lượng mây và bầu khí quyển của từng địa phương. Cường độ bức xạ ở miền Nam thường cao hơn miền Bắc[4].

– Thủy điện: Việt Nam có tiềm năng khai thác công suất cho thủy điện khoảng 25.000–38.000 MW, trong đó 60% tập trung ở miền Bắc, miền Trung là 27% và 13% còn lại ở miền Nam Việt Nam đã khai khác gần hết thủy điện lớn (công suất trên 100 MW)[5]. Ở Việt Nam đã phát hiện được hơn 1.000 địa điểm có tiềm năng khai thác làm các dự án thủy điện nhỏ, dao động từ 30–100 MW, tổng công suất đạt hơn 7.000 MW[6]. Những địa điểm này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía bắc, bờ biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nguồn điện từ NLTT ngày càng tăng cao hơn so với các năm trước đó.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại NLTT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vấn đề đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn gặp những khó khan, trở ngại nhất định. Để có thể giải quyết một số vướng mắc khi đầu tư phát triển NLTT thì Nhà nước cần phải hoàn thiện các chính sách pháp luật để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này.

Thực trạng pháp luật về khuyến khích đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây, Nhà nước đã chú trọng trong việc khuyến khích đầu tư phát triển các nguồn NLTT. Điều này được thể hiện trong những văn bản quy phạm pháp luật như:

– Khoản 2, Điều 63, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, NLTT.”

– Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nhà nước đã đưa ra mục tiêu là: “Tăng tổng các nguồn NLTT sản xuất, sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE (tấn dầu tương đương) vào năm 2015 lên đạt khoảng 37 triệu TOE vào năm 2020; khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050. Tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2015 đạt khoảng 31,8%; khoảng 31,0% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44,0% vào năm 2050”[7]; định hướng phát triển cho giai đoạn từ nay đến 2030 trong đó có đầu tư phát triển các nhà máy phát điện sử dụng NLTT nối lưới.

– Khoản 2, Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường có đề cập về việc doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường gồm sản xuất năng lượng sạch, NLTT sẽ được ưu đãi và hỗ trợ. Ngoài ra tại khoản 3, Điều 144 quy định về phát triển dịch vụ môi trường đã khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường trong đó có hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, NLTT; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, NLTT, tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra: “Tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045”[8]. Nghị quyết cũng định hướng cụ thể về phát triển NLTT cụ thể là: “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm NLTT tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.”

Như vậy có thể thấy, Nghị quyết số 55, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã thể hiện được nhiều điểm mới trong chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc phát triển năng lượng quốc gia trong đó có đề cập đến việc ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn NLTT nhằm thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch.

Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đặt ra mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên NLTT, năng lượng mới.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển NLTT.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định gây khó khăn, trở ngại cho việc đầu tư phát triển NLTT, cụ thể như sau:

Một là, Việt Nam còn thiếu một luật chuyên biệt điều chỉnh các vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển NLTT. Các quy định pháp luật về phát triển năng lượng sạch nói chung, NLTT nói riêng ở nước ta được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa có sự tập trung, thống nhất cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Điện lực, Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định về cùng một vấn đề, dẫn đến tình khó khăn cho việc thực thi và áp dụng các quy định pháp luật có liên quan.

Hai là, các chính sách về NLTT mặc dù bước đầu đã được xây dựng nhưng chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định và còn tồn tại nhiều bất cập gây lo lắng, bất an cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn như: Quyết định số 21/QĐ-BCT, ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong đó có biểu giá điện (giá trần, giá cao nhất). Theo biểu giá này sẽ “Bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD; và bãi bỏ điều khoản Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp nối lưới…”. Điều này, gây ra sự lo lắng, bất an, quan ngại về việc không thể đảm bảo hiệu quả đầu tư do không đảm bảo các chỉ số kinh tế, tài chính khi áp dụng theo khung giá điện mới ban hành.

Ba là, còn thiếu các văn bản pháp quy quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển NLTT, phát triển công nghiệp NLTT đáp ứng nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu. Hiện nay, nước ta đang thiếu những văn bản pháp quy để điều chỉnh việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển NLTT, dẫn đến việc áp dụng quy định của pháp luật vào thực tiễn hoạt động đầu tư phát triển NLTT chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Bốn là, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về địa điểm xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất sản xuất NLTT chưa có sự thống nhất, còn rườm rà, gây tốn kém thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ, triển khai các dự án NLTT. Pháp luật và chính sách cần làm rõ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm về mặt pháp lý khi xây dựng đầu tư.

PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NLTT

Thứ nhất, các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về NLTT, trong đó có những quy định thống nhất về đầu tư phát triển NLTT, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam

Thứ hai, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể về đầu tư phát triển NLTT. Các văn bản pháp quy cần bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc, cam kết quốc tế, FTAs về năng lượng, chống biến đối khí hậu và bảo hộ đầu tư đối với NLTT, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển NLTT, phát triển công nghiệp NLTT, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện.

Thứ ba, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật trong lĩnh vực NLTT, cần tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển NLTT trong việc tiếp cận thị trường, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về thủ tục đầu tư, bảo đảm đầu tư, hưởng ưu đãi đầu tư, giải quyết tranh chấp về đầu tư phát triển NLTT.

Thứ tư, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện NLTT và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Thứ năm, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thị trường điện Việt Nam, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động của thị trường. Bên cạnh đó, cần sớm xem xét áp dụng các cơ chế, tiêu chuẩn sử dụng NLTT đối với các đơn vị sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch và có biện pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính./.


[1] Globalwindatlas. Info area Vietnam

[2] Globalwindatlas. Info area Vietnam

[3] Tấn Lực (ngày 19 tháng 4 năm 2019). “Miền Trung, miền Nam có nhiều tiềm năng điện mặt trời áp mái”

[4] Vũ Phong Solar (ngày 11 tháng 4 năm 2016). “Cường độ bức xạ năng lượng mặt trời tại các khu vực Việt Nam”

[5] Hiếu Công (ngày 11 tháng 12 năm 2018). “Việt Nam nói không với nhiệt điện than, được không?”

[6] Nguyễn, Mạnh Hiến (ngày 18 tháng 2 năm 2019). “Tổng quan tiềm năng và triển vọng phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam”

[7] Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

[8] Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Ellabban, Omar & Abu-Rub, Haitham & Blaabjerg, Frede (2014), Renewable energy resources: Current status, future prospects and their enabling technology, Renewable and Sustainable Energy Reviews, Elsevier, vol. 39(C), pages 748-764.

3. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

4. TrueWind Solutions, LLC (2001), Wind energy resource atlas of Southeast Asia.

Ngày nhận bài: 04/4/2024; Ngày phản biện: 12/5/2024; Ngày duyệt đăng: 17/5/2024