Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

Họp HĐTĐNN Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu đầu tư của dự án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc, quy hoạch Thủ đô Hà Nội và các địa phương, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị.

“Dự án có nghĩa quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội và các địa phương lân cận. Đặc biệt, Dự án được thực hiện vào đúng thời điểm chúng ta đang tăng cường đầu tư thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, điều này càng có ý nghĩa với Hà Nội cũng như các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng cũng như các bộ, ngành tập trung tham gia ý kiến khách quan, cụ thể để công tác thẩm định đạt chất lượng, bởi đây là dự án lớn, rất quan trọng, cấp thiết không chỉ với Hà Nội mà cả toàn vùng trong việc phát triển, đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước.

Họp HĐTĐNN Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Đường vành đai 4-Vùng Thủ đô có chiều dài gần 113km

Tại phiên họp, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án; đại diện Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành trình bày báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án.

UBND TP. Hà Nội đề xuất, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), đi qua địa phận TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo phương thức PPP có kết hợp đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là 87.225 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng là 2.823 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn ngân sách là 56.770 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 29.687 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 27.083 tỷ đồng); vốn BOT là 30.455 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện mà UBND TP Hà Nội đề xuất là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, hoàn thành công trình vào năm 2028. Dự án thành phần số 3 có mục tiêu đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (quy mô 4 làn xe, rộng 17 m với đường và 17,5 m với cầu) và tuyến nối 9,7 km sẽ được thực hiện theo hình thức PPP sẽ do UBND TP .Hà Nội là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là 87.225 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng là 2.823 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn ngân sách là 56.770 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 29.687 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 27.083 tỷ đồng); vốn BOT là 30.455 tỷ đồng.

Dự án thành phần số 3 có tổng mức đầu tư khoảng 61.784 tỷ đồng này được UBND TP Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Nhà đầu tư đề xuất là Vingroup.

Theo quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai.

Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về GPMB có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Trong giai đoạn phân kỳ, dự án có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.

UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất 8 nhóm cơ chế chính sách đặc thù kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng, về các vấn đề là: (1) Tổ chức thực hiện: Cho phép tách Dự án thành 3 hợp phần độc lập và thẩm quyết quyết định đầu tư giao cho UBND các địa phương tương ứng với từng dự án.

Họp HĐTĐNN Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

(2) Về nguồn vốn đầu tư, cho phép sử dụng chi vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho Hợp phần số 1 và 3; chuyển Kế hoạch vvoosn đầu tư công trung hạn cho các địa phương theo cơ cấu nguồn vốn của dự án; ưu tiên bố trí nguồn vốn giai đoạn 2026-2030 đầu tư hoàn chỉnh Dự án.

Cùng với đó là các vấn đề: (3) Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư; (4) Về thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh các dự án thành phần; (5) Về cơ chế chỉ định thầu; (6) về giải pháp đẩy nhanh các thủ tục thực hiện Dự án; (7) Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, đề xuất thứ 8 là cho phép phát hành trái phiếu chính phủ cho các địa phương vay. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất đai hai bên đường, dự kiến trong giai đoạn 2026-2030, các địa phương cân đối trả nguồn vay.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo kết quả thẩm định của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành; đồng thời tập trung trao đổi về phương án PPP; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, khả năng huy động vốn vay; các cơ chế chính sách đặc thù đối với việc triển khai dự án.

Các đại biểu cho rằng, đây là dự án lớn và khi được thực hiện sẽ mở ra không gian mới, cấu trúc lại mạng lưới đô thị, tạo cực tăng trưởng lớn; kết nối giao thông nội đô; phát triển không gian kinh tế, sắp xếp lại các ngành, lĩnh vực, kết nối hạ tầng. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về vấn đề phân làn; xác định cấu trúc, chi phí; nút giao, giải phóng mặt bằng; điều phối dự án; cơ chế quản lý tài chính theo PPP đối với dự án nhiều thành phần; nguồn vốn và huy động vốn;…

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; đánh giá cao sự tham gia của các thành viên, các đơn vị vào tổ công tác liên ngành; đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết, tính quan trọng, cấp bách cũng như tác động của dự án đối với sự phát triển của toàn vùng, từng địa phương trong vùng và toàn nền kinh tế; giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, tạo bước phát triển đột phá về phát triển kinh tế – xã hội, đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho các địa phương trong Vùng Thủ đô nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai và tận dụng các khu vực thuận lợi cho phát triển đô thị. Cần giải trình rõ những cơ sở, sự cần thiết đối với các dự án thành phần; đến phân kỳ đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc quốc gia; về vốn nhà nước tham gia dự án; rà soát lại tổng mức đầu tư; cơ chế đặc thù; rà soát, cập nhật số liệu chính xác…

Bộ trưởng đề nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tư vấn tiếp thu ý kiến để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trên tinh thần khẩn trương, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng để Dự án là động lực phát triển, sau khi đầu tư mở rộng không gian phát triển mới; là động lực, hành lang kinh tế chứ không đơn thuần là hành lang giao thông, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước./.