Thực trạng cấp đăng ký, quản lý dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh trước ngày 1/7/2023

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khung pháp lý hiện hành về hộ kinh doanh và đăng ký hộ kinh doanh được quy định cụ thể tại Chương VIII Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 04/01/2021. Các biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký hộ kinh doanh được quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2021.

Khắc phục các bất cập trong khung pháp lý đăng ký hộ kinh doanh
Việc thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐTtừ 1/7/2023 góp phần khắc phục các bất cập trong khung pháp lý đăng ký hộ kinh doanh hiện hành

Căn cứ các quy định pháp lý trên, việc tổ chức, thực hiện cấp đăng ký hộ kinh doanh trước ngày 01/7/2023 được tiến hành tại hơn 700 Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện trên toàn quốc (gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện), chưa có sự phối hợp liên thông với cơ quan thuế. Tổng thời gian cấp đăng ký hộ kinh doanh kể từ ngày hồ sơ hợp lệ (bao gồm tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là 3 ngày làm việc, tại cơ quan thuế là 3 ngày làm việc) là khoảng 6 ngày làm việc.

Việc cấp đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chủ yếu được thực hiện thủ công hoặc bởi các phần mềm tự phát triển, nhưng không thống nhất giữa các địa phương hoặc giữa các quận huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Do đó, không tạo lập được kho cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký hộ kinh doanh của cả nước, gây nhiều khó khăn, hạn chế không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký hộ kinh doanh cấp tỉnh, cấp trung ương, mà còn đối với công tác phối hợp quản lý nhà nước về hộ kinh doanh giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Nhìn chung, tại hầu hết các tỉnh, cơ quan đăng ký kinh doanh không cập nhật, không báo cáo được tình hình đăng ký của hộ kinh doanh tại tất cả các quận, huyện thuộc phạm vi quản lý theo thời gian thực để tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Trên cơ sở tổng hợp của 63 cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh về việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh tại thời điểm năm 2022 đối với khoảng 700 cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận huyện, kết quả khảo sát sơ bộ được mô tả tại Bảng 1 như sau:

Bảng 1: Tổng hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu hộ kinh doanh tại địa phương

TT

Tiêu chí

Số lượng HKD

Ghi chú

I.

Địa phương có sử dụng phần mềm dùng chung trong phạm vi cấp tỉnh

Khoảng 3,1 triệu

1

TP. Hà Nội

817.028

2

Bình Dương

170.512

Có 7/9 quận huyện dùng chung 1 phần mềm

3

An Giang

126.981

4

Quảng Ninh

97.332

5

Long An

87.063

6

Kiên Giang

82.804

7

Đà Nẵng

69.935

Sử dụng 2 phần mềm tại 5 quận, huyện

8

Bến Tre

67.680

9

Thừa Thiên Huế

66.974

10

Tây Ninh

59.481

11

Sóc Trăng

47.192

12

Hà Tĩnh

40.668

Có 12/13 quận, huyện dùng chung 1 phần mềm

13

Cà Mau

36.018

14

Trà Vinh

25.523

II.

Địa phương sử dụng các phần mềm đặc thù khác nhau

1

TP. Hồ Chí Minh

606.532

Sử dụng 10 phần mềm tại 21 quận, huyện

2

Đồng Nai

116.505

Sử dụng 3 phần mềm tại 5/13 quận, huyện

3

Đắk Lắk

81.281

Sử dụng 4 phần mềm tại 11/15 quận, huyện

4

Khánh Hòa

73.011

Sử dụng 4 phần mềm tại 5/8 quận, huyện

5

Thanh Hóa

45.736

Sử dụng 6 phần mềm tại 13/27 quận huyện

II.

Địa phương không sử dụng phần mềm, cấp và quản lý hoàn toàn thủ công

Khoảng 2,5 triệu

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các tồn tại bất cập

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, từ các số liệu khảo sát thực tiễn được tổng hợp nói trên, có thể nhận thấy không ít những hạn chế, bất cập trong công tác đăng ký và quản lý dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh trước ngày 01/7/2023 trên phạm vi cả nước. Cụ thể:

Thứ nhất, khó khăn trong báo cáo, tổng hợp tình hình đăng ký hộ kinh doanh theo thời gian thực. Việc quản lý dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh không được thống nhất giữa các địa phương, nhất là một số địa phương vẫn còn thực hiện thủ công trong đăng ký và quản lý hộ kinh doanh, dẫn đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và cấp trung ương, thậm chí cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận huyện (nếu làm thủ công) không tổng hợp được chính xác tình hình cập nhật thực tế thông tin về đăng ký của hộ kinh doanh thuộc phạm vi mình quản lý và trên phạm vi tỉnh, phạm vi cả nước.

Thứ hai, khó khăn trong tìm kiếm thông tin đăng ký hiện tại và dữ liệu đăng ký lịch sử của hộ kinh doanh. Đối với các địa phương cấp đăng ký và quản lý thủ công, thì việc tra cứu thông tin đăng ký hiện tại và các lần thay đổi trước đó của hộ kinh doanh cụ thể đều hoàn toàn phải dựa vào việc tìm kiếm bản cứng tại nơi lưu trữ. Điều này tốn thời gian và công sức của cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, thiếu sự minh bạch hóa thông tin và sự giám sát của cộng đồng đối với thông tin đăng ký của hộ kinh doanh. Dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh chưa được chú trọng để phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin trên môi trường mạng internet, dẫn đến hạn chế đáng kể đối với các bên thứ ba, cộng đồng và các cơ quản quản lý nhà nước khác khi không nắm bắt được thông tin chính thống về đăng ký của hộ kinh doanh, gây khó khăn trong việc đối tác tìm hiểu thông tin đăng ký hộ kinh doanh, đồng thời làm giảm vai trò giám sát của cộng đồng đối với dữ liệu thông tin đăng ký này.

Thứ tư, quy trình cấp đăng ký kinh doanh và cấp đăng ký thuế cho hộ kinh doanh chưa có sự liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, thời gian cấp đăng ký cho hộ kinh doanh gia nhập thị trường bị kéo dài; dữ liệu đăng ký của hộ kinh doanh tại hai ngành không được chia sẻ.

Thứ năm, khó khăn trong cập nhật, nắm bắt tình hình thực tế trong đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh, khả năng dự đoán xu hướng và dự báo tình hình phát triển hộ kinh doanh gặp nhiều hạn chế.

Khắc phục các bất cập trong khung pháp lý

Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác đăng ký kinh doanh, quản lý dữ liệu đăng ký của hộ kinh doanh như đề cập ở trên và hướng tới phục vụ liên thông điện tử trong đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, thời gian qua, hai cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trung ương là Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu các quy trình, đề xuất các quy định pháp lý mới, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin phù hợp để cải cách mạnh mẽ đăng ký kinh doanh đối với đối tượng này.

Sau quá trình nỗ lực, ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, ngày 18/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, ngày 16/3/2021 để bổ sung quy định về việc liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh. Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Do vậy, kể từ ngày 01/7/2023, các văn bản pháp luật quy định về hộ kinh doanh và đăng ký hộ kinh doanh vẫn có hiệu lực thi hành, gồm: Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT và Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT. Tuy nhiên, một số quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT đã được thay thế bởi Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT.

Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT có một số điểm mới, góp phần khắc phục các bất cập trong khung pháp lý đăng ký hộ kinh doanh tại các quy định hiện hành, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung một Điều quy định về việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận và nhập thông tin hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh vào Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, số hóa, đặt tên văn bản điện tử tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy và tải lên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh. Các thông tin đăng ký hộ kinh doanh trên Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh được truyền sang Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế để phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện và cơ quan thuế.

Thứ hai, làm rõ một số khái niệm như: “đăng ký hộ kinh doanh”, “Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh”, “Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh”, “mã số hộ kinh doanh”. Đây là những khái niệm cơ bản để phục vụ công tác đăng ký hộ kinh doanh trên môi trường thông tin điện tử, cũng như việc liên thông đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh.

Thứ ba, bổ sung khái niệm về mã số hộ kinh doanh. Mã số này là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế truyền sang Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh, đồng thời là mã số thuế của hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh được sử dụng để thực hiện liên thông thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, phục vụ công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về hộ kinh doanh./.