Những nhận định này được nêu tại Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, sáng 25/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội đồng thời, công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của

Khó khăn bủa vây, song tăng trưởng năm 2022 vẫn có thể đạt mục tiêu 6-6,5%
Đông đảo diễn giả tham gia Hội thảo

Nhiều khó khăn bủa vây

Tại hội thảo, GS, TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Năm 2021 chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa từng có của nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh; nhiều tỉnh, thành phố lớn phải giãn cách xã hội.

Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.

Dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới lỏng một số quy định an toàn hệ thống để hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Sau một thời gian dài có xu hưởng giảm thì nợ xấu đã tăng trở lại. Những khó khăn của khu vực kinh tế thực cuối cùng có thể sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính. Những rủi ro bất ổn và thiếu lành mạnh đã xuất hiện trên các thị trường chứng khoán (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp) và thị trường bất động sản.

Như vậy, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn.

“Vì vậy việc đánh giá tổng quan kinh tế năm 2021 cũng như thực trạng những bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển”, ông Chương chỉ rõ.

Đánh giá tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2021, PGS, TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm mạnh ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây.

Nguyên nhân chủ yếu từ cú sốc suy thoái nặng nề trong quý III với sự lan rộng của biến chủng Delta, đã gần như vô hiệu hóa các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các chính sách phản ứng còn chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa các địa phương; nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã bị phong tỏa trong thời gian dài.

Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì, nhưng hiệu quả suy giảm.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo và kinh tế số – những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Khó khăn bủa vây, song tăng trưởng năm 2022 vẫn có thể đạt mục tiêu 6-6,5%
Ông Tô Trung Thành nhận định, tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5%

Tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5%, nếu…

Thay mặt nhóm nghiên cứu của NEU, ông Tô Trung Thành nhận định, tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5% nhưng lạm phát dưới 4% là khó đạt.

Động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại, đầu tư công, tác dụng của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đây cũng là thời điểm ngành dịch vụ có cơ hội phục hồi mạnh mẽ với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế.

PGS, TS. Tô Trung Thành cho rằng, chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất.

“Trong bối cảnh hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng, trong khi lại dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô”, vị chuyên gia này lưu ý.

Vì thế, theo ông Thành, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

“Những khó khăn nền kinh tế phải đối mặt sau hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu lớn cho việc hướng dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản”, ông Thành nói.

Còn ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam đưa khuyến nghị rằng, Việt Nam phải linh hoạt hơn để có thể ứng phó với những biến động của thị trường nội địa. Những mục tiêu phát triển cần hướng tới bền vững và bao trùm. .

Trong giai đoạn tiếp theo, chính sách tài khóa vừa hỗ trợ phục hồi vừa giúp chuyển đổi các mục tiêu của nền kinh tế. Nếu trong tình huống rủi ro lạm phát hiện hữu, thì chính sách tài khóa phải đảm bảo tính hỗ trợ. Chính sách tài khóa cần phải hỗ trợ các ngân hàng trung ương hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng của đại dịch.

“Hiện tại, các chính sách tiền tệ đang thể hiện khả năng hỗ trợ nhất định, nhưng có khả năng bị giới hạn trong tương lai”, đại diện IMF nhận định.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ đồng thời phải đưa ra các lý giải rõ ràng về mục tiêu kiềm chế lạm phát về sau. Chính sách tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo mục tiêu ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng.

“Khu vực tài chính, ngân hàng phải được quan tâm nhiều hơn, vì vai trò quan trọng của chúng trong tăng trưởng trung hạn. Các điều khoản về giãn nợ phải được linh hoạt hơn”, ông nói.

“Như vậy, các biện pháp đo lường rủi ro sẽ rất quan trọng trong sự phát triển của hệ thống tài chính – ngân hàng. Cần có biện pháp đảm bảo tính ổn định của các khu vực này”, ông Francois đề xuất.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, tăng trưởng quý I đạt 5,3%, vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đạt 6,5%, các quý còn lại chắc chắn phải tăng trưởng trên 6%.

Thế nhưng, ông Cung cho rằng, tổng cầu suy giảm, song chúng ta chưa có giải pháp tăng tổng cầu, mà vẫn là phục hồi tự nhiên, chưa thấy nhờ chính sách để phục hồi.

“Năm nay, ngoài mở cửa thị trường ra, thì không có được những giải pháp như các năm trước”, ông Cung quan ngại. “Chúng ta kỳ vọng duy nhất là gói phục hồi, nhưng vẫn thiết kế một cách truyền thống, thực thi một cách truyền thống, nên tăng trưởng 6%-6,5% năm nay là một thách thức”, ông nhận định.

Về xuất khẩu, tuy các yếu tố bên ngoài tác động không thuận, nhưng TS Nguyễn Đình Cung tin rằng xuất khẩu năm nay vẫn đạt tốc độ tốt vì những thị trường chủ yếu của Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định, trong điều kiện dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế. Về dài hạn, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ để chủ động thích ứng và có những bước đi phù hợp; đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực… trong bối cảnh mới.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại nhấn mạnh vai trò của thực thi chính sách. Ông cho rằng, hiện nay chính sách đã có rồi, bây giờ, cần tập trung nỗ lực thực thi nhanh, hiệu quả.

“Tôi đồng ý với anh Cung. Quan trọng thực thi có thể có sáng kiến gì mới không?”, ông Hiếu nêu quan điểm và lấy ví dụ như giải ngân đầu tư công, đang đợi phê duyệt danh mục đầu tư, nếu đợi toàn bộ các dự án mới phê duyệt thì mất rất nhiều thời gian. Vì thế, nên thông qua sớm các dự án đã đủ điều kiện.

Ông Hiếu cũng “rất quan ngại” về việc thực thi gói chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bởi chậm thực thi sẽ giảm rất nhiều hiệu quả của chính sách. Đến nay, Chương trình phục hồi nền kinh tế mới ban hành được gói VAT, hỗ trợ tiền thuê nhà.

Vì thế, cần “tìm kiếm cách làm mới trong thực thi các chính sách đã được ban hành”, ông Hiếu đề xuất./.