Không để thất thoát, lãng phí

Tại phiên Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Biên Hòa – Vũng Tàu, diễn ra hôm nay (ngày 10/6), theo Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Chau Chắc (An Giang), đề xuất cần tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quản lý, khai thác, vận hành các dự án đúng quy định của pháp luật; sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra trục lợi, thất thoát, lãng phí, tham nhũng…

Không để xảy ra trục lợi, tham nhũng khi triển khai 3 dự án đường cao tốc
Đại biểu Quốc hội Chau Chắc (An Giang) đề xuất cần tăng cường kiểm tra các nhà thầu, kịp thời chấn chỉnh sai sót (ảnh: Quốc hội)

“Cần tăng cường kiểm tra các nhà thầu, kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm. Có giải pháp giải quyết hiệu quả những tác động tiêu cực đến dự án và thu hồi vốn…”, ông Chắc đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công…

Quan tâm đến khía cạnh giải phóng mặt bằng của các dự án, Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho rằng, tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp, nên đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư, để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.

Liên quan đến trách nhiệm của các địa phương trong quá trình triển khai dự án, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, trong Nghị quyết nên chăng cần quy định rõ trách nhiệm của các địa phương có đường cao tốc đi qua cần phải giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù giống như đối với các dự án của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

“Nên chăng trong Nghị quyết cũng quy định về trách nhiệm của các địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện. Cần giao cho các tỉnh đảm bảo mặt bằng sạch cho các dự án…”, ông Bình gợi mở.

Địa phương phải quyết tâm, không có mặt bằng, không khởi công được…

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cho biết, về nguồn vốn, đối với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, 10 năm qua Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công. Do vậy, đến thời điểm này, hình thức đầu tư công là hợp lý nhất, bởi nếu chậm trễ, thì TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai không phát triển được.

Không để xảy ra trục lợi, tham nhũng khi triển khai 3 dự án đường cao tốc
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (ảnh: Quốc hội)
Giải trình về tiến độ giải ngân, ông Thể cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải dự tính, đến giữa năm 2023 hoặc quý IV/2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần để triển khai theo quy định của pháp luật…

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án, ông Thể cho rằng, địa phương phải quyết tâm, không có mặt bằng, không khởi công được. Do đó, các địa phương cần xem như đây là một dự án trọng điểm của địa phương và phải triển khai quyết liệt…

Về quy mô đầu tư, ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đối với đường Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột nên làm cao tốc 2 làn xe. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục giữ như Chính phủ trình, đoạn Bình Thuận làm 4 làn xe hạn chế, còn hầm và cầu làm theo 4 làn xe đầy đủ đúng theo quy hoạch. Nếu triển khai 2 làn xe, sau khi dự án hoàn thành và kết nối với các khu công nghiệp, sẽ không đáp ứng yêu cầu. Mong Quốc hội ủng hộ theo phương án trình của Thủ tướng…

Về phân cấp, Bộ trưởng cho biết đã trình bày trong Tờ trình của Chính phủ, mặc dù địa phương sẽ lúng túng trong triển khai, nhưng đối với 3 dự án này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm đầu mối cùng với các địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn giúp các địa phương thực hiện. Dự kiến, Chính phủ tổ chức họp thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tế…/.