Trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tại Cuộc họp lần thứ 16 của Nhóm Công tác Liên Chính phủ mở về thu hồi tài sản diễn ra cuối năm 2022 tại Áo, có nhiều thực tiễn tốt về minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi đã được chia sẻ. Theo đó, kinh nghiệm của Áo và Ghana sẽ là những gợi ý hay cho Việt Nam trong việc minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi.

Kinh nghiệm của Áo và Ghana về minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi và gợi ý cho Việt Nam
Ảnh minh họa: UNCAC Coalition

Kinh nghiệm của Áo về minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi

Năm 2018, Áo đã thiết lập sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi. Một tính năng quan trọng của sổ đăng ký này là được kết nối cao với các sổ đăng ký khác của Chính phủ, chẳng hạn sổ đăng ký kinh doanh và đăng ký trung tâm của cư dân.

Các công ty được yêu cầu cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi hàng năm. Nếu không báo cáo sẽ bị xử phạt cưỡng chế tự động và có thể được chuyển đến cơ quan phòng, chống gian lận để xử lý.

Áo đã thực hiện một cách tiếp cận đa chiều để đảm bảo rằng thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được đầy đủ, chính xác và cập nhật. Cách tiếp cận đó bao gồm: Hoạt động giám sát dựa trên rủi ro của cơ quan đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi; quy định về việc hợp tác ở cấp độ trong nước (với đơn vị tình báo tài chính, cơ quan thuế, cục tình báo và các cơ quan chức năng khác) và ở cấp độ quốc tế, với các biện xử phạt vi phạm có hiệu quả; và các thực thể báo cáo thu thập và xác minh thông tin chủ sở hữu hưởng lợi về khách hàng và báo cáo các nội dung khác biệt đối với sổ đăng ký.

Các tổ chức tín dụng có thể yêu cầu các công ty sửa thông tin trong sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi thông qua tự báo cáo và được thông báo về bất kỳ thay đổi nào trong thông tin chủ sở hữu hưởng lợi liên quan đến khách hàng của họ.

Ngoài ra, khuôn khổ minh bạch về chủ sở hữu hưởng lợi cho phép tích hợp thông tin trong sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi với dữ liệu trong sổ đăng ký kinh doanh do các chủ thể có nghĩa vụ nắm giữ.

Áo thực hiện các đánh giá, kiểm toán dựa trên rủi ro và kiểm tra chéo đối với các pháp nhân và các quy định.

Kinh nghiệm của Ghana

Tại Ghana, các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2016.

Năm 2019, Luật Doanh nghiệp đã được tái sửa đổi, trong đó định nghĩa mở rộng hơn về chủ sở hữu hưởng lợi bao gồm tất cả các hình thức kiểm soát có liên quan, cả trực tiếp và gián tiếp, và quy định mở rộng về quyền tiếp cận sổ đăng ký.

Năm 2020, tất cả công ty và pháp nhân khác được yêu cầu báo cáo thông tin cho sổ đăng ký điện tử quốc gia. Sổ đăng ký được công khai và có thể được tiếp cận trực tiếp bởi đơn vị tình báo tài chính và công chúng với một khoản phí nhỏ. Cơ quan đăng ký ở Ghana cấm các công ty không cung cấp lợi ích thông tin về chủ sở hữu thực hiện hoạt động kinh doanh trong nước.

Ghana đã tiến hành đánh giá rủi ro các pháp nhân để phân loại các công ty thành các loại rủi ro khác nhau và đã bắt đầu với một dự án thí điểm trong lĩnh vực khai khoáng. Dữ liệu đã được thu thập theo từng giai đoạn, bắt đầu với các thực thể có rủi ro cao, tiếp theo là các thực thể khác.

Trên cơ sở đánh giá rủi ro, các thực thể có rủi ro cao phải báo cáo về chủ sở hữu hưởng lợi với ngưỡng sở hữu 5%, trong khi với các công ty có rủi ro thấp hơn, ngưỡng sở hữu là 20%. Những người có ảnh hưởng về chính trị địa phương được yêu cầu khai báo tình hình của họ với tư cách là những người có ảnh hưởng về chính trị.

Chủ sở hữu hưởng lợi và tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền 2022, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế một hoặc một số tài sản, có quyền chi phối khách hàng thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản cho cá nhân này; là cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý.

Tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền được quy định như sau:

(1) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là cá nhân như sau:

– Trường hợp khách hàng mở tài khoản, đối tượng báo cáo xác định cá nhân sở hữu thực tế một tài khoản hoặc chi phối hoạt động của tài khoản đó;

– Trường hợp khách hàng thiết lập mối quan hệ với đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo xác định cá nhân thiết lập mối quan hệ và thực tế chi phối mối quan hệ đó.

(2) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là tổ chức như sau:

(i) Đối tượng báo cáo xác định cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của tổ chức đó hoặc cá nhân cuối cùng có quyền chi phối đối với khách hàng là tổ chức;

(ii) Trường hợp không xác định được cá nhân theo quy định tại (i) phần (2), đối tượng báo cáo xác định ít nhất một người đại diện theo pháp luật của tổ chức, trừ trường hợp cá nhân đại diện vốn nhà nước trong tổ chức;

(iii) Trường hợp tổ chức là doanh nghiệp đã niêm yết trên các thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài, đồng thời thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của tổ chức đã được công bố, đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân được công bố đó.

(3) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với thỏa thuận pháp lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Phòng chống rửa tiền 2022.

(4) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cá nhân thực tế thụ hưởng quyền lợi của người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Khung pháp lý của Áo và Ghana cho thấy, việc đánh giá rủi ro cập nhật liên quan đến các pháp nhân để xác định những biện pháp dựa trên rủi ro đối với các loại pháp nhân cụ thể là cần thiết.

Việc Nam cũng cần thiết lập sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi. Kinh nghiệm của Áo cho thấy, tính năng quan trọng của sổ đăng ký này là được kết nối cao với các sổ đăng ký khác của Chính phủ, chẳng hạn sổ đăng ký kinh doanh và đăng ký trung tâm của cư dân.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên cũng cho thấy, tầm quan trọng của việc kịp thời chia sẻ thông tin sở hữu hưởng lợi trên phạm vi quốc tế, bao gồm thông qua các kênh hợp tác không chính thức. Lợi ích của một chuẩn mực mới về chủ sở hữu hưởng lợi như một biện pháp ngăn chặn, cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và tạo ra mạng lưới có tác dụng khuyến khích các nước khác trên thế giới làm theo cũng được nhấn mạnh.

Tính minh bạch và khả năng tiếp cận kịp thời thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng được lưu ý. Các biện pháp quốc gia được đề cập trong lĩnh vực đó bao gồm: Việc công khai đăng ký kinh doanh và/hoặc chủ sở hữu hưởng lợi, quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và các cơ quan quốc gia có quyền tiếp cận trực tiếp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Đặc biệt, cần thiết phải thiết lập cơ chế cập nhật thường xuyên và xác minh tính chính xác của thông tin được lưu giữ trong sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi, bao gồm thông qua kết nối và kiểm tra chéo tự động với dữ liệu được giữ trong sổ đăng ký công khai khác nhau./.