KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Singapore

Singapore tiêu biểu cho khuynh hướng tạo ra du lịch xanh. Đây không phải là một quốc gia giàu tài nguyên, nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo.

Là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế, nhưng Singapore đã phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) (2020), diện tích quốc đảo chỉ có 710 km2, với trên 60 hòn đảo nhưng có đến 5,8 triệu người đang sinh sống, làm việc ở đây, trong đó có gần 2 triệu người nước ngoài. Trong những thành công của Singapore thời gian qua, phải kể đến sự thành công của chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch xanh. Theo Tổng cục Du lịch Singapore (STB) (2019), quốc đảo này chạm mốc 19 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, tăng nhẹ so với năm 2018 (18,5 triệu lượt khách quốc tế) và tăng 6,2% so với năm 2017. Và đây cũng là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây. Hàng năm, doanh thu từ du lịch đóng góp cho nền kinh tế của quốc đảo này chiếm từ 3%-5% GDP, đạt trên 27 tỷ đô la Singapore năm 2018 và gần 28 tỷ đô la Singapore năm 2019. Hơn nữa, Singapore cũng là nước có rất nhiều khách sạn hàng đầu thế giới, như: Hotel 81, Furama City Centre Hotel, Capella Singapore Hote… với tỷ lệ các phòng được sử dụng rất cao trên 80%. Đây thực sự là những con số ấn tượng của ngành du lịch ở một đất nước nhỏ bé, ít tài nguyên và chưa hẳn đã có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như Singapore.

Singapore tiêu biểu cho khuynh hướng tạo ra du lịch xanh. Đây không phải là một quốc gia giàu tài nguyên, nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo. Vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được các “siêu cây” cao từ 22-50 mét, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Vườn cây này ngay khi được khai trương đã có hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Có được kết quả này là do, chính sách hoạch định, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn của Chính phủ Singgapore. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986), “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015” , “Địa giới du lịch 2025”.

Với “Kế hoạch phát triển du lịch” (năm 1986), Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử văn hóa, như: Khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Little India, Kampong Glam, sông Singapore. Với “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), Singapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, trong đó chú trọng đến phát triển du lịch xanh.

Năm 1996, Singapore triển khai “Du lịch 21”, chuẩn bị và thực hiện tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của du lịch trong thế kỷ 21, với các chiến lược thị trường du lịch mới nổi, chiến lược du lịch khu vực, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, chiến lược nguồn vốn du lịch, chiến lược “Nhà vô địch du lịch Singapore”.

Trong “Du lịch 2015” và “Địa giới du lịch 2025”, Singapore tập trung phát triển các thị trường chính với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về Singapore, phát triển Singapore thành một điểm du lịch “phải đến”, cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ đáng nhớ cho khách du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm trọng tâm của du lịch… Hàng năm, Singgapore chi hàng trăm triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch cũng như phát triển nguồn nhân lực du lịch. Từ năm 2015, Singapore đã chi hàng tỷ đô la Singapore cho Quỹ phát triển du lịch, đặc biệt là cho phát triển du lịch xanh. Chính sách phát triển này đã giúp ngành du lịch của Singapore đạt được những kết quả mà bất cứ quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới đều mong muốn.

Thái Lan

Ủy ban Du lịch Thái Lan nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi đến khách du lịch.

Thái Lan là điểm đến du lịch của châu Á với những bãi biển đẹp như tranh và các khu tham quan nổi tiếng với bản sắc riêng của quốc gia này. Theo Amorn Harnkham (2018), năm 2017, nước này đã đón 37 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có 10 triệu lượt khách đến từ Hàn Quốc, ngoài ra một lượng lớn từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Có được kết quả này là nhờ, Thái Lan có một vị trí chiến lược về địa lý tại khu vực, trung tâm phát triển du lịch tại châu Á. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, như: phương tiện giao thông công cộng, ô tô, đường sắt để tạo điều kiện kết nối cho phát triển du lịch. Đặc biệt, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về những ý tưởng làm du lịch xanh. Tháng 5/2012, Thái Lan được trao giải thưởng của Tổ chức Du lịch Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA) cho chiến dịch “7 Green Tourism”, đó là: Tâm xanh – Vận chuyển xanh – Điểm đến xanh – Cộng đồng xanh – Hoạt động xanh – Dịch vụ xanh – Phương pháp tiếp cận xanh vượt trội. Trong chiến dịch này, Ủy ban Du lịch Thái Lan nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi đến khách du lịch (Thanh Lê, 2019).

Năm 2017, Thái Lan xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch lần 2 trong giai đoạn 2017-2021 nhằm thúc đẩy cạnh tranh du lịch Thái Lan, trong đó luôn lưu ý đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Kế hoạch phát triển du lịch lần 2 trong giai đoạn 2017-2021 bao gồm 5 chiến lược nhằm thúc đẩy chất lượng du lịch, đó là: (1) Phát triển các điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ, bao gồm khuyến khích phát triển bền vững, môi trường thân thiện và tính toàn vẹn. Chiến lược tập trung vào việc cải thiện các thành phần cốt lõi của du lịch nhằm tập trung vào các điểm đến và dịch vụ hấp dẫn. Dịch vụ du lịch nên đạt được tiêu chuẩn quốc tế và sở hữu các giá trị độc đáo, khác biệt. Phát triển dịch vụ du lịch nên được thực hiện theo xu hướng môi trường thân thiện và cân bằng về vị trí, thời gian cũng như phân đoạn du lịch. Các yếu tố này sẽ thúc đẩy các cơ hội, thu nhập và sự giàu có của đất nước; (2) Phát triển, cải thiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tiện nghi mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, môi trường địa phương. Chiến lược tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và tiện nghi cần thiết nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngành du lịch. Chiến lược hướng đến các tiện ích về giao thông, cơ sở vật chất và tiện nghi cho khách du lịch, an toàn và an ninh cho du khách; (3) Thúc đẩy phát triển tiềm năng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức du lịch cho người dân Thái Lan. Chiến lược tập trung vào việc phát triển nguồn lực du lịch thông qua đào tạo và thúc đẩy chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các nỗ lực phát triển nguồn nhân lực nên bảo đảm sự tham gia hợp tác của các bên liên quan ở khu vực công và tư nhân đáp ứng chất lượng và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường. Chiến lược này cũng khơi dậy lòng hiếu khách của Thái Lan thông qua ý thức của người dân và hợp tác tích cực với các cộng đồng địa phương; (4) Tạo sự cân bằng giữa các nhóm mục tiêu du lịch thông qua tiếp thị. Chiến lược tập trung vào cải thiện thương hiệu du lịch Thái Lan trở thành điểm đến chất lượng. Điều này giúp cho du lịch Thái Lan phát triển cân bằng và chất lượng; (5) Tổ chức hợp tác và hội nhập giữa các khu vực công và khu vực tư nhân trong phát triển và quản lý du lịch, bao gồm hợp tác quốc tế.

ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM

Việt Nam nằm ở vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, lãnh thổ Việt Nam trải dài trên 15 độ vĩ tuyến với ¾ là địa hình đồi núi và cao nguyên, với hơn 3.200 km đường bờ biển, hàng ngàn hòn đảo… Việt Nam có sự đa dạng sinh học khá cao, cũng như các hệ sinh thái đặc trưng. Trên lãnh thổ đó là nơi sinh sống của cộng đồng 54 dân tộc anh em với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và đấu tranh giữ nước với nhiều truyền thống có những nét đặc trưng riêng, nhiều di tích văn hoá lịch sử nên Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển du lịch xanh cũng như du lịch sinh thái.

Kinh nghiệm phát triển du lịch xanh ở một số quốc gia châu Á và đề xuất cho Việt Nam
Việt Nam nên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là phát triển du lịch xanh

Nhận thức rõ vai trò của du lịch xanh đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và bảo vệ tài nguyên, môi trường bảo đảm cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, vào tháng 9/1999, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Các uỷ ban kinh tế – xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức Hội nghị quốc tế về xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển hoạt động du lịch sinh thái của Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hoá và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.

Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú ý tới phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh… (Nguyễn Văn Đính, 2020).

Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển, cụ thể: phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu… Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa được thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích; những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Vì vậy, để phát triển du lịch xanh, đồng thời cũng là hướng đến phát triển du lịch bền vững, theo tác giả, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch của quốc gia thì đây luôn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo đó, hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao sẽ được xây dựng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hoá địa phương. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá và sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch của quốc gia, của địa phương và các đô thị du lịch. Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch phù hợp với các điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực của các địa phương. Đặc biệt là phát huy được các điểm mạnh vốn có của các địa phương.

Thứ hai, phát triển hạ tầng cơ sở vật chất. Việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tâng giao thông công cộng, quy hoạch không gian công cộng, rồi thông tin, truyền thông, năng lượng, môi trường và các lĩnh vực liên quan phải bảo đảm được tính đồng bộ, đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách, đặc biệt là hệ thống các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ phục vụ du lịch…

Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ngành du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Ngoài ra, các trường học và các công ty du lịch cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế…

Thứ tư, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là phát triển du lịch xanh. Chú trọng nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện quản lý theo quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước; quy hoạch phát triển du lịch theo các vùng, địa phương; quy hoạch các khu du lịch tổng hợp và khu du lịch chuyên đề, để tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời, trước khi phát triển ngành, lĩnh vực khác, Nhà nước cần có những đánh giá tác động đối với ngành du lịch, để từ đó có sự lựa chọn ưu tiên phát triển ngành nào dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Thứ năm, phát triển thị trường và tập trung xây dựng thương hiệu. Theo đó, cần tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, trong đó chú ý các thị trường khách đến từ: Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tây Âu, Đông Âu. Mở rộng thu hút khách đến từ các thị trường mới như: Trung Đông, Ấn Độ. Phát triển mạnh thị trường trong nước, quan tâm phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm. Đẩy mạnh xúc tiến, giới thiệu theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm, gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư và đối ngoại, văn hoá. Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch, nhất là những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực này cần đặc biệt đề cao yếu tố phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương để bảo đảm tính thống nhất.

Thứ sáu, nâng cao và cải thiện môi trường pháp lý. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về du lịch; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển. Ngành du lịch cần đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành, kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý, qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch.

Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư và liên kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch. Thực hiện chính sách phát triển bền vững với chính sách ưu đãi phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; khuyến khích xã hội hoá, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực liên quan của du lịch. Mở rộng hợp tác quốc tế, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ, tận dụng sự hỗ trợ quốc tế, tăng cường hội nhập và nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030

2. Thanh Lê (2019). Du lịch xanh: Chìa khóa của du lịch bền vững, Tạp chí Du lịch, tháng 1+2, năm 2019

3. Nguyễn Văn Đính (2020). Phát triển du lịch xanh Việt Nam, truy cập từ http://vtr.org.vn/phat-trien-du-lich-xanh-viet-nam.html

4. Hoàng Lân (2019). Du lịch xanh: Xu hướng cấp thiết toàn cầu, truy cập từ https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/930492/du-lich-xanh-xu-huong-cap-thiet-toan-cau

5. Amorn Harnkham (2018). A sky –high view of Bangkok, Travel +leisure, March 2018

6. STB (2020). Tourism sector performance, Q4 2019 report, access to https://www.stb.gov.sg/content/dam/stb/documents/statistics-marketing insights/ PerformanceReport/STB%20Q4%202019%20FA%20v7.pdf

7. UNDP (2020). Human Development Report 2020, access to http://hdr.undp.org/sites/default/files/hdr2020.pdf

ThS. Phạm Đình Dũng

Khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Ngân hàng

(Bài viết được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15, tháng 5/2021)