Đó là nhận định của Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 diễn ra vào sáng 9/9 tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng cơ bản ổn định. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.

Kinh tế-xã hội tháng 8 đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho quý III và cả năm 2023

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, xử lý căn bản, hiệu quả nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài của nền kinh tế; chủ động giải quyết, ứng phó những vấn đề mới phát sinh, bộc lộ rõ nét hơn trước các thách thức từ bên ngoài, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

Tính chung 8 tháng, Chính phủ ban hành 61 nghị định, 154 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 23 quyết định quy phạm pháp luật, 1.061 quyết định cá biệt, 24 chỉ thị.

Nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tình hình kinh tế tháng Tám và 8 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, tạo đà cho quý III và cả năm.

Trong đó, một trong những điểm tích cực tiếp tục được nhấn mạnh, đó chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Ngoài tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định thì một thông tin quan trọng là kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 8 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 6,7%, 7,7%, 5,7%.

8 tháng, ước xuất siêu 20,19 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 5,26 tỷ USD. Cùng với đó, nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 8 tháng đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 42,35% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (39,15%) với số tuyệt đối cao hơn khoảng 87.000 tỷ đồng.

Một điểm tích cực tiếp theo, là hoạt động sản xuất – kinh doanh tiếp tục chuyển biến. Trong đó, sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá; khu vực dịch vụ tăng nhanh; sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước.

Khó khăn đã được nhận diện, nhưng khó chuyển biến nhanh trong một sớm, một chiều

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

“Những vấn đề này đã được nhận diện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, tháo gỡ, nhưng khó chuyển biến nhanh trong một sớm, một chiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Bộ trưởng nêu minh chứng trong xuất, nhập khẩu. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu vẫn giảm 10%, nhập khẩu giảm 16,2%; nhập khẩu tư liệu sản xuất (chiếm 93,8% kim ngạch nhập khẩu) giảm 16,4% so với cùng kỳ…

Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục khó khăn; các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản… đều giảm hoặc tăng rất thấp.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng, nhưng còn chậm. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả; thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 8 tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Về tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng cho rằng, còn hạn chế, khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 28/8 chỉ tăng 5,16%; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hết tháng Tám vẫn giảm 62,8% so với cùng kỳ năm trước. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tất cả những khó khăn này của doanh nghiệp, của nền kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước 8 tháng giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dù đã giảm, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra (đến cuối năm 2025 là dưới 3%); chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao và đây là vấn đề cần lưu ý.

Chưa kể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là đối với trái phiếu không có tài sản bảo đảm, trái phiếu đến thời hạn trả nợ gốc, lãi sau khi đã đàm phán gia hạn với nhà đầu tư.

Một khó khăn khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó chính là tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp chậm lại, thiếu các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, bình quân 8 tháng, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 12,5 triệu USD/doanh nghiệp, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước (14,8 triệu USD). Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng có xu hướng giảm, cho thấy khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh.

Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 8, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước. Nghiên cứu thị trường trong nước, thực trạng, cơ cấu sản xuất, sản phẩm hiện nay, từ đó có thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Thứ ba, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của nước ta, nhất là hàng nông sản. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE, khai thác thị trường ngành thực phẩm, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trong đó, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng… để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất các giải pháp khác, như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân; tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế…

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách./.