Là đơn vị đồng chủ trì tổ chức hội thảo Advancing Science in Southeast Asia cuối tháng 10 vừa qua, xin ông cho biết rõ hơn về mối quan tâm chung của các nhà khoa học trong khu vực hiện nay là gì?

Làm thế nào để thực hiện các nghiên cứu khoa học chất lượng cao?
Hồ Mạnh Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành ISR, Trường đại học Phenikaa

Hiện tại, cộng đồng khoa học khu vực nói chung và khoa học Việt Nam nói riêng đều đang có những bước chuyển mình để nâng chuẩn và thực hiện các nghiên cứu đạt tiêu chuẩn cao. Vì vậy, mối quan tâm lớn nhất hiện nay vẫn là làm thế nào để có thể thực hiện những nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, đáng tin cậy và có ảnh hưởng đến xã hội. Trong bối cảnh đó, khoa học mở, truyền thông khoa học có thể coi là những xu hướng giúp khoa học Đông Nam Á có thể hướng tới nghiên cứu chất lượng cao, đáng tin cậy và có ảnh hưởng.

Phát triển khoa học mở có phải là con đường tốt nhất để minh bạch hoá thông tin liên quan đến công bố khoa học, cũng là cách để tri thức khoa học được định giá xứng đáng và không bị ăn cắp, làm giả không, theo ông?

Khoa học mở là một trong những con đường minh bạch nhất để có thể cung cấp đầy đủ thông tin khoa học. Khi mọi thông tin liên quan đến một kết quả được công bố, như dữ liệu, phần mềm máy tính, code…, ai cũng có thể được truy cập dễ dàng, từ đó, độc giả có thể hiểu sâu hơn về các kết quả nghiên cứu. Độc giả thậm chí có thể kiểm tra lại tính đúng đắn của kết quả. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó cũng khiến các nhà khoa học phải cẩn trọng hơn, vì nghiên cứu của mình (dù đã công bố và qua phản biện) vẫn có thể bị soi xét bất kỳ lúc nào.

Về khía cạnh ăn cắp, làm giả, thực tế nhiều người chưa hiểu kỹ thì sợ rằng, khi công bố mở dữ liệu sẽ khiến công trình của mình có thể bị ăn cắp. Tuy nhiên, các bộ dữ liệu khi công bố mở đều kèm theo tên tuổi của người làm khoa học. Và mỗi bộ dữ liệu hiện nay cũng đều được trích dẫn như một bài báo bình thường. Chính vì vậy khó có thể ăn cắp trắng trợn khi tên tuổi của mình đã gắn liền với dữ liệu. Cộng đồng khoa học hiện nay cũng khuyến khích tuân thủ bộ nguyên tắc FAIR (https://www.nature.com/articles/sdata201618) trong việc sử dụng dữ liệu khoa học.

Về cơ bản, phát triển khoa học mở và minh bạch thông tin, quá trình làm việc, lao động của nhà khoa học thì công chúng sẽ càng có nhiều cơ hội để hiểu về khoa học.

Tại Việt Nam, theo ông, vì sao có khoảng cách (dường như rất lớn) giữa mong muốn phát triển nền khoa học tự chủ, hiện đại, giữa chính sách của Nhà nước với hiện trạng khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học của những người đang theo đuổi sự nghiệp này? Phải chăng, do các nghiên cứu tại Việt Nam chưa có thị trường để định giá, chưa có môi trường để đưa vào thực tế ứng dụng, hay vì lý do gì thưa ông?

Với tư cách là một người tham gia làm việc và có may mắn được đứng tên trong một số bài báo trên các tạp chí quốc tế trong vài năm nay, tôi xin chia sẻ trải nghiệm của mình từ góc nhìn cá nhân. Từ góc độ của ngành khoa học xã hội, cá nhân tôi nhận thấy ở Việt Nam hiện tại thực ra có nhiều đề tài để khai thác, tìm hiểu và đưa ra các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa. Vì thế nên không thể nói là làm nghiên cứu khoa học xã hội khó khăn quá được.

Về vấn đề áp dụng, chuyện áp dụng các kết quả khoa học xã hội trong nghiên cứu vào thực tiễn có lẽ sẽ còn gây tranh cãi dài dài. Không hẳn kết quả nào cũng có thể trở thành “ứng dụng”. Các nghiên cứu có tính lý thuyết cao có thể cần nhiều năm mới trở thành ứng dụng thực tế. Điều chúng ta cần làm hiện tại là tạo ra sự chuẩn bị hợp lý, để khi thời điểm thuận lợi thì việc ứng dụng ấy mới xảy ra.

Xin Ông chia sẻ một số kinh nghiệm trong đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học của một số quốc gia và từ đó rút ra bài học cho nước mình?

Tôi chưa có đủ kinh nghiệm để chia sẻ điều gì cụ thể được. Tuy nhiên, về triết lý làm khoa học, tôi rất thích triết lý của nhà sáng lập Viện Institute for Advanced Study (nơi Einstein từng làm việc) thuộc Trường Đại học Princeton. Triết lý này được gói gọn trong bài viết: “The usefulness of useless knowledge” (Sự hữu dụng của những kiến thức vô dụng). Với triết lý này, ông đã đặt nền móng cho Viện IAS, nơi các nhà nghiên cứu có thể không cần nghĩ tới những thứ đã tồn tại, mà tập trung trí lực đẩy xa biên giới tri thức (hay chính là những kiến thức “vô dụng”).

Một ví dụ khác, có thể kể tới The Max Planck Society của Đức. Mỗi năm, họ cấp kinh phí khoảng một vài triệu đô la cho các cá nhân để triển khai nhóm nghiên cứu của riêng mình. Các nhóm nghiên cứu được làm việc cho tới tận khi giám đốc nghỉ việc. Nhóm nghiên cứu không cần đề xuất nghiên cứu cụ thể để xin kinh phí, mà họ quan tâm tới khả năng và tầm nhìn có thể thay đổi hiểu biết của nhân loại (https://elevanth.org/blog/2018/09/02/golden_eggs/)./.