Chiều 9/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các địa phương thuộc 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với Đông Nam Bộ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì hội nghị.

Lập quy hoạch tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì hội nghị. Ảnh: MPI

Đến nay, mới có Hà Tĩnh hoàn thành Quy hoạch tỉnh

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 20 tỉnh, thành phố có vai trò kết nối 2 đầu mối kinh tế – xã hội lớn nhất của cả nước là vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Đồng thời có chiến lược quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế của khu vực. Đây là vùng đi đầu trong cả nước về khoa học, công nghệ, hệ sinh thái trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của nước. Với sự phát triển mạnh, đảm nhận 45% tổng lượng hàng hóa, 60% hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam, đến nay, khu vực này tiếp tục đứng đầu cả nước với sự phát triển kinh tế năng động bậc nhất ASEAN, chiếm 32,4% GDP cả nước trong năm 2020.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển, ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Tổng hợp đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo khung định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Báo cáo khung định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng, trên cơ sở đánh giá các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực đặc thù, bối cảnh phát triển. Qua đó, rút ra các tồn tại, hạn chế để xây dựng quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn; dự báo nhu cầu và triển vọng phát triển, làm cơ sở hình thành Khung định hướng ưu tiên phát triển Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác lập cơ sở lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trong các bước tiếp theo đảm bảo tính liên kết, đồng bộ và thống nhất giữa các quy hoạch.

Lập quy hoạch tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Tổng hợp đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo khung định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI

Thống kê cho thấy, đến nay, mới có 1 địa phương là Hà Tĩnh hoàn thành và trình xin ý kiến thẩm định của các bộ, ngành Trung ương về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; có 12/20 địa phương đang tổ chức lập quy hoạch. Trong đó, Quảng Ngãi đã phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh. Tỉnh đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư gia hạn thời gian trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh đến ngày 31/12/2022.

Tại tỉnh Bình Phước, đã có 37 nội dung hợp phần cơ bản đã hoàn thành, hiện đang tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và các đơn vị liên quan để hoàn thiện quy hoạch tỉnh. Bình Phước phấn đấu hoàn thành chậm nhất trong quý I/2022 trình lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương.

Tỉnh Khánh Hòa thì đã hoàn thành đề cương, bố cục, cấu trúc hồ sơ quy hoạch tỉnh; hoàn thành dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh lần 1 và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan (sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021). Dự kiến, tháng 2/2022 sẽ hoàn thành hồ sơ quy hoạch gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan; hoàn thành hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2022.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 04/8/2020.

Nhận thức rõ tầm quan trọng công tác lập quy hoạch tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, nên ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa vào nhiệm vụ đầu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đồng thời, tỉnh đã thành lập Hội đồng lập quy hoạch tỉnh, ban hành kế hoạch chi tiết, quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp trong tỉnh để triển khai thực hiện.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn; cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu; hoàn thiện báo cáo phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực hiện các quy hoạch giai đoạn 2011-2020; hoàn thành xây dựng dự thảo khung định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đơn vị tư vấn đang tiến hành đồng thời công tác lập báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh và báo cáo 49 nội dung đề xuất tích hợp trong quy hoạch tỉnh.

“Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, ngành và đơn vị tư vấn quyết liệt, khẩn trương hoàn thiện công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh theo đúng tiến độ đề ra, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu chất lượng quy hoạch. Dự kiến cuối quý I/2022, Tỉnh sẽ hoàn thành dự thảo để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan và trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Hội đồng quốc gia; phấn đấu trong quý II/2022, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hoa cho biết.

Lập quy hoạch tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trao đổi về tiến độ, kế hoạch, kết quả triển khai lập quy hoạch tỉnh; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định quy hoạch tỉnh.

Các địa phương cho rằng, việc triển khai lập đồng thời các quy hoạch từ Trung ương đến địa phương gặp nhiều khó khăn do các bộ, ngành chậm xây dựng và ban hành các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được lập và phê duyệt, vì vậy gây khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch tỉnh.

Đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình tiếp nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch, điều này dẫn đến quá trình triển khai tại địa phương còn gặp nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, các địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp cận, cập nhật, phối hợp, và chia sẻ thông tin trong quá trình lập quy hoạch và hướng dẫn về việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch.

Hiện nay, các bộ, ngành liên quan chưa ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân công khi các quy hoạch bãi bỏ theo quy định Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ…

Tại điểm cầu Nghệ An, ông Lê Ngọc Hoa – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, quy hoạch tỉnh là một nội dung mới, chưa có tiền lệ; các nội dung của Quy hoạch tỉnh khá rộng, lại thực hiện theo phương pháp tích hợp vừa mang tính tổng quát, vừa mang tính cụ thể. Vì vậy, việc lựa chọn được đơn vị tư vấn vừa có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu các quy hoạch ngành/lĩnh vực, vừa có thể đảm nhận được nhiệm vụ tích hợp các nội dung đề xuất vào quy hoạch tỉnh có khó khăn.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trong giai đoạn tới, Bình Phước sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp nên nhu cầu đất cho phát triển công nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Bình Phước trong quá trình lập quy hoạch tỉnh là chưa có phương án phân bổ đất của Trung ương, nhất là đất dành cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với vai trò là địa phương phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước mong muốn sớm được phân bổ chỉ tiêu đất đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, khi thực hiện lập quy hoạch, Thành phố tập trung xem xét kỹ lưỡng chỉ tiêu kinh tế – xã hội để điều chỉnh và nghiên cứu định hướng phát triển của địa phương, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với điều kiện hiện tại, kịch bản tăng trưởng, các khả năng xảy ra trong tương lai.

Với sự cẩn trọng, kỹ lưỡng này, Thành phố cần nhiều thời gian thực hiện lập quy hoạch. Mặt khác, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế – xã hội của Thành phố, nên công tác quy hoạch đang chậm hơn so với các địa phương khác trong vùng.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh

Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Khánh Hòa đã đóng góp một số ý kiến đối với dự thảo khung định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ban hành cơ chế, giải pháp (áp dụng công nghệ thông tin) để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, cập nhật, chia sẻ thông tin về các quy hoạch liên quan; có hướng dẫn đối với nội dung phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trong báo cáo quy hoạch tỉnh…

Lập quy hoạch tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sớm ban hành sổ tay hướng dẫn về công tác lập quy hoạch tỉnh, trong đó hướng dẫn cụ thể về quy trình và cách thức tích hợp, mức độ chi tiết các quy hoạch ngành/lĩnh vực vào quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đề nghị, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển… để làm cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch tỉnh, đảm bảo thống nhất quy hoạch tỉnh với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng; có hướng dẫn về mức độ chi tiết về phương án phòng cháy, chữa cháy trong nội dung quy hoạch tỉnh; cũng như mức độ chi tiết của các đề xuất liên quan đến phương án phát triển hạ tầng (mạng lưới giao thông; mạng lưới cấp điện, thủy lợi…) trong quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sớm ban hành sổ tay hướng dẫn về công tác lập quy hoạch tỉnh, trong đó hướng dẫn cụ thể về quy trình và cách thức tích hợp, mức độ chi tiết các quy hoạch ngành/lĩnh vực vào quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Góp ý vào dự thảo Báo cáo khung định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét, hướng dẫn những nội dung về xác định một số mục tiêu, chỉ tiêu liên quan tầm nhìn đến năm 2050 cần phải xác định các mục tiêu, chỉ tiêu có tính chất định lượng (bằng số lượng cụ thể) đến năm 2050; cơ sở để xác định các mục tiêu, chỉ tiêu này đến năm 2050; hoặc chỉ cần trình bày theo hướng đề ra các mục tiêu đến năm 2050 mang tính tổng quát, có tính chất định tính (không định lượng bằng các số liệu cụ thể)…

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến góp ý của tại hội nghị và sự nỗ lực của các địa phương trong việc lập, thẩm định, thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch tỉnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, xác định rõ nhiệm vụ của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị quốc gia về quy hoạch, trên cơ sở đó tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 với rất nhiều giải pháp, các nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch. Đồng thời, Bộ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch Quốc gia, quy hoạch vùng; hoàn thiện khung định hướng phát triển Quốc gia và khung định hướng phát triển vùng của khu vực Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ thời kỳ 2021 – 2020, tầm nhìn 2050; đang gửi xin ý kiến của các địa phương.

Xác định đây là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, để đạt được mốc tiến độ theo kế hoạch, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch tỉnh theo Nghị quyết 119. Các địa phương tập trung hoàn thiện các nội dung, phấn đấu toàn quốc hoàn thành, phê duyệt quy hoạch trước quý IV/2022.

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với một số nội dung có liên quan; chủ động xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược song song với quá trình lập quy hoạch; quan tâm chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của khung cơ sở dữ liệu quy hoạch.

Thứ trưởng Đông mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành trong quá trình thẩm định quy hoạch của các tỉnh, quy hoạch vùng và các quy hoạch tổng thể Quốc gia. Đồng thời, giao Vụ Quản lý quy hoạch phối hợp chặt chẽ với sở kế hoạch và đầu tư, các địa phương, các bộ, ngành, đơn vị tư vấn để có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được phản ánh tại hội nghị./.