Tóm tắt

Báo cáo tài chính (BCTC) là một phương tiện nhằm trình bày khả năng sinh lời và thực trạng tài chính doanh nghiệp tới những người quan tâm. Các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam được yêu cầu lập BCTC trung thực và đáng tin cậy để làm cơ sở cho việc ra quyết định hiệu quả của các bên liên quan. Tuy nhiên, chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM tại Việt Nam đang là chủ đề được quan tâm trong thời gian qua. Trong bài viết này, tác giả tìm hiểu thực trạng chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM ở Việt Nam; từ đó, tập trung đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM thời gian tới.

Từ khóa: báo cáo tài chính, chất lượng kiểm toán, ngân hàng thương mại

Summary

Financial statements are a means to present the profitability and financial state of the company to the people who are interested in it. Commercial banks in Vietnam are required to prepare honest and reliable financial statements as a basis for effective decision making by stakeholders. However, the quality of auditing financial statements of commercial banks in Vietnam has been a topic of concern in recent years. This article explores the quality of auditing financial statements of commercial banks in Vietnam and recommends some measures to improve the quality of auditing financial statements of commercial banks in the coming time.

Keywords: financial statements, audit quality, commercial banks

GIỚI THIỆU

Nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM ở Việt Nam là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngành tài chính. BCTC chất lượng cao cho phép các nhà đầu tư, cổ đông và cơ quan quản lý đưa ra các quyết định sáng suốt về hiệu quả hoạt động và sự ổn định của các NHTM, từ đó có thể đóng góp vào sức khỏe tổng thể của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, chất lượng kiểm toán BCTC đặc biệt quan trọng, nơi ngành ngân hàng đang phải đối mặt với các vấn đề, như: nợ xấu và quản trị doanh nghiệp yếu kém. Những vấn đề này có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng vào ngành tài chính, dẫn đến giảm đầu tư, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thậm chí là khủng hoảng tài chính. Hơn nữa, với sự phức tạp ngày càng tăng của các giao dịch tài chính và việc sử dụng các công nghệ mới, kiểm toán viên cần liên tục nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình để đảm bảo rằng, BCTC là chính xác và đáng tin cậy. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các NHTM, vốn phải tuân theo nhiều quy định và yêu cầu về báo cáo. Do đó, bằng cách kiểm tra BCTC, phát hiện sai sót, đưa ra khuyến nghị về kiểm soát nội bộ và quy trình lập BCTC, đồng thời xác định các rủi ro tiềm ẩn, kiểm toán viên độc lập đảm bảo tính trung thực và độ tin cậy của thông tin tài chính. Điều này giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, góp phần tạo nên một hệ thống tài chính ổn định hơn và duy trì tính toàn vẹn và minh bạch của thị trường tài chính. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng kểm toán BCTC của các NHTM là điều có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN BCTC CỦA CÁC NHTM TẠI VIỆT NAM

Các NHTM Việt Nam thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm toán độc lập BCTC hàng năm nhằm tăng tính minh bạch và độ tin cậy của các thông tin tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của kiểm toán, chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Báo cáo thường niên năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ ra rằng, chất lượng BCTC của các NHTM được ghi nhận là tương đối thấp. Báo cáo đã xác định những điểm yếu trong phân tích tài chính, dự báo và công bố thông tin, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch hơn trong BCTC. Ngoài ra, báo cáo nhận định chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM Việt Nam cũng là một vấn đề đáng quan ngại, với những yếu kém về chất lượng công việc kiểm toán, báo cáo kiểm toán và tính độc lập của kiểm toán viên. Báo cáo khuyến nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát hoạt động kiểm toán và xử phạt kiểm toán viên không đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Đồng thời, kêu gọi tăng cường tính minh bạch trong quy trình kiểm toán và thực hiện kiểm soát nội bộ hiệu quả hơn trong các NHTM để ngăn chặn gian lận và sai phạm tài chính.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có những sai phạm với quy mô lớn xảy ra tại các NHTM, ví dụ vụ án Huyền Như tại NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam, vụ án Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng, hay câu chuyện Eximbank bị lỗ lũy kế và cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo vẫn còn rất nóng trên thị trường. Lý do bị rơi vào diện cảnh báo là do lợi nhuận của Eximbank năm 2015 từ lãi hơn 114 tỷ đồng bị điều chỉnh hồi tố thành lỗ hơn 817 tỷ đồng. Điểm nổi bật đáng tranh luận trong lần này là đơn vị kiểm toán năm 2015 của Eximbank là công ty kiểm toán KPMG đã nhấn mạnh đến những sai phạm trong hạch toán của Eximbank và việc chấp nhận của công ty kiểm toán khác. Đơn vị kiểm toán khác chính là E&Y – công ty kiểm toán cho Eximbank trong suốt thời gian 2010- 2014. Người ta nghi ngờ về một đơn vị kiểm toán được mệnh danh là Big4 trong lĩnh vực kiểm toán như E&Y lại có thể “bỏ qua” những sai phạm nghiêm trọng của Eximbank. Tất cả những điều này làm cho các cơ quan hữu quan, các nhà đầu tư, quan ngại nhiều hơn về chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM.

Có thể thấy, chất lượng kiểm toán BCTC các NHTM chưa được đảm bảo một phần là do những hạn chế chính như sau:

Thứ nhất, hạn chế trong phương pháp tiếp cận kiểm toán

Có hai phương pháp tiếp cận chính trong kiểm toán BCTC là: (i) Phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro; (ii) Phương pháp tiếp cận dựa trên khoản mục.

Các công ty kiểm toán lớn (Big4) thường lựa chọn phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, đây là một phương pháp kiểm toán hiệu quả và phù hợp cho kiểm toán BCTC của NHTM. Phương pháp này giúp kiểm toán viên tập trung vào những vấn đề quan trọng trong BCTC, đảm bảo rằng các rủi ro quan trọng nhất được đánh giá và được xử lý đầy đủ. Bên cạnh đó, với phương pháp này, kiểm toán viên chỉ tập trung vào những rủi ro quan trọng và các vấn đề liên quan, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho quá trình kiểm toán. Đồng thời, đảm bảo tính trung thực của BCTC, đặc biệt là trong việc đánh giá các khoản nợ, các khoản tiền gửi và các khoản đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán.

Tuy nhiên, một số công ty kiểm toán, đặc biệt là các công ty kiểm toán không thuộc nhóm Big4, vẫn còn có xu hướng thực hiện kiểm toán BCTC dựa trên các khoản mục ở BCTC hơn là dựa trên các chu trình kinh doanh của ngân hàng. Điều này, không đánh giá toàn diện được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chẳng hạn như rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro danh tiếng… cũng cần phải được đánh giá và kiểm soát một cách toàn diện. Hơn nữa, việc tập trung vào các khoản mục trên BCTC dẫn đến trùng lặp trong việc phối hợp công việc và có thể bỏ qua những thông tin quan trọng khác. Điều này, có thể làm giảm chất lượng của các cuộc kiểm toán.

Thứ hai, hạn chế trong kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin

Hiện nay, tất cả các NHTM đều hoạt động dựa trên các hệ thống Corebanking hiện đại, phức tạp, các cơ sở dữ liệu được quản lý, khai thác dựa trên các hệ thống kho dữ liệu (data wharehouse) rất lớn. Hệ thống Corebanking của NHTM là hệ thống phần mềm đóng và phức tạp dẫn đến rất khó khăn cho các kiểm toán viên trong việc tìm hiểu toàn diện hệ thống, toàn bộ cơ sở dữ liệu, phần mềm, quy trình trên hệ thống công nghệ thông tin trong một thời gian ngắn. Do đó, có thể ảnh hưởng đến tính đầy đủ và thuyết phục của bằng chứng kiểm toán.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận, thu thập, khai thác dữ liệu từ hệ thống công nghệ thông tin các NHTM còn nhiều khó khăn, hạn chế; các dữ liệu chi tiết khai thác hiện tại chủ yếu là các dữ liệu liên quan đến các hoạt động tín dụng, tiền gửi và một số dữ liệu kế toán khác… Trong khi đó, các dữ liệu có tính chất thời điểm, chưa có sự liên kết dữ liệu nhiều năm, đặc biệt là các dữ liệu lớn liên quan đến các giao dịch, quản lý dòng tiền chưa được khai thác; do vậy chưa thể áp dụng các biện pháp phân tích dữ liệu lớn và sâu để xác định rủi ro nhằm tăng hiệu quả kiểm toán. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát hiện các sai sót của kiểm toán viên và làm suy giảm chất lượng kiểm toán.

Thứ ba, hạn chế về ứng dụng công nghệ trong kiểm toán

Tại một số công ty kiểm toán, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính chưa được áp dụng một cách rộng rãi, dẫn tới các hạn chế trong việc phân tích, xử lý các thông tin, giao dịch của ngân hàng còn chưa hiệu quả. Việc đầu tư vào các công nghệ mới và hiện đại để kiểm toán gây áp lực tài chính đối với các công ty kiểm toán. Bên cạnh đó, chi phí phát triển và triển khai các phần mềm, hệ thống mới cũng gây tốn kém. Vì vậy, một số công ty kiểm toán chủ yếu sử dụng các phần mềm văn phòng thông dụng, như: Microsoft Office để ghi chép hồ sơ kiểm toán, thực hiện thủ tục phân tích…, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.

Mặt khác, kiểm toán viên không phải là chuyên gia về công nghệ thông tin, do đó họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu và áp dụng các công nghệ mới và phức tạp để kiểm toán. Điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, cũng như hiệu quả của các cuộc kiểm toán.

Thứ tư, hạn chế trong kiểm soát chất lượng kiểm toán

Tại một số công ty kiểm toán, công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán BCTC NHTM nói riêng chưa được coi trọng đúng mức và mang tính hình thức. Việc thực hiện còn nhiều điểm hạn chế, kém hiệu quả và không kịp thời, thường xuyên. Đa số công ty kiểm toán không thuộc nhóm Big4 đã chỉ định một kiểm toán viên để thực hiện kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán viên này có thể không được đào tạo đầy đủ về công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán và do đó, không có đủ kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả. Các công ty kiểm toán cũng có thể thiếu nguồn lực và ít đầu tư cho công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, như: thiếu các hệ thống phần mềm để quản lý các công việc kiểm toán; hệ thống phân tích dữ liệu và hệ thống giám sát trực tuyến để theo dõi hoạt động của các kiểm toán viên dẫn đến việc công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán chỉ là hình thức và không được thực hiện một cách nghiêm túc. Kết quả là, việc phát hiện ra các lỗi trong quá trình kiểm toán sẽ chậm trễ và không kịp thời để giải quyết, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 24/2021/TT-NHNN, ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN, ngày 15/12/2011 quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2022. Theo đó, Thông tư quy định và hướng dẫn để nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM, bao gồm: hệ thống giám sát dựa trên rủi ro và kiểm tra tại chỗ thường xuyên các hoạt động tài chính của ngân hàng; hệ thống kiểm soát nội bộ của các NHTM… Mặc dù những biện pháp này là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng BCTC đã được kiểm toán của các NHTM tại Việt Nam có chất lượng cao. Dưới đây, là một số biện pháp có thể thực hiện nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của các NHTM ở Việt Nam:

Một là, hoàn thiện phương pháp kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro

Để thực hiện phương pháp tiếp cận này, kiểm toán viên phải có hiểu biết sâu rộng về bản chất công việc của ngân hàng để xác định khả năng có sai sót trọng yếu trên BCTC. Cụ thể, kiểm toán viên cần:

(i) Xây dựng và phát triển hệ thống đánh giá rủi ro: Các kiểm toán viên cần phải xác định các rủi ro có liên quan đến hoạt động của ngân hàng và xác định mức độ ảnh hưởng của các rủi ro đó đến BCTC. Đồng thời, các kiểm toán viên cần phải thiết lập các tiêu chí đánh giá rủi ro và các phương pháp đánh giá rủi ro để đánh giá mức độ rủi ro trong các phân đoạn của hoạt động ngân hàng. Ví dụ, khi kiểm toán viên phát hiện rằng, ngân hàng đang thực hiện các giao dịch với các công ty con không đáng tin cậy.

(ii) Thiết lập phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro: Các kiểm toán viên cần phải xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro. Phương pháp này sẽ tập trung vào các khu vực rủi ro lớn và các phân đoạn hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng. Đồng thời, phương pháp kiểm toán này cũng cần đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ về các yếu tố rủi ro. Chẳng hạn, kiểm toán viên phát hiện rằng, hoạt động cho vay của ngân hàng có mức độ rủi ro cao do khách hàng vay không đủ khả năng trả nợ hoặc không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng vay. Do đó, kiểm toán viên sẽ thiết lập phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro tập trung vào các khoản cho vay, xác định mức độ rủi ro của từng khoản cho vay và kiểm tra các chính sách, quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay để đánh giá mức độ hiệu quả và tính toàn diện của hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng.

Hai là, hoàn thiện kiểm toán công nghệ thông tin tại các NHTM

Kiểm toán công nghệ thông tin tại các NHTM đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin và các quy trình an toàn thông tin. Để hoàn thiện kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán viên cần áp dụng một số biện pháp như sau:

(i) Cần có sự phối kết hợp giữa kiểm toán viên và các kỹ sư công nghệ thông tin trong khâu lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Kiểm toán viên và các chuyên gia công nghệ thông tin cần đánh giá hệ thống thông tin của ngân hàng dựa trên tìm hiểu, đánh giá các hoạt động kiểm soát chung và kiểm soát ứng dụng nhằm đánh giá mức độ tin cậy của hệ thống thông tin.

(ii) Nâng cao kiến thức chuyên môn: Kiểm toán viên cần có kiến thức vững chắc về các quy trình và hệ thống công nghệ thông tin để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của các hệ thống này. Kiểm toán viên cần cập nhật các kiến thức mới nhất về công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển của ngân hàng.

(iii) Áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình kiểm toán: Kiểm toán viên cần phải áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình kiểm toán để đảm bảo tính đồng nhất và minh bạch trong quá trình kiểm toán. Các tiêu chuẩn và quy trình này bao gồm: ISO 27001, COBIT, ITIL và các tiêu chuẩn khác liên quan đến an toàn thông tin và quản lý công nghệ thông tin.

(iv) Sử dụng phần mềm hỗ trợ kiểm toán: Các phần mềm, như: ACL, IDEA và Microsoft Excel có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu và tìm kiếm các lỗ hổng an ninh. Kiểm toán viên cũng có thể sử dụng các tiêu chuẩn và quy trình như COBIT để đánh giá hiệu quả và tính an toàn của hệ thống công nghệ thông tin.

Ba là, nâng cao năng lực chuyên môn của kiểm toán viên và khuyến khích sử dụng công nghệ trong kiểm toán

Để nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC, kiểm toán viên phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cần thiết. Vì vậy, việc thúc đẩy đào tạo và phát triển chuyên môn liên tục cho các kiểm toán viên là rất cần thiết. Điều này có thể đạt được thông qua việc tổ chức các buổi đào tạo, hội thảo và hội thảo thường xuyên về các chủ đề liên quan để nâng cao kỹ năng và chuyên môn của họ.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải thực thi các yêu cầu nghiêm ngặt đối với trình độ và kinh nghiệm của kiểm toán viên nhằm đảm bảo rằng, họ có các kỹ năng và chuyên môn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Nhằm thực hiện các giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước cần: (i) Thiết lập một hệ thống công nhận toàn diện cho các kiểm toán viên và đảm bảo rằng chỉ những kiểm toán viên đủ năng lực mới được phép thực hiện kiểm toán BCTC; (ii) Tăng cường khung giám sát và quy định đối với kiểm toán viên và công ty kiểm toán; (iii) Thúc đẩy sự phát triển của một ủy ban kiểm toán mạnh và độc lập trong các NHTM; (iv) Hỗ trợ thực hiện đào tạo và phát triển chuyên môn liên tục cho kiểm toán viên.

Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để phát hiện các hành vi gian lận trong hệ thống tài chính của ngân hàng bằng cách phân tích dữ liệu và tìm ra các mẫu hoặc hành vi bất thường. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo có thể giúp kiểm tra tính đúng đắn của thông tin trong các BCTC và các tài liệu khác bằng cách so sánh các thông tin với các nguồn dữ liệu khác trong ngân hàng. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo có thể giúp tối ưu hóa quá trình kiểm toán bằng cách tự động hóa một số công việc, như: phân tích dữ liệu, xác định các vấn đề và đưa ra giải pháp.

Bốn là, tăng cường cơ chế giám sát kiểm toán

Để đảm bảo chất lượng kiểm toán BCTC, cần tăng cường cơ chế giám sát kiểm toán. Điều này có thể đạt được thông qua việc thành lập một cơ quan giám sát độc lập chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của kiểm toán viên, thực thi các tiêu chuẩn đạo đức và đảm bảo tuân thủ các quy định kiểm toán. Ngoài ra, điều quan trọng là phải triển khai một hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để giám sát hoạt động của các công ty kiểm toán, đánh giá sự tuân thủ của họ với các chuẩn mực kiểm toán và thực hiện các hành động thích hợp, nhằm khắc phục mọi vấn đề không tuân thủ./.

ThS. NGUYỄN THỊ DUNG

Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học viện Chính sách và phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 08-Tháng 3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bank of England (2013), The relationship between the external auditor and the supervisor: A code of practice.

2. IAASB (2012), Improving the auditor’s report.

3. Phạm Huy Hùng (2021), Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán: Kinh nghiệm thế giới và việc vận dụng vào Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 14, tháng 6/2021.

4. Phạm Huy Hùng (2021), Nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC của các công ty kiểm toán độc lập, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 12/2021.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2019), Báo cáo thường niên 2019: Đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam dựa trên khảo sát và phản hồi từ các doanh nghiệp.