Năm 2022: Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cho biết năm 2022 có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên (ảnh: VGP)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong không khí phấn khởi cả nước vừa thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022. Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn, phức tạp hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực. Nhờ đó, KT-XH nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, KT-XH nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD”, Bộ trưởng nói và cho biết, có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%)… Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Các cân đối lớn được bảo đảm (thu ngân sách Nhà nước – NSNN vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm, đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Công nghiệp phục hồi tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; du lịch phục hồi mạnh, khi năm 2022 đón hơn 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được thúc đẩy tiến độ. Hoàn thành 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông và một số dự án quan trọng khác.

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được tập trung. Chính phủ họp 9 phiên chuyên đề, cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng dự án luật, ban hành 125 nghị định; tinh giản bộ máy bên trong, giảm khâu trung gian, Qua đó, giảm 17 tổng cục, 153 vụ, cục, 22 đơn vị sự nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trọng tâm là triển khai Đề án 06.

– An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tiềm lực quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại cần tập trung ứng phó, khắc phục, xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 và giai đoạn tới. Trong đó nổi lên là: (1) Sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn; (2) Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch còn chậm; (3) Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; (4) Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn; (5) Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm; (6) Phản ứng chính sách của một số bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ còn chậm; (7) Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức…

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng truyền đạt các nhiệm vụ cụ thể năm 2023 được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đó là:

(1) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính – tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

(2) Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

(3) Nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.

(4) Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

(5) Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.

(6) Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ, phát triển kinh tế tư nhân; có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

(7) Phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm.

(8) Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm nhân dân đón Tết Quý Mão an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, mọi người đều có tết và không ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung tháo gỡ khó khăn ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, cải cách tiền lương…

(9) Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ./.