Giữ vững vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD) và tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020.

Đến năm 2022, con số này tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, thương mại điện tử đã khẳng định được là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista).

Từ đó có thể khẳng định, thương mại điện tử Việt Nam trong nhiều năm đã tăng trưởng mạnh mẽ và đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thực tế, các trang thương mại điện tử đã không ngừng ra đời và phát triển với 4 ứng dụng Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop là phổ biến nhất và liên tục cạnh tranh nhau để vươn lên vị trí cao hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngoài ra, còn có rất nhiều trang thương mại điện tử khác mới nhưng vẫn có tiềm năng cạnh tranh với các trang thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Thế giới di động…

Các trang thương mại điện tử hiện nay cũng liên kết với rất nhiều loại ví điện tử và ngân hàng khác nhau. Khách hàng hoàn toàn có thể thanh toán nhanh chóng bằng phương thức thanh toán trực tuyến. Các ví điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là Shopeepay, VNpay, Momo, Zalopay…

Tăng trưởng của thương mại điện tử nhiều năm qua cho thấy, xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của người tiêu dùng ngày càng cao hơn.

Ở góc độ tổng thể, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Còn nhiều thách thức

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố đầu tháng 11/2023 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này từ nay đến năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.

Đặc biệt, tăng trưởng tổng giá trị hàng hoá trong hai năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.

Dù tốc độ tăng trưởng rất cao, nhưng thương mại điện tử Việt Nam thực chất có sự phát triển không bền vững. Trước hết là do vấn đề về cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok Shop hiện nay đang diễn ra hết sức gay gắt. Người người, nhà nhà cùng online, có rất nhiều nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng để bán hàng hóa giống nhau nên cạnh tranh trên các sàn là rất lớn.

Quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong chính sách thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử và các chính sách quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không đảm bảo như cam kết, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Sự tăng trưởng và phát triển thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội, nhưng cũng là thách thức đặt ra trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của thành phố.

Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương cũng được cho là tạo ra mối đe dọa cho thương mại điện tử trong tương lai.

Không chỉ vậy, các vấn đề như ô nhiễm môi trường do bao bì, đóng gói sản phẩm; các chính sách, quy định còn hạn chế, chưa kiểm soát được toàn diện; chi phí khởi tạo và duy trì gian hàng khá cao; vấn đề logistics;… cũng là những nguyên nhân khiến thương mại điện tử Việt Nam khó phát triển bền vững.

Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng

Để thúc đẩy phát triển, cũng như quản lý hiệu quả thương mại điện tử, Nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch trực tuyến.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng.

Thời gian tới, ngành Công thương cần tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho quản lý nhà nước trong vấn đề này./.