Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.

Năm 2023, toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024. Ảnh: VGP

KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi

Theo Phó Thủ tướng, năm 2023, nước ta bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong bối cảnh đúng như Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội đã nhận định, đánh giá, Chính phủ báo cáo khi xây dựng Kế hoạch năm 2023. Bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ; khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023.

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có những yếu tố tạo ra thay đổi mang tính căn bản đến các hoạt động kinh tế, xã hội, quan hệ hợp tác, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu; từ đó, đặt ra ngày càng nhiều thách thức, rủi ro cho các quốc gia đang phát triển, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Bối cảnh thế giới, khu vực có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, trong đó có những yếu tố phức tạp mới, tác động khá toàn diện tới nền kinh tế cùng với những khó khăn kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay đã ảnh hưởng tới việc tạo chuyển biến nhanh, tích cực cho nền kinh tế trong ngắn hạn.

Hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động và còn kéo dài. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt, toàn diện hơn, xu hướng tập hợp lực lượng, thành lập các liên minh để tạo ảnh hưởng, đối trọng diễn ra khá mạnh mẽ, gia tăng căng thẳng địa chính trị, mức độ đối đầu, xu hướng phân tuyến, phân cực ngày càng rõ nét; cuộc xung đột Nga – Ucraina và mới đây là xung đột Israel – Hamas, xung đột trên Biển Đỏ diễn biến phức tạp, tác động tới quá trình phục hồi của thế giới hậu đại dịch COVID-19. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức…

Trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển; tình hình chính trị – xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển KTXH ngày càng khó khăn hơn. Nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ những diễn biến mới, yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, năm 2023, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Nhất là, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển KTXH và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt là, lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta đã liên tiếp đón tiếp thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam.

10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch

Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý IV năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTX năm 2023 với 05 chỉ tiêu phấn đấu đạt mức cao nhất, 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp tình hình KTXH tháng 12 và cả năm, trong số 15 chỉ tiêu đã được thông qua, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch, bằng số chỉ tiêu đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; 05 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Số liệu các chỉ tiêu đến thời điểm hiện nay là số liệu ước tính, sẽ tiếp tục được cập nhật.

Trong đó, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, phục hồi tích cực hơn qua từng quý và đồng đều, tăng trên cả 3 khu vực của nền kinh tế. Đây là một cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu KTXH năm 2023 được Quốc hội thông qua như Bảng.

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch năm 2023

Ước thực hiện năm 2023

Đánh giá

Số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Ước thực hiện năm 2023 (thời điểm tháng 12/2023)

1

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

6,5

Phấn đấu đạt mức cao nhất

5,05

Không đạt

2

GDP bình quân đầu người

USD

4.400

Phấn đấu đạt mức cao nhất

4.284

Không đạt

3

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP

%

25,4 – 25,8

Phấn đấu đạt mức cao nhất

23,88

Không đạt

4

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân

%

4,5

3,5

3,25

Vượt

5

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội

%

5,0 – 6,0

Phấn đấu đạt mức cao nhất

3,65

Không đạt

6

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội

%

26,2

Phấn đấu đạt mức cao nhất

26,9

Không đạt

7

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

68

68

68

Đạt

– Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ

%

27,5

27-27,5

27

8

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị

%

Dưới 4

2,76

2,73

Đạt

9

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều)

Điểm %

1-1,5

1,1

1,0

Đạt

10

Số bác sĩ trên 10.000 dân

bác sĩ

12

12,5

12,5

Vượt

11

Số giường bệnh trên 10.000 dân

Giường

32

32

32

Đạt

12

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế

%

93,2

93,2

93,35

Vượt

13

Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới

%

78

78

78%

Đạt

14

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn

%

95

95

95

Đạt

15

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

92

92

92

Đạt

KTXH năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng, sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. GDP quý IV tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%); tính chung cả năm ước tăng 5,0%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Khu vực công nghiệp và xây dựng quý IV tăng 7,35% (quý I giảm 0,68%, quý II tăng 2,16%, quý III tăng 5,01%), tính chung cả năm tăng 3,74%; ngành công nghiệp quý IV tăng 6,86% so với cùng kỳ (quý I giảm 0,73%, quý II tăng 0,86%, quý III tăng 4,51%), tính chung cả năm tăng 3,02%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV tăng 7,97% (quý I giảm 0,45%, quý II tăng 0,46%, quý III tăng 5,59%), tính chung cả năm tăng 3,62%. Các địa phương đầu tàu có xu hướng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng khá.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, GDP toàn ngành quý IV ước tăng 4,13% so với cùng kỳ, cả năm ước tăng 3,83%, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động, quý IV tăng 7,29%, ước cả năm tăng 6,82%. Năm 2023, thu hút được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022.

Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng tích cực và vững chắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cả năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Trong tháng 12, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”; Moody’s (tháng 5/2023) giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”. S&P (tháng 6/2023) duy trì xếp hạng tín nhiệm của VN ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao “cây tre”.

Vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký luỹ kế đạt 22,1 tỷ USD; lợi nhuận chuyển về nước đạt 2 tỷ USD. Có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022. Đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách.

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 – 2023).

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển, liên kết vùng. Hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cải thiện; doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN cơ bản tăng so với cùng kỳ.

Toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra

Phó Thủ tướng chỉ rõ, toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tổ chức thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát triển, được quốc tế công nhận; Việt Nam lần thứ 2 là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%.

Đã trình Trung ương ban hành Nghị quyết mới về chính sách xã hội. Công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (hiện còn 2,93%). Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được khắc phục, nâng lên.

Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76% (thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%); thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ… tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng.

Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội.

Hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm phát triển ngành thủy lợi, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên biển và tích cực thúc đẩy gỡ thẻ vàng IUU.

Đã bố trí 8,5 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán tín chỉ các-bon và phát hành trái phiếu xanh.

Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng

Triển khai quyết liệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về NSNN tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ so với năm 2022.

Các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.

Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền duy trì ở mức cao (88,4%).

Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu

Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản; nước ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục.

Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu là suy giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước là thị trường lớn, truyền thống của ta…

Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5-6 năm 2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm.

Tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu chủ yếu là do tăng trưởng chưa cao và tỷ trọng lao động phi chính thức còn nhiều. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư còn rườm rà. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn còn diễn ra ở một số nơi, do còn tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo chưa chuyển biến rõ nét do cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với thực tiễn, đầu tư còn dàn trải, chưa hiệu quả…

An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng.

Công tác phòng, chống cháy nổ còn để xảy ra một số vụ việc, tai nạn nghiêm trọng như cháy chung cư “mini”. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề./.