Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm, tuy nhiên thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%).

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9% và doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,3% (nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,5%; may mặc tăng 9,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%).

Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.016,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 (đạt 2.7149, 8 nghìn tỷ đồng) cho thấy sức cầu của thị trường trong nước lớn hơn.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước
6 tháng đầu năm 2023, sức cầu của thị trường trong nước lớn hơn

Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương đạt mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Bình Dương tăng 15,6%; Quảng Ninh tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 12,3%.

Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm.

Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước

Công tác chỉ đạo điều hành đối với mặt hàng xăng dầu được triển khai tích cực, kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8544/CĐ-BCT, ngày 31/12/2022 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt, nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức thấp do liên tục chi Quỹ, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định (ngày 30/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn).

Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023 mặc dù có quy mô lớn hơn, nhưng tốc độ tăng đang chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước (10,9% so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm trước). Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa còn diễn biến phức tạp.

Hạ tầng thương mại xét về tổng thể còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc.

Ở trong nước, chỉ số giá tiêu dùng vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó, việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế, nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường

Theo Bộ Công Thương, công tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.

Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra của ngành.

Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước; tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…/.