Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai” – giai đoạn hai do tổ chức Bánh Mỳ Thế Giới (BfdW) và tổ chức ActionAid Việt nam (AAV) tài trợ; Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 6 năm 2022 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Nam, Chi cục trưởng, Văn phòng phía Nam của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Diễn đàn góp phần vào việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris về thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Điều này có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tại Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng”.

Nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu

Với diện tích khoảng 4 triệu ha và nằm ở hạ lưu sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, lốc xoáy, bão và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai diễn ra gay gắt khiến một vùng lớn lúa, rau màu, cây ăn quả của Sóc Trăng, Trà Vinh và các tỉnh lân cận thuộc ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Thực tế này đòi hỏi người dân phải được nâng cao năng lực, thay đổi thói quen sinh hoạt, chuyển đổi sản xuất… để tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng.

Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cho cộng đồng, người dân trong việc tham gia tích cực vào việc triển khai các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, ông Nam cho rằng cần tăng cường thông tin truyền thông và phổ biến rộng rãi, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Bên cạnh việc sử dụng hợp lý nguồn lực của Nhà nước, cần phát huy nguồn lực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đẩy mạnh các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong các hoạt động ứng phó với BĐKH và khai thác hiệu quả nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Ông Nam cũng khuyến nghị để tạo cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, cần có sự thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các cấp các ngành trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch ứng phó BĐKH; có sự lồng ghép yếu tố BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương. “Phải coi ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa sống còn để phát triển bền vững đất nước. Từ đó tăng cường thể chế pháp luật về BĐKH, cần luật hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH, có quy định cụ thể rõ ràng về phạm vi, trách nhiệm cũng như chức năng nhiệm vụ đối với các cấp các ngành. Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp; cần có sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động, hài hòa lợi ích tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia”, ông Nam nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu

Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm: Nâng cao năng lực giám sát BĐKH, quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan; đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai; cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai; triển khai các giải pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất; chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại.

Đồng quan điểm, ông Bùi Bá Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lí AFV đề xuất, cần có một liên minh để xây dựng những chiến lược, hoạch định kế hoạch chung, cùng nhau tổ chức và tham gia các diễn đàn thảo luận tương tự để thảo luận, đưa ra những đề xuất và đóng góp các ý kiến để xây dựng những bản khuyến nghị trình lên các cấp chính quyền hoạt động về phòng chống thiên tai và BĐKH, qua đó nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong đóng góp và xây dựng các chính sách liên quan đến BĐKH. “Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cần thực hiện những hoạt động hỗ trợ các chính quyền địa phương để nâng cao năng lực và nhận thức trong phòng chống thiên tai, kêu gọi chính quyền địa phương tập trung nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng ứng phó với BĐKH, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng các kế hoạch và chính sách liên quan đến BĐKH ở cấp xã”, ông Bình gợi mở.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn và tích cực về các bài học kinh nghiệm, thực tiễn tốt và các mô hình ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu do các tổ chức thực hiện. Nhiều đại biểu cho rằng cần chủ động thích ứng hiệu quả với BĐKH thông qua việc tăng cường giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Ứng phó với BĐKH phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm và cân nhắc các nhu cầu giới; ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế, thị trường kết hợp biện pháp quản lý để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó BĐKH. Các đại biểu thống nhất xây dựng một bản kiến nghị về chính sách phân bổ nguồn lực cho cấp xã/phường cũng như tăng cường năng lực để có thể hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng ứng phó và chống chịu tốt hơn với rủi ro thiên tai và biến đối khí hậu trong thời gian tới./.