Thời trang nhanh vốn được biết đến là ngành công nghiệp tỷ đô với những cuộc chạy đua giữa các thương hiệu để cho ra mắt những thiết kế mới liên tục, đi cùng với đó là thời gian từ khâu sản xuất tới khi bị vứt bỏ ngày càng bị cắt ngắn để tối đa hóa lợi nhuận. Đây là một ví dụ rất điển hình của văn hóa thâm hụt sinh thái trong giới kinh doanh [1]. Cũng vì lý do này, ngành công nghiệp thời trang đã bị chỉ trích vì tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, như thải ra 10% tổng lượng khí thải carbon, là ngành công nghiệp xả nước thải lớn thứ 2 trên thế giới, và chỉ riêng việc giặt các loại vải dệt tổng hợp như polyester đã thải ra 35% tổng số hạt vi nhựa trong đại dương [2].

Nhiều thương hiệu thời trang nhanh cố gắng cải thiện danh tiếng bằng việc ra mắt chương trình thu gom quần áo, cho phép khách hàng gửi lại quần áo cũ để tái chế. Tuy nhiên, việc này cũng gặp không ít hoài nghi từ cộng đồng người tiêu dùng về tính “tẩy xanh” của chương trình do sự nhập nhằng trong đầu ra của các sản phẩm được thu gom này.

Đi ngược lại với xu hướng thời trang nhanh này chính là Canada Goose – một thương hiệu thời trang cao cấp của Canada, vốn nổi tiếng với những hoạt động bảo vệ môi trường của mình từ những ngày đầu thành lập. Một số hoạt động điển hình hướng tới môi trường của công ty này có thể kể đến như triển khai Trung tâm Tài nguyên Canada Goose vào năm 2009 – dự án giúp tiết kiệm 1 triệu mét vải và các vật liệu thừa để tái chế thành các sản phẩm mới. Ngoài ra, dù từng nổi tiếng với những chiếc áo khoác lông cao cấp, nhãn hiệu này giờ đây đã nghiên cứu và thay thế lông vũ bằng các loại sợi gốc sinh học và thực vật [3].

Nền tảng thương mại điện tử quần áo tái chế của nhãn hàng thời trang Canada
Trang chủ nền tảng Canada Goose Generations

Tiếp nối những hoạt động hướng tới môi trường, Canada Goose gần đây đã cho ra mắt một nền tảng dành riêng cho sản phẩm đã qua sử dụng có tên là Canada Goose Generations. Nền tảng này cho phép khách hàng đổi sản phẩm Canada Goose của họ và mua các sản phẩm đã qua sử dụng, giúp các sản phẩm chất lượng được giữ lại trong chuỗi phân phối và kéo dài tuổi thọ của chúng [4].

Trong bối cảnh thời trang nhanh phát triển như hiện nay, việc một thương hiệu thời trang cổ vũ lối tiêu dùng có ý thức môi trường và tăng cường tái chế như Canada Goose đã tạo điều kiện cho việc xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái. Điều này có thể góp phần thúc đẩy các công ty khác trong cùng ngành thời trang và người tiêu dùng cân nhắc về ảnh hưởng của hoạt động sản xuất và tiêu dùng thời trang tới môi trường [5,6].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong, Q. H. (2021). Western monopoly of climate science is creating an eco-deficit culture. Economy, Land & Climate Insight. https://elc-insight.org/western-monopoly-of-climate-science-is-creating-an-eco-deficit-culture/

[2] Fast Fashion and Its Environmental Impact in 2023 | Earth.Org. https://earth.org/fast-fashions-detrimental-effect-on-the-environment/.

[3] Andrea, C. (2023). The Future of Canada Goose Is Fur-Free and Gen Z-Approved. https://www.elle.com/fashion/trend-reports/a42698228/canada-goose-sustainability/

[4] Fibre2fashion (2023). Canada Goose launches re-commerce platform. https://www.fibre2fashion.com/news/apparel-news/canada-goose-launches-re-commerce-platform-289152-newsdetails.htm

[5] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290

[6] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9