Người giàu rất đáng quý trọng

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bàn về
TS. Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông
Một lãnh đạo có tài thì cả tổ chức được hưởng. Người có tài là người biết tập hợp cái tài của người khác. Tập hợp và tạo niềm tin cho những người có tài, đó là tài năng của người lãnh đạo.

“Ở châu Âu hầu như ai cũng giàu, nên đất nước của họ bừng sáng. Ở Việt Nam, chúng ta khuyên nhau rằng, người giàu cần chăm lo cho người nghèo, nhưng điều cần hơn là làm sao bày cho mọi người cùng biết cách làm giàu”. TS. Lê Doãn Hợp thúc đẩy và cho biết, học để làm quan rất quý; học để làm thầy cũng rất quý, nhưng đó là những nghề “có giới hạn”. Chỉ có học để làm giàu là không có giới hạn và nếu không biết làm giàu thì trí tuệ con người cũng trở nên lãng phí mà thôi.

Trong đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông thì “người giàu rất đáng quý trọng” và “không ai thông minh mà lại nghèo”. Đất nước cần tự hào vì có những doanh nghiệp, doanh nhân giàu có, nhưng làm thế nào để nhân lên những tấm gương thành công trên mặt trận kinh tế, trước hết đòi hỏi khát vọng và tầm nhìn chiến lược của những người lãnh sứ mệnh dẫn đầu.

Ở tuổi 70, nguyên Bộ trưởng chia sẻ, ông đã đi 44 nước trên thế giới, được chứng kiến sự phát triển của nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn và nhiều tập đoàn hùng mạnh. Ông ngưỡng mộ 5 giá trị trong văn hóa của người Nhật và cho rằng, đó là cái gốc để tạo nên một Nhật Bản có nền nếp, thịnh vượng. Người Nhật rất yêu quý trẻ thơ; thủy chung trong gia đình; kính trọng người già; tôn vinh người giỏi và nghiêm khắc trong cuộc sống. Ông cũng thấy, một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Viettel, FPT, VinGroup, MISA… đã xây nên những nét đẹp riêng trong văn hóa tổ chức. Đúc rút từ sự trải nghiệm và quan sát thực tiễn, TS. Lê Doãn Hợp gói sức mạnh của doanh nghiệp trong 5 chữ T: Thông tin, Trí tuệ; Thương hiệu; Tâm linh Từ thiện. “Tâm linh là biết kính lễ và chăm lo cho Tổ tiên, cho người có công, người đi trước. Một doanh nghiệp nếu làm tốt việc chăm lo cho Tổ tiên, Tổ ấm và Tổ quốc thì đó chính là cái gốc để cho mầm cây giàu có bén rẽ, vươn cành”, nguyên Bộ trưởng nói.

Không giống “nghề” làm quan hay làm thầy, “nghề” doanh nhân là người có thể làm suốt đời, làm không lùi bước, làm mãi mãi. Ông đặt niềm tin vào thế hệ trẻ và điều này được thực hiện ngay từ chính gia đình mình cho đến các chia sẻ ra xã hội. Ông bảo “dân ta không thua kém bất cứ dân tộc nào khác”. Người trẻ nếu biết tạo dựng sức mạnh từ nội lực từ chính mình, từ tổ chức của mình thì nhất định sẽ thành công. Doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với thương trường, nhưng cần nắm chắc cái gốc, đó là văn hóa. TS. Lê Doãn Hợp cho biết và khẳng định, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tổ trước trước hết và cần nhất là văn hóa người đứng đầu. “Người đứng đầu mà chuẩn thì cấp dưới không thể sai lệch được”, ông nói.

Muốn thành danh trước hết phải là người có văn hóa, doanh nghiệp có văn hóa

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bàn về
TS. Lê Doãn Hợp

Người hiền lành, tốt bụng có thể làm cha, làm chú, làm anh, nhưng không thể làm giám đốc doanh nghiệp. Đã lãnh đạo doanh nghiệp là phải có bản lĩnh. Bản lĩnh để ủng hộ người tốt, ngăn chặn người xấu, thiết lập và giữ gìn kỷ cương của tổ chức.

Việt Nam chính thức có ngày tôn vinh doanh nhân vào năm 2004 khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam. 17 năm tôn vinh doanh nhân, nước ta đã có cộng đồng doanh nghiệp liên tục lớn mạnh, với nhiều doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 1 tỷ USD, thậm chí đạt trên 10 tỷ USD như Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG)…

Nhiều doanh nghiệp Việt như Vinamilk, FPT, Tân Hiệp Phát… đã bước chân ra thị trường quốc tế và cạnh tranh ngang ngửa trên những thị trường lớn nhất. “Những tưởng phần mềm của Mỹ là nhất, nhưng FPT, MISA vẫn tham gia được”, TS. Lê Doãn Hợp cho biết và thúc đẩy rằng, bên cạnh những “cánh chim đầu đàn”, thế hệ doanh nhân trẻ hãy dám khát vọng, tự tin vào chính mình, tự chủ với tầm nhìn của mình và tìm cách xây dựng phương pháp quản lý tối ưu để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đó là tài năng đối ngoại. Còn đối nội, doanh nhân cần xây dựng được văn hóa cho tổ chức, gắn kết sức mạnh của người lao động. “Không bao giờ người công nhân đi ngược lại ông chủ nếu họ biết đó là ông chủ tốt nhất của họ”, nguyên Bộ trưởng nói.

Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, theo TS. Lê Doãn Hợp, trước hết phải bắt đầu từ tấm gương văn hóa, đạo đức của người đứng đầu. “Chưa có thống kê mức độ ảnh hưởng của người đứng đầu đến văn hóa doanh nghiệp là bao nhiêu, nhưng tôi tin con số nếu đo đếm được chắc chắn trên 70%”.

Người lãnh đạo cần nhất là chữ Đức. Chữ Đức, được nguyên Bộ trưởng ví như “thửa ruộng” để gieo trồng hạt giống tài năng và bản lĩnh trên thương trường. Chữ Đức biểu hiện ra bên ngoài ở sự gương mẫu, ở cách hành động chuẩn mực. Chữ Đức quan trọng ở chỗ, một hành động thiếu chuẩn mực của người đứng đầu sẽ tác động tiêu cực đến cả tổ chức.

Tuy nhiên, chữ Đức chưa đủ. Theo TS. Lê Doãn Hợp, chữ Tài và Bản lĩnh là yếu tố không thể thiếu ở các doanh nhân. Một lãnh đạo có tài thì cả tổ chức được hưởng. Người có tài là người biết tập hợp cái tài của người khác. Tập hợp và tạo niềm tin cho những người có tài, đó là tài năng của người lãnh đạo. Nguyên Bộ trưởng chia sẻ quan sát của ông rằng, những nguyên thủ giỏi nhất trong phát triển nhất nước đều xuất phát từ các tuyên bố trí tuệ và có tầm nhìn. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa đất nước Singapore có sự phát triển thần kỳ từ một tầm tư duy bất hủ: “Chúng tôi biết rằng, nếu chúng tôi chỉ giống như những người hàng xóm của mình thì chúng tôi sẽ chết. Bởi vì chúng tôi không có gì để đưa ra trước những gì họ phải đưa ra. Vì vậy, chúng tôi phải tạo ra thứ gì đó khác biệt và tốt hơn của họ. Đó là không tham nhũng. Đó là tính hiệu quả. Đó là chế độ nhân tài. Và nó thực sự phát huy tác dụng”. Theo đó, Singapore từ quốc gia có thu nhập người dân 420 USD/người vào năm 1960, đã tăng lên thu nhập bình quân/người khoảng 70.000 USD như hiện tại. Doanh nghiệp cũng như một nền kinh tế, sự phát triển cần xuất phát từ khát vọng, tầm nhìn, đạo đức, tài năng, bản lĩnh của người dẫn đầu.

Về Bản lĩnh, TS. Lê Doãn Hợp chia sẻ, người hiền lành, tốt bụng có thể làm cha, làm chú, làm anh, nhưng không thể làm giám đốc doanh nghiệp. Đã lãnh đạo doanh nghiệp là phải có bản lĩnh. Bản lĩnh để ủng hộ người tốt, ngăn chặn người xấu, thiết lập và giữ gìn kỷ cương của tổ chức. Bản lĩnh có thể được định danh bằng 3 tiêu chí, đó là dám nghĩ, dám làm và dám nói. Doanh nhân cần nhìn ra được tương quan cung cầu trên mặt bằng quốc gia, thậm chí quốc tế. Dám làm những việc chưa làm để khám phá sức mạnh của chính mình và tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng 4.0. Doanh nhân cũng cần dám dũng cảm soi mình với thế giới, để biết mình là ai, mình ở đâu, mình đang làm gì? Nếu muốn vượt họ thì phải làm gì? Và cuối cùng là dám nói. Làm thế nào người ta tin mình và gắn kết lại để tạo nên nội lực.

“Nếu không dám nghĩ lớn, không dám mạnh dạn thì Việt Nam khó mà có nền công nghệ thông tin, viễn thông như hiện nay”, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói. Ông khuyên các doanh nhân rằng, chỉ có tự tin mới có tự hào và tự chủ. Còn tự ti là mất hết. Hãy tin vào chính mình và tìm con đường sáng để vươn lên./.