Cần có chế tài mạnh với các vi phạm

“Hiện tình trạng mời gọi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm bảo hiểm một cách thái quá diễn ra với nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các hoạt động nhắn tin, điện thoại thường xuyên, liên tục của một bộ phận không nhỏ nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã thật sự gây nhiều phiền toái cho khách hàng. Xuất hiện nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc cung cấp thông tin không trung thực từ một phía hoặc cả hai phía khi phát sinh sự kiện bảo hiểm…”, Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long), nhìn nhận khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trước tình trạng trên, bà Trang đề xuất, cần thiết phải có những quy định thật rõ, cụ thể về các hành vi cấm trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của đối tượng tham gia trong các hoạt động bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm, không chỉ ở hành vi của DNBH và người thụ hưởng, người được bảo hiểm, mà cả hành vi của người môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cũng như cộng tác viên. Trong đó, cần thiết phải nghiêm cấm hành vi cung cấp thông tin bảo hiểm sai sự thật, quảng cáo thông tin không đúng sự thật, để làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chế tài xử lý đối với cả pháp nhân và cá nhân vi phạm.

Nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm còn gây... phiền cho khách hàng
Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung hành vi cấm sử dụng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm vào mục đích kinh doanh ngoài phạm vi hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: Quốc hội

“Đề nghị bổ sung hành vi cấm sử dụng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm, nhất là dữ liệu cá nhân vào mục đích kinh doanh ngoài phạm vi hợp đồng bảo hiểm. Nếu như doanh nghiệp bán bảo hiểm chỉ cần bổ sung thêm một điều trong hợp đồng là được toàn quyền sử dụng cơ sở dữ liệu, như vậy là tiềm ẩn rất nhiều bất lợi trong hoạt động này…”, Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) nhìn nhận.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), trong thực tiễn phải hết sức lưu ý đến việc lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, mỗi người mua lại biến thành một đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn. Từ đó, hình thành đường dây đa cấp và dẫn đến rủi ro, đổ vỡ. Mặc dù trong quy định của dự thảo đã ghi khá rõ tiêu chuẩn của đại lý như thế nào, quy định bảo hiểm phải có hợp đồng ra sao, quy định rõ trách nhiệm của bên bán và bên mua…, nhưng hiện có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên môi trường không gian mạng, đây chính là sơ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng. Do đó, nghị nên cân nhắc bổ sung các điều khoản quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý và chế tài đối với các vấn đề phát sinh nêu trên.

Quy định về tổ chức hoạt động của DNBH chưa ổn

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), dự thảo Luật có quy định về bảo hiểm bắt buộc một số loại hình bảo hiểm cụ thể như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc… Nhưng thực tế có rất nhiều loại hình dịch vụ hoặc phi dịch vụ có nguy cơ tiềm ẩn gây thảm họa hoặc tai nạn khó lường không thể tránh khỏi như trong các dịch vụ vận tải, hàng không. Do đó, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định Chính phủ có thẩm quyền quyết định một số loại hình bảo hiểm bắt buộc do người thụ hưởng hoặc sử dụng dịch vụ buộc phải mua gắn kèm theo phí sử dụng dịch vụ…

Ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật có quy định một số nội dung liên quan đến phá sản của DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản như: chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối với DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị phá sản; thứ tự ưu tiên khi phân chia tài sản DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm… Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.

Về thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Điều 75, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát thêm, bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, các trường hợp doanh nghiệp tổ chức lại theo hình thức tách doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị tách không chấm dứt hoạt động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 3 tới…/.