Xuất siêu hàng hóa tác động tích cực trên nhiều mặt

Mức xuất siêu hơn 4 tỷ USD là tin vui của lĩnh vực xuất, nhập khẩu nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung trong quý I/2023.

Xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt quy mô lớn, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (10.863,5 triệu USD so với 8.581,2 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (18,2% so với 12,9%).

Xuất siêu đạt được ở 48 thị trường chủ yếu, nhiều hơn số nhập siêu ở 15 thị trường. Trong đó, xuất siêu lớn với những nền kinh tế phát triển hoặc các thị trường lớn, như: Mỹ 17.741 triệu USD, Hà Lan 2.219 triệu USD, Hồng Công 1.327 triệu USD, Anh 1.231 triệu USD, Đức 1.091 triệu USD, Canada 1.048 triệu USD…

Những vấn đề đáng quan tâm phía sau tỷ lệ xuất siêu trong quý I/2023

Xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xuất siêu hàng hóa trong quý I là tín hiệu khả quan để kỳ vọng cả năm sẽ xuất siêu. Nếu dự báo này là đúng, thì năm 2023 sẽ đạt và vượt dự kiến với mức 1 tỷ USD và năm 2023 sẽ là năm thứ 8 liên tục xuất siêu tính từ năm 2016.

Cùng với sự cải thiện cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ (nhập siêu dịch vụ giảm từ 4.304 triệu USD trong quý I/2022 xuống còn 216 triệu USD trong quý I năm nay).

Xuất siêu là kết quả và cũng thể hiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, không chỉ có ý nghĩa về chính trị mà còn có ý nghĩa về kinh tế trong điều kiện mở cửa, hội nhập.

Xuất siêu hàng hóa góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, ổn định và nâng cao dự trữ ngoại hối… Nhờ đó, dự trữ ngoại hối đã tăng nhanh trong mấy năm qua nhờ có sự đóng góp của thặng dư thương mại.

Xuất siêu hàng hóa góp phần ổn định tỷ giá, ổn định tâm lý, góp phần kiểm soát lạm phát. Xuất siêu còn góp phần giảm tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài so với GDP. Xuất siêu là một bộ phận của tổng cầu, nên làm tăng tổng cầu, góp phần tăng trưởng GDP.

Những vấn đề đáng quan tâm

Tuy nhiên, đằng sau tỷ lệ xuất siêu hàng hóa trong quý I/2023 là những vấn đề đáng quan tâm như sau:

Vấn đề lớn nhất là xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng (ngược lại xuất khẩu bị giảm sâu), mà nhờ nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu.

Xuất khẩu quý I/2023 đạt 7.9302,6 triệu USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm của xuất khẩu quý I/2023 diễn ra ở cả hai khu vực: khu vực kinh tế trong nước giảm 15,2% (hay giảm 3.570 triệu USD); khu vực FDI giảm 10,6% (hay giảm 7.028 triệu USD).

Theo đó, khu vực kinh tế trong nước giảm sâu hơn khu vực FDI, nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước của khu vực kinh tế trong nước quý I năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (24,1% so với 25,9%), còn của khu vực FDI cao hơn cùng kỳ (75,9% so với 74,1%), tiếp tục thể hiện sự hạn chế của khu vực kinh tế trong nước.

Sự sụt giảm của xuất khẩu diễn ra ở nhiều mặt hàng chủ lực. Trong 45 mặt hàng chủ lực, so với cùng kỳ năm trước có tới 33 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, trong đó có 4 mặt hàng có mức giảm lớn (trên 100 triệu USD), đặc biệt có 4 mặt hàng giảm rất lớn (trên 1 tỷ USD là: điện thoại và linh kiện; dệt may; điện tử, máy tính, linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ). Đây cũng là những mặt hàng có kim ngạch lớn. Một số mặt hàng giảm về lượng xuất khẩu, như: Clanke và xi măng, xơ sợi dệt, chè, cao su, cà phê… Có một số mặt hàng bị giảm về giá xuất khẩu, như: hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, dầu thô…

Những vấn đề đáng quan tâm phía sau tỷ lệ xuất siêu trong quý I/2023

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu quý I/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sự sụt giảm về xuất khẩu diễn ra ở 42/80 thị trường chủ yếu, trong đó giảm lớn (trên 100 triệu USD) có 13 thị trường, như: Mỹ, Trung Quốc, Hồng Công, Bỉ, Campuchia, Canada, Đức, Mehico… Đáng lưu ý, mức giảm rất lớn là Mỹ (quý I năm nay đạt 20.764 triệu USD, giảm 5.498 triệu USD so với cùng kỳ năm trước)…

Sự sụt giảm xuất khẩu diễn ra ở 44 tỉnh, thành phố, trong đó một số tỉnh có mức giảm trên 100 triệu USD là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh- là những địa bàn có quy mô xuất khẩu lớn nhất.

Nhập khẩu quý I/2023 đạt 74.489,9 triệu USD, giảm 15,4%- tốc độ và mức giảm lớn hơn các con số tương ứng của xuất khẩu, đưa đến xuất siêu trong quý I năm nay lớn hơn cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu giảm tuy là xu hướng tích cực, nhưng nếu giảm sâu lại tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước, cũng như xuất khẩu ở chu kỳ sau.

Nhập khẩu giảm diễn ra ở cả 2 khu vực gồm: khu vực trong nước, giảm 14,1% hay giảm 4.228 triệu USD; khu vực FDI giảm 16%, hay giảm 9.290 triệu USD.

Nhập khẩu giảm diễn ra ở 34/54 mặt hàng chủ lực, trong đó có một số mặt hàng giảm sâu (trên 100 triệu USD), như: hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, vải, sắt thép… Các mặt hàng giảm rất sâu là: máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Một số mặt hàng chủ lực giảm về lượng, như: ngô, đậu tương, quặng và khoáng sản khác… Một số mặt hàng có đơn giá giảm, như: hạt điều, quặng và khoáng sản khác, than, dầu thô…

Xuất khẩu giảm ở 44 tỉnh, thành phố, trong đó mức giảm trên 100 triệu USD là 16 tỉnh, thành phố, đặc biệt có 5 tỉnh, thành phố giảm trên 1 tỷ USD, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh.

Nhập khẩu giảm ở hơn 40 thị trường, trong đó giảm lớn (trên 100 triệu USD), như: Argentina, Ailen, Ấn Độ, Campuchia, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Malaixia, Nga, Thái Lan, Trung Quốc, đặc biệt có 2 thị trường nhập khẩu giảm rất lớn (trên 1 tỷ USD) là Trung Quốc, Hàn Quốc.

Vấn đề thứ hai là xuất siêu do khu vực FDI so với cùng kỳ năm trước đã tăng cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ xuất siêu. Còn nhập siêu hoàn toàn do khu vực kinh tế trong nước.

Vấn đề thứ ba là thị trường. Những thị trường Việt Nam xuất siêu lớn đã bị giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Mỹ (1.774 triệu USD so với 22.823 triệu USD), Đức (1.091 triệu USD so với 1.268 triệu USD), Anh (1.230 triệu USD so với 1.247 triệu USD), Hồng Công (1.327 triệu USD so với 2.130 triệu USD)…/.