Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), theo Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vẫn còn những vấn đề cần cải tiến như: chưa thống nhất từ kỳ giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện, cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; công tác giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với từng văn bản, nhất là văn bản dưới Nghị định còn hạn chế…

Phải có hướng xử lý hậu giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, vẫn phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất. Ảnh: QH

“Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ giám sát năm 2021 còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng nợ đọng văn bản của giai đoạn trước còn kéo dài; vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định đã ban hành trước khi luật, nghị quyết có hiệu lực mà không ban hành văn bản mới; vẫn phát hiện một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, bao gồm cả về thẩm quyền ban hành và nội dung văn bản. Một số nội dung trong quá trình triển khai thi hành phát sinh bất cập, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về quy định giữa các luật có liên quan hoặc chưa phù hợp với quy định mới tại luật có liên quan được ban hành sau khi luật có hiệu lực thi hành…”, ông Cường cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát lại quy định cụ thể nhiệm vụ, phân công trách nhiệm trong công tác giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn quy trình giám sát. Đề nghị bổ sung nội dung căn cứ kết quả giám sát đối với đề xuất của Chính phủ; kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để chỉ đạo khắc phục, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo UBTVQH và công khai với công luận…

Việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết đã tạo ra những “khoảng trống” pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục và có tính kế thừa giữa các nhiệm kỳ. Trong quá trình thực hiện phải có đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật, có xử lý hậu giám sát và giám sát lại. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn bản, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.

“Qua thực tiễn, trong giám sát phải xử lý mối quan hệ giữa giám sát văn bản của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan Quốc hội với công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp. Chính phủ căn cứ vào kiến nghị trong báo cáo và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cùng báo cáo các cơ quan chức năng chỉ đạo việc rà soát, khắc phục các sai phạm, tồn tại, hạn chế trong ban hành văn bản, báo cáo UBTVQH chậm nhất trong quý I/2022…”, ông Định nhấn mạnh.

Phải có hướng xử lý hậu giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong quá trình thực hiện giám sát phải có đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng văn bản của UBTVQH hướng dẫn về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực, hiệu quả. Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo trình UBTVQH thảo luận vào tháng 9 hàng năm, trước khi có báo cáo gửi Quốc hội và đại biểu Quốc hội vào tháng 10. Khi chưa có văn bản thống nhất, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vẫn tiến hành giám sát theo chức năng đã được quy định…/.